Nghe:

· Xp 3, 14-18a: Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giêrusalem: Này Sion đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời. Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.

· Pl 4, 4-7: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khấn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện

 

TIN MỪNG: Lc 3, 10-18

Sứ Điệp Của Gioan Tẩy Giả

 

Khi ấy, có đám đông người Do Thái hỏi Gioan Tẩy Giả rằng: Chúng tôi phải làm gì đây? Ông trả lời: Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có ăn, thì cũng làm như vậy?. Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?. Ông bảo họ: Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh. Binh lính cũng hỏi ông: Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì. Ông bảo họ: Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.

Hồi đó, dân đang trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: Biết đâu ông Gioan lại chẳng là đấng Mêsia!. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước. Nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần là lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. Ngoài ra, Ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa mà loan báo Tin Mừng cho họ.

 

Ngẫm:

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Những việc Gioan Tẩy Giả đề nghị làm để tỏ lòng sám hối liên quan đến ai đến Thiên Chúa hay đến tha nhân?

2. Theo tinh thần của Gioan Tẩy Giả, để chuẩn bị đón Chúa đến, chúng ta nên làm gì? Cần thực hiện những gì?

 

Suy tư gợi ý:

1. Những việc phải làm để sám hối đón chờ Chúa đến

Khi được hỏi rằng phải làm gì để tỏ lòng sám hối, Gioan Tẩy giả trả lời với những người bình thường: ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có ăn, thì cũng làm như vậy. Đó là những việc làm bác ái. Còn với những người bị coi là tội lỗi, ông khuyên: Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình, hoặc Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh. Đó là những điều liên quan đến luật công bằng. Ta thấy những việc Gioan Tẩy giả đề nghị làm để tỏ lòng sám hối không phải là những việc phải làm đối với Thiên Chúa, mà chỉ là những việc phải làm đối với tha nhân.

 

Điều này khiến chúng ta phải chỉnh lại tư tưởng hay thái độ của chúng ta. Vì khi nghĩ đến ăn năn sám hối, là ta nghĩ ngay đến sự khô khan nguội lạnh của ta đối với việc thờ phượng Chúa, với việc xưng tội, đi lễ, rước lễ. Ít người nghĩ đến cách sống, cách ăn nếp ở hay cách ăn nói của mình đã làm cho khác phải khó chịu, không bằng lòng, hoặc đã có những hành động gây thiệt hại cho họ. Càng ít người nghĩ đến những trường hợp mình gặp những người đau khổ, khốn khó, cần được cứu giúp hay nâng đỡ, mà mình đã làm lơ, bỏ qua, không làm gì cả, mặc kệ họ ra sao thì ra với nỗi đau khổ, cùng khốn của họ.

 

2. Tinh thần yêu thương, bác ái đối với tha nhân

Kitô giáo là đạo yêu thương. Cốt tủy lề luật của Kitô giáo là thể hiện tình yêu của mình đối với tha nhân. Thánh Phaolô viết: Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Gl 5, 13b-14). Cho nên điều khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi ngược lại tinh thần Đức Kitô, và không phù hợp với bản chất Kitô hữu chính là những hành động thiếu tình thương của chúng ta đối với tha nhân.

 

Như thế, có thể ta không hề làm một điều gì bất công, hay một hành động xấu nào, nhưng ta vẫn chưa được Thiên Chúa hài lòng và chúc phúc, ta chưa trở nên người Kitô hữu đích thực, là vì ta chưa có những hành vi yêu thương người khác thật sự. Yêu thương ai đòi hỏi ta phải quan tâm tới chính người ấy, tới những nhu cầu thiết thực của họ, đồng thời cố gắng đáp ứng những nhu cầu ấy của họ. Lãnh đạm với họ, không quan tâm tới họ, không biết họ cần gì, và không làm gì để giúp đỡ họ, để khiến họ nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, thì không phải là yêu thương họ. Và như thế là chưa sống tinh thần bác ái yêu thương của Đức Kitô.

 

Biết bao người trong chúng ta tự hào mình là Kitô hữu, thậm chí cho mình là một Kitô hữu tốt! Nhưng nếu thử hỏi: ta có luôn cố gắng trở nên hữu ích cho những người chung quanh, có quan tâm tới nhu cầu của những người sống bên cạnh ta, và tìm cách thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ, làm họ bớt khổ, bớt xấu hơn không? Có lẽ nhiều người trong số chúng ta, những người tự hào mình là Kitô hữu, sẽ trả lời không!. Chúng ta cần nghĩ lại: những người bị chúc dữ ngày phán xét trong Mt 25, 41-46 không hề bị kết án hỏa ngục vì đã làm một điều chi sai trái, mà chỉ vì đã không làm những gì tha nhân cần họ làm. Những điều đó, tha nhân tự cảm thấy không có quyền đòi hỏi họ làm, nhưng Thiên Chúa lại đòi hỏi những đối tượng của Nước Trời phải làm những điều ấy như điều kiện tiên quyết để là công dân Nước Trời.

 

3. Tinh thần công bằng

Để những việc bác ái, yêu thương có giá trị trước Thiên Chúa, chúng ta phải có tinh thần công bằng trước đã. Nếu ta saün sàng gây bất công cho người khác, saün sàng vì quyền lợi của mình mà làm người khác đau khổ, thiệt thòi, thì rõ ràng là ta không hề yêu họ. Lúc đó, những hành vi có vẻ yêu thương người khác của ta dù có to tát vĩ đại đến đâu, cũng chỉ là những hành động giả dối bên ngoài, xuất phát từ lòng ham danh - muốn được tiếng là có lòng yêu thương người khác - chứ không phải do có tình yêu đích thực bên trong thúc đẩy ta làm.

 

Gioan Tẩy Giả đã khuyên những người thu thuế và lính tráng phải thực thi công bằng, không được gây bất công cho ai. Nhân mùa Vọng, ta thử xét mình xem ta đã có tinh thần công bằng đối với mọi người chưa. Khi mượn tiền hay mượn đồ đạc của ai, ta có quyết tâm trả cho bằng được và trả đúng kỳ hạn không? Khi hợp đồng với ai điều gì, ta có thực hiện đúng những điều khoản mà ta đã đồng ý sẽ thực hiện trong hợp đồng không? Khi làm trong các xí nghiệp, công ty, ta có làm hết giờ, và làm hết năng lực của mình như mình đã chấp nhận lúc xin việc không? Ta có thực hiện những điều ta đã hứa với người khác không? Ta có hối lộ hay nhận hối lộ, cho dù dưới hình thức rất tế nhị là một món quà không? Ta có công bằng đối với con cái, hay với những người dưới quyền ta không? Ta ỷ mình là người trên buộc họ phải làm những điều ta không có quyền ép buộc chăng? Ta có thể thành thật tự nhủ với lòng mình rằng: mình rất xứng đáng được mọi người tín nhiệm, người khác có thể giao tiền bạc, của cải của họ cho mình mà không sợ bị thiệt thòi, mất mát hay thất thoát không?

 

Dấu hiệu đích thực của người Kitô hữu là sống bác ái (xem Ga 13,35). Vì thế, không thể là người Kitô hữu đích thực nếu không sống bác ái. Nhưng công bằng lại là nền tảng của bác ái. Không thể có bác ái thật sự khi chưa thực thi công bằng. Vì thế, một người Kitô hữu không tôn trọng và thực thi công bằng, saün sàng gây bất công hay để mặc cho bất công lộng hành, thì chỉ là Kitô hữu một cách hữu danh vô thực mà thôi!

 

4. Tinh thần tôn trọng sự thật

Khi thấy Gioan kêu gọi sám hối và làm phép rửa, nhiều người nghĩ rằng ông chính là đấng Mêsia, là vị Cứu Tinh của dân tộc mà các ngôn sứ đã loan báo. Điều đó chắc chắn cũng làm cho Gioan cảm thấy thích thú. Nhưng Gioan không chấp nhận để cho người ta hiểu lầm như thế, ông đã đính chính rõ ràng: có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần là lửa.

 

Tôn trọng sự thật là một hình thức của công bằng. Mọi người đều có quyền biết sự thật khi sự thật ấy không phải là điều bí mật cần thiết phải dấu diếm, hay khi biết sự thật thì không có gì gây thiệt hại cho họ hoặc người khác. Người Kitô hữu phải là người gương mẫu trong việc tôn trọng sự thật.

 

Nguyện:

 

Lạy Đức Kitô, chúng con đang đón chờ Chúa đến. Vì thế, chúng con quyết tâm thực hiện tinh thần yêu thương của Chúa, một cách cụ thể là quan tâm đến tha nhân, đến những nhu cầu thực tế của họ, đặc biệt những người gần gũi chúng con nhất. Chúng con cũng quyết tâm quảng đại hơn trong việc tìm cách thỏa mãn những nhu cầu của họ. Nhưng căn bản hơn cả, chúng con quyết tâm thực thi công bằng, và cố gắng làm cho xã hội chúng đang sống trở nên công bằng và hợp lý hơn. Amen.

 

(Anrê Nguyễn hữu Nghĩa)

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà