CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, C

(Lu-ca 3: 1-6)

 

        Chúa Giê-su đã công bố Tin Mừng chúng ta sắp được cứu chuộc và Người mời gọi ta hãy ở trong tư thế của người có đức tin, tức là hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, mà đón nhận ơn cứu rỗi (xem bài Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Vọng).  Tuy nhiên, đức tin chúng ta cần phải sống động và được biểu lộ qua hành động.  Đó chính là điều thánh Gio-an Tẩy Giả lấy làm đề tài cho việc rao giảng của ngài.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn tiếp tục quảng diễn thái độ đức tin:  để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu, ta cần phải loại bỏ đi mọi trở ngại.  Qua sứ vụ rao giảng sám hối, thánh Gio-an mời gọi chúng ta điểm mặt những trở ngại này và hãy quyết tâm thắng vượt.

 

a)  Sứ vụ rao giảng thống hối của Gio-an Tẩy Giả

 

        So sánh chương 3 với chương 4 trong Tin Mừng Lu-ca, chúng ta thấy thánh sử đi theo một cấu trúc tương tự để mô tả khởi đầu sứ vụ của ông Gio-an và khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su.  Trước hết là giới thiệu hoàn cảnh lịch sử và địa lý, nhân vật chính là Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su, tiếp đến là việc các ngài thi hành sứ vụ, sau đó là phản ứng của những người đương thời trước công việc các ngài làm, và cuối cùng là cơn bách hại các ngài phải chịu (Gio-an bị bỏ tù và Chúa Giê-su bị lôi ra khỏi thành Na-da-rét).  Điểm đặc biệt trong phần trình bày sứ vụ là cả hai vị đều thi hành những gì đã được Thiên Chúa hoạch định và được ngôn sứ I-sai-a tiên báo (Lc 3:4-6 và 4:18-19).  Vậy theo ngôn sứ I-sai-a, sứ vụ của ông Gio-an Tẩy Giả là gì?

        Là kêu gọi và giúp mọi người hãy dọn đường sửa lối cho Chúa đến.  Không phải những con đường đất đá, nhưng là những con đường của tâm hồn, để tiếp nhận Chúa đến cứu chuộc chúng ta.  Hình ảnh con đường thật là sống động, thực tiễn và súc tích dùng để nói lên một hình ảnh khó nhận ra được là tâm hồn.  Những trở ngại khiến Chúa không thể đến với tâm hồn ta đã được cụ thể hóa bằng những gợi hình như thung lũng, núi đồi, quanh co và gồ ghề.   Những hình ảnh quen thuộc này dễ gợi cho ta nhìn vào tâm hồn mình để nhận ra đâu là những thiếu vắng hụt hẫng, những kiêu căng tự phụ, những quanh quéo lươn lẹo và những bất mãn khó chịu, luôn bàng bạc trong nội tâm ta khi ta đối xử với Chúa, với anh chị em và với chính mình.  Vì những trở ngại ấy mà Chúa không đến với ta được, anh chị em cũng không đến với ta được, và chính ta cũng không dám vượt qua những trở ngại ấy để đến với Chúa và anh chị em!

        Việc dọn đường sửa lối này không ai có thể làm giúp ta.  Chúa chỉ giúp ta những dụng cụ.  Người cho ta Lời Chúa để làm “ngọn đèn soi bước ta đi,” Bí tích Hòa giải để giúp ta thống hối và sửa đổi, những lời giảng dạy của Giáo Hội để giúp ta suy gẫm và thăng tiến đời sống thiêng liêng...  Ông Gio-an cũng chỉ đóng vai trò đốc công, hô hoán thúc giục mọi người mau hoàn tất công tác dọn đường sửa lối, chứ ông không thể làm gì hơn, vì ta mới là chủ động.  Chính ta phải là người “dọn sẵn con đường của Đức Chúa” và là người “sửa lối cho thẳng để Người đi.”

        Vậy con đường ấy đưa ta và Chúa đi đâu?  Để ta đến với Chúa mà xin Người cứu độ ta và để Chúa đến với ta mà ban ơn cứu rỗi của Người cho ta.  Đó là con đường lưu thông hai chiều, từng giờ từng phút chuyên chở những yêu thương, ân sủng, cảm tạ, tha thứ, nụ cười, nước mắt... để xây dựng một mối quan hệ mật thiết giữa ta với Chúa và quan hệ ấy sẽ được tồn tại vĩnh cửu mai sau.  Tóm lại, con đường ấy sau khi đã được dọn sửa sẽ giúp cho “hết mọi người phàm thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

 

b)  Ông Gio-an đã thi hành sứ vụ thế nào?

 

        Thánh Lu-ca sử dụng chỉ một câu để mô tả hoạt động của ông Gio-an:  “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3).  Tuy viết đơn sơ vậy, nhưng thực tế không đơn giản như thế đâu.  Ông Gio-an cũng có phương án chứ.  Ông chọn “vùng ven sông Gio-đan” làm địa bàn thực hiện sứ vụ, vì đó là nơi tiếp cận giữa Giu-đê với Sa-ma-ri và Ga-li-lê, đồng thời cũng tiếp cận với thế giới Dân ngoại nữa.  Người trên Giê-ru-sa-lem có thể xuống, người từ miền bắc như Ga-li-lê và Sa-ma-ri có thể tới, người từ phía Dân ngoại như vùng Thập Tỉnh hoặc Xi-ri cũng có thể qua.  Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho mọi người, không riêng gì Do-thái.  Cho nên cũng phải kêu gọi mọi người, không phải chỉ người Do-thái, hết thảy hãy chuẩn bị đón nhận Đấng cứu chuộc.  Ông không chỉ loan báo sự thống hối, vì loan báo mang ý nghĩa yếu và hơi thụ động, nhưng ông tích cực rao giảng, lớn tiếng hô hoán lên để càng nhiều người nghe được càng tốt.  Lời giảng của ông không phải là mớ lý thuyết, nhưng là những lời thúc giục, kêu gọi, van nài, thực tế, đe dọa, nói thẳng nói thật.  Mà nói thật thì mất lòng, do đó ông đành chịu thiệt thân vì nói.

        Kèm theo lời rao giảng, ông làm một nghi thức gần giống như nghi thức tẩy rửa của Do-thái giáo, để giúp người nghe biểu lộ tâm tình thống hối và khi trở về nhà sẽ tiếp tục công tác “dọn đường sửa lối” trong cuộc sống hằng ngày của họ.

        Sứ vụ rao giảng thống hối và làm phép rửa, ông Gio-an không tự sáng chế ra, nhưng ông đã thi hành theo kế hoạch của Chúa sau khi “có lời Chúa phán cùng ông trong hoang địa,” một kiểu nói của Kinh Thánh giống như trường hợp Chúa Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” lúc Người khởi đầu sứ vụ cứu thế.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi có nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng đã phán:  “Thầy là con đường” để dọn dẹp và sửa sang con đường của tôi không?  Con đường của Chúa Giê-su sẽ soi sáng cho tôi thấy phải dọn sửa con đường của tôi như thế nào?

        E. Krishassner kể truyện có một cậu bé nhặt được một tấm bản đồ thế giới đã bị xé làm nhiều mảnh.  Thế mà cậu bé chỉ mất mấy phút đồng hồ ráp lại đầy đủ.  Người ta hỏi sao cậu giỏi và ráp lại nhanh thế, cậu liền trả lời:  “Dễ ợt mà.  Ở mặt sau có hình một người.  Cháu chỉ ráp lại hình ông ta là cả thế giới chỗ nào vào chỗ đó!”  Nếu tôi thực sự thống hối và sửa đổi để “ráp lại” hình ảnh của tôi, thì hiệu quả sẽ như thế nào đối với gia đình, nhóm, xứ đạo của tôi?

        Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói:  “Chúng ta sẽ chẳng là những Ki-tô hữu trung thành nếu chúng ta không làm những Ki-tô hữu tiếp tục tiến trình được đổi mới” (ĐGH Phao-lô, ngày 27-6-1973).  Tôi có chương trình nào để “đổi mới” tôi không?  Phải thực hiện chương trình ấy một cách cụ thể như thế nào?

 

        Lời nguyện Canh Tân:

 

        Lạy Chúa, chúng con là dân Chúa, là chiên thuộc đoàn chiên Chúa.

        Xin Chúa chữa lành những con chiên bị thương,

xin nâng đỡ những con chiên đau khổ,

xin rửa sạch những con chiên nhơ bẩn,

xin sưởi ấm những con chiên nguội lạnh.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu biết tình yêu của Chúa là Cha,

qua Đức Ki-tô là Chúa Chiên nhân lành,

và qua Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa.

Xin giúp chúng con luôn biết biểu dương

và làm cho mọi người nơi đây nhận biết tình yêu của Chúa.

Xin giúp chúng con xây dựng bác ái trên công bình, và công bình trên bác ái.

Xin giúp chúng con mạnh mẽ trong Đức Tin,

hân hoan trong Đức Cậy,

và thiện toàn trong Đức Mến.

Lạy Chúa, xin đổi mới chúng con,

để nhờ đó chúng con đổi mới bộ mặt trái đất.  A-men.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

2003


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà