CHỦ NHẬT II - MÙA
VỌNG
NĂM C (2000)
Lc 3, 16: "Mọi
người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa"
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên
Bài Tin Mừng CN hôm nay khởi đầu với một chi tiết, có lẽ chúng ta thường
để ngoài tai : "Đời Hoàng Đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Hêrôđê làm thủ hiến
xứ Galilê...", những yếu tố lịch sử. Thế nhưng, chính cái yếu tố này lại
là một phần thiết yếu của Tin Mừng. Chúng ta thường thấy các kitô hữu của chúng
ta trong đời sống đạo cũng qúa thường gạt bỏ yếu tố lịch sử ra khỏi niềm tin
của mình : người ta thường bảo nhau "Đạo tại tâm".
Gioan Tiền Hô được Chúa kêu gọi "trong hoang điạ", con người
được Thiên Chúa kêu gọi trong chính cảnh vực nhân sinh của họ, nhưng cảnh vực
ấy phải thích hợp và không che lấp tiếng gọi của Chúa. Hoang điạ gợi lên sự
đồng hành của Thiên Chúa với con người trong lịch sử. Hành trình của Abraham từ
đất Ur đến Canaan, hành trình của Môsê và dân Người từ Ai Cập về đất hứa, hành
trình của Elia về núi Horeb, và sau này trước khi ra loan báo Tin Mừng, Đức
Giêsu cũng từ hoang điạ đi lên. Hội thánh ngay từ thưở ban đầu suốt 300 năm
cũng đã chỉ xuất hiện vững vàng từ những hầm trú, những hang toại đạo, thậm chí
ngay tại VN Tin Mừng cũng chỉ được sáng tỏ trên các pháp trường, trong rừng
thiêng nước độc... : Lịch sử đã là yếu tố không thể tách rời với Tin Mừng.
Nhưng là một LỊCH SỬ PHẢI ĐƯỢC THANH TẨY. Thực ra Tin Mừng chính là LỊCH SỬ ĐÃ
HOÀN TẤT CUỘC THANH TẨY để đạt tới tầm vóc viên mãn.
"Hãy lấp mọi hố sâu, hãy bạt mọi núi đồi": lịch sử là hố, là
núi, là đồi, là những con đường cong quẹo, gồ ghề. Chúng ta thường bảo đấy
không có chỗ cho Tin Mừng, biết bao người Kitô hữu thường sống như thế đó:
trong công việc, trong kinh doanh, trong xưởng máy, trong các chức phận xã hội
không còn chỗ cho Tin Mừng. Và khi đến Nhà Thờ, trong các cử hành tôn giáo thì
họ lại bảo ở đấy không có chỗ cho lịch sử.
Bản thân Tin Mừng như chúng ta đang chờ đợi trong mùa vọng chính là NGÔI
LỜI NHẬP THỂ trong một lịch sử nhất định: Lịch sử của Đức Giêsu trong toàn vẹn
là chính Tin Mừng. Điều ấy được chuyển qua người Kitô Hữu nhờ Nhiệm Cục Cứu Độ
khi họ tiếp nhận qua Lời, qua Bí Tích và qua Hội Thánh, là sự tiếp nối và hiện
tại hóa Lịch Sử của chính Đức Kitô, để trong chính lịch sử hôm nay của mỗi
người, Đức Kitô hoàn thành Lịch Sử của mình cho tới ngày cánh chung. Ngày mà
theo Phaolô là ngày Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.
Đó cũng chính là nội dung loan báo của các tiên tri. Tiên tri Baruk đã
hình dung Tin Mừng bằng một hình ảnh rất thân quen "Hỡi Giêrusalem, hãy
cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh
quang...". Đó là một sự đổi đời, đó là sự thanh tẩy lịch sử.
Tuy nhiên, cuộc đổi đời ấy, công trình thay đổi lịch sử ấy tuy diễn ra
trong bản thân mỗi người, nhưng cũng như nơi Đức Kitô, lại là tác động của Tình
Yêu Thần Linh.
Vi thế lời cầu nguyện của thánh Phaolô mãi mãi còn là lời cầu nguyện của
chúng ta trong Mùa Vọng cuộc đời : "Tôi
hân hoan khẩn cầu cho anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Tin
Mừng từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó
trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đên ngày của Đức Giêsu Kitô..."