CHÚA NHẬT I MÙA
VỌNG, C
(Lu-ca 21:25-28,34-36)
Một
số người trong chúng ta đã có kinh nghiệm thế nào là nằm bệnh viện. Bạn hoàn toàn mất tự do, không thể đi lại
tùy ý thích, không thể kiểm soát được gì sau khi mình đã bị gây mê. Vậy tại sao bạn có thể chịu đựng được tình
trạng mất tự do như vậy? Câu trả lời
thật là đơn giản. Vì bạn tin rằng thời
gian ở bệnh viện sẽ giúp cho đời sống mình tốt đẹp hơn. Bạn có thể chịu đựng được phiền phức, mất tự
do, kinh hoàng là vì bạn tin rằng cần phải như vậy mới tốt cho bạn và mai mốt
bạn sẽ được tự do sống như trước kia.
Cho nên bạn hướng mắt nhìn về ngày đó mà chịu đựng và kiên nhẫn. Hình ảnh ấy giúp chúng ta hiểu thế nào là
tin tưởng, là đức tin. Đức tin hướng
chúng ta tới một mục đích. Đức tin cũng
giúp chúng ta chấp nhận những phương tiện để đạt tới mục đích ấy. Đức tin ấy được Chúa Giê-su trình bày hôm
nay trong bài giảng của Người về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, một biến cố
báo trước cuộc quang lâm của Người trong ngày tận thế.
a) Chúa đến, một biến cố đòi hỏi phải có đức tin
Sau khi đã kể ra một số dấu hiệu báo
trước và nhắc đến thái độ sợ hãi của nhiều người, Chúa Giê-su khẳng định việc
quang lâm của Người: “Bấy giờ thiên hạ
sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc
21:27). Trước biến cố Người sẽ đến,
trong khi có những người “sợ đến hồn xiêu phách tán” thì Chúa Giê-su lại đưa ra
một mẫu người đức tin, đó là “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em
sắp được cứu chuộc.”
Đức tin giúp
chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên.
Thực là một hình ảnh sống động và chính xác. Thiếu hoặc mất niềm tin, chúng ta thường đứng ngồi không yên và
gục đầu xuống, làm như không muốn đối diện với thực tế. Khi Ba Vua từ phương Đông tới Giê-ru-sa-lem
và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh,
hiện ở đâu?” thì “vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”
(Mt 2:2-3). Bối rối và xôn xao là vì
không có niềm tin. Trái lại, đức tin cho
chúng ta được sức mạnh để đứng thẳng mà không sợ hãi, được can đảm để nhìn lên
và đón nhận một thực tại có lợi cho chúng ta, tuy có đòi hỏi chúng ta phải hy
sinh mất mát mới chiếm hữu được.
Nhưng đâu là
đối tượng của đức tin, hoặc nói khác đi, là tin điều gì? Chúa Giê-su trả lời rõ ràng và chắc
chắn: “Vì anh em sắp được cứu chuộc.” Chỉ những con người thực sự tin rằng mình
sắp được cứu chuộc mới có thể ở trong tư thế “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”
trước cảnh “biển gào sóng thét.” Chúa
Giê-su đã rất nhiều lần lập đi lập lại đối tượng của niềm tin này: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,
không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được
cứu độ” (Ga 3:17). Tin là đặt tất cả sự
tín thác vào một thực tại chắc chắn sẽ tới, là chấp nhận sự trung thành của Đấng
hứa ban cho chúng ta điều gì. Vì Chúa
Giê-su tin vào sự trung thành của Thiên Chúa sẽ cứu độ chúng ta nên Ngài mới
quả quyết với chúng ta: anh em sắp được
cứu chuộc rồi! Người còn xác nhận rằng
chính Người đã đến là để thi hành ý Chúa Cha:
giúp mọi người được sống và sống phong phú.
b)
Chúa đến, một biến cố đòi hỏi sự chuẩn bị
Dù đã báo
trước chắc chắn Người sẽ quang lâm, nhưng Chúa Giê-su vẫn nhắc nhở chúng ta
phải chuẩn bị thích đáng. Một trong
những tâm trạng thường xảy ra khi phải chờ đợi là bị cám dỗ làm những chuyện
không liên hệ đến việc chờ đợi. Đáng lẽ
phải làm những gì để chuẩn bị cho việc Chúa đến, những gì thái độ tỉnh thức đòi
hỏi, thì chúng ta lại “để cho lòng mình ra nặng nề” do chè chén say sưa hoặc lo
lắng làm giàu. Tỉnh thức là tư thế căn
bản của chờ đợi. Ngồi trong phòng đợi
những chuyến bay từ Việt Nam về, chúng ta mới biết thế nào là tỉnh thức. Mỗi lần cánh cửa lay động, hé mở là hàng
trăm cặp mắt đổ dồn vào đó. Rồi khi đám
hành khách đi ra, người ta lại dớn dác tìm.
Nếu là người thân, người ta sẽ nhận ra ngay từ đằng xa. Tất cả đều là những biểu lộ của tỉnh
thức. Tỉnh thức cũng là cách nói lên
một mối quan hệ. Trong số những người
ngồi trong phòng đợi, hầu hết là những người có quan hệ với hành khách trở về,
nên họ tỉnh thức. Nhưng cũng có một số
rất ơ hờ, có thể là những người bạn bè của những người đi đón, hoặc có thể là
những người “bị” đi đón. Chúng ta tỉnh
thức đang khi chờ đón Chúa đến, vì Ngày Chúa đến giống như “một chiếc lưới bất
thần chụp xuống đầu” và vì chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Người.
Một điều nữa
Chúa Giê-su thấy chúng ta cần phải làm, đó là cầu nguyện. Tại sao cần phải cầu nguyện? Trả lời câu hỏi, có bản dịch Kinh Thánh ghi
là để chúng ta “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững
trước mặt Con Người,” bản dịch khác lại viết là để chúng ta “được xét là
đáng thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Cầu nguyện là sống mối quan hệ với Chúa,
hoặc là sống sự thức tỉnh. Nếu như thế
thì cả hai cách dịch đều đúng cả, vì mối quan hệ mật thiết với Chúa là một sức
mạnh và là điều kiện xứng đáng giúp chúng ta chịu đựng được sự phán xét của
Chúa và được Chúa nhìn nhận là những “người đầy tớ tài giỏi” (Lc 19:17).
c)
Suy nghĩ và cầu nguyện
Thời nào
cũng có những người làm trò tiên báo ngày tận thế. Trước những đe dọa đó, thái độ của tôi có thực sự là thái độ của
đức tin không? Lời Chúa trong bài Tin
Mừng hôm nay dạy tôi thái độ nào là của đức tin đích thực?
Tỉnh thức là
sống mối quan hệ với Chúa. Cầu nguyện
cũng là sống mối quan hệ mật thiết với Chúa.
Vậy tôi có chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng cách sống mối quan hệ với
Người không? Sống mối quan hệ ấy như
thế nào?
“Lạy Chúa là
Đấng chúng con tôn thờ,
xin cho
chúng con hằng tha thiết đợi chờ Đức Ki-tô ngự đến,
để khi đến
gõ cửa, Người thấy chúng con đang tỉnh thức cầu nguyện,
và hân hoan
ca tụng Người.
Người là
Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
hiệp nhất
với Chúa Thánh Thần đến muôn thở muôn đời.
A-men.”
(Lời
nguyện nhập lễ, Thứ Hai sau CN I mùa Vọng)
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi
30-11-2003