Chúa Nhật III Mùa Vọng năm C
“Hãy vui lên”
Đọc Luca 3, 10-18
Chúa Nhật III
Mùa Vọng được gọi là “Chúa Nhật Niềm Vui”. Những bài đọc Kinh Thánh cũng như
phụng vụ muốn chúng ta suy nghĩ theo hướng này.
1. “Tôn giáo là
tiếng thở dài…”. Ông Karl Marx đã phát biểu như vậy. Đúng sai còn là chuyện
phải bàn. Chỉ có điều, là người kitô hữu, Chúa muốn ta phải sống sao cho vui,
đẩy lui những “tiếng thở dài” trong cuộc sống mà chính chúng ta đôi khi vô tình
hay hữu ý đã gây ra.
Ai mà lại
không muốn có niềm vui, nhưng làm sao để có niềm vui ?. Câu trả lời thật không
đơn giản, bởi vì mỗi người có một cảnh ngộ khác nhau. Tuy nhiên, thiết tưởng
cũng có những mẫu số chung cần phải thực thi.
2. Muốn có niềm vui phải có tâm hồn an bình.
Thật chẳng phải vô lý mà trong đêm Chúa giáng trần, thiên thần cầu chúc cho
nhân loại được “bình an”. Cứ nhìn vào thế giới hôm nay sẽ rõ : điều mà nhân
loại thiếu hơn cả đó là sự an bình. Có
ngày nào qua đi mà lại không có cảnh máu chảy đầu rơi ?. Làm sao vui được khi
phải sống trong cảnh binh đao khói lửa ?. Rồi giữa người với người, một cách
nào đó, người ta cũng gây ra những cuộc “chiến tranh” khi thì nóng khi thì
lạnh.
Tuy
nhiên, cõi lòng chúng ta mới thật sự là nơi mất an bình hơn cả. Vì
thế Ông Gioan Tiền Hô kêu gọi hãy sửa lại những con đường. Những con đường ấy
không phải là những con đường chạy bên ngoài nhưng là chính cõi lòng chúng ta,
hang ổ của tội lỗi. Bao giờ cũng vậy, chính tội lỗi làm cho con người xao
xuyến, cô đơn và mất an bình.
3. Muốn có niềm vui phải biết yêu thương và chia sẻ
: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có, ai có gì ăn cũng hãy làm như vậy”.
Đây là một nghịch lý nhưng cũng là một sự thật hiển nhiên. Cho là mất, điều này
đã rõ, nhưng lại nhận được một niềm vui sâu xa vì đã cho, đã quên mình, đã sống
quảng đại và chia sẻ.
Ở Palestine có
hai biển : Biển Hồ và Biển Chết. Cả hai đều tiếp nhận nước của sông Giođan.
Biền Hồ quanh năm nước trong xanh và có nhiều cá, du khách thích qua lại nơi
đây. Còn Biển Chết là nơi không ai muốn lui tới, trừ khi bắt buộc phải đi qua.
Do đâu mà có sự khác biệt ấy?. Thưa là vì Biển Hồ Galilê tiếp nhận nước của
sông Giođan rồi chảy sang những chỗ khác nữa. Còn Biển Chết tiếp nhận nước
nhưng không chảy đi đâu, chỉ giữ lại cho mình nên gọi là Biển Chết. Nơi đây
chẳng những khách tham quan không thích lui tới mà thậm chí cá mú cũng không
thể sống được.
Đây là một
hình ảnh rất thi vị dạy mỗi người chúng ta cách thế để tạo niềm vui cho chính
mình.
4. Muốn có niềm vui phải bằng lòng với chính mình.
“Hãy bằng lòng với đồng lương của mình”. Ông Gioan Tiền Hô đã nói với binh lính
như vậy. Ở đời thì ai mà chẳng thích lương cao, lương thấp thì cuộc sống vì thế
mà đôi khi phải khổ sở và thiếu thốn. Chỉ có điều con người rất nhiều khi mất
niềm vui vì cứ so sánh với kẻ khác rồi đâm thèm thuồng và nhiều khi dẫn đến sự
tội.
5. Muốn có niềm vui
phải chấp nhận “nhỏ đi”. Ít ai nghĩ và muốn nghĩ như vậy. Chính Gioan Tiền
Hô dạy ta. Gioan là vị tiên tri vĩ đại. “Trong số những người đàn ông sinh ra
từ lòng mẹ, chưa có ai lớn hơn ông”, vậy mà khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, ông đã
chấp nhận rút lui vào bóng tối : “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Và
Gioan gọi đó là niềm vui của ông (x. Ga 3, 29). Người ta thường cảm thấy vui
khi biểu dương chính mình, mấy ai cảm thấy vui khi bị nhỏ đi. Gioan đã sống điều
đó. Đây là một khám phá ngược với mọi suy tưởng của con người.
Cho hay, để có được niềm vui chân thật, phải biết sống những điều nghịch lý trong đời.
Lm. Phêrô Trần Ðình
Giáo xứ Chi Lăng, Ðàlạt