Chúa nhật IV Mùa
Vọng năm C
“Đức Maria, hòm bia
Thiên Chúa ”
Lm Phêrô Trần Đình. Dalat
Phụng vụ Lời Chúa Mùa Vọng thật thâm trầm.
Với Gioan Tiền Hô, chúng ta được mời gọi hãy hoán cải, chuẩn bị đường
cho Chúa đến.
Với Đức Maria, chúng ta được kêu mời hãy trở thành “hòm bia Thiên Chúa”, nghĩa là làm sao để
lòng ta xứng đáng là “hang đá” cho Chúa ngự.
Hãy thong thả đọc lại những lời Tin Mừng hôm nay để hiểu.
1. Đức Maria, “hòm bia Thiên Chúa”
Thánh sử Luca muốn trình bày Đức Maria như “hòm bia Thiên Chúa” hay
“khám giao ước”. Đọc Lc 1, 39-45 song song với II S 6 ta sẽ nhận ra điều đó.
Ngày xưa, sau khi bình định giang sơn, Vua Đavít đã ra lệnh rước khám
Giao ước về Giêrusalem. Khám được đặt trên một “cỗ xe mới” và kiệu đi. Đavít và
toàn thể nhà Israel nhảy mừng trước khám. Và khám ngụ lại nơi đâu thì Chúa đã
chúc lành cho nơi đó.
Tin mừng Luca thật sự muốn trình bày Đức Maria là “khám giao ước” hay
“hòm bia của Thiên Chúa”. Thử lẩy ra vài yếu nét để hiểu.
a/ Khi đến sân lúa của Nakôn, Uzza giơ tay
tới khám Thiên Chúa mà nắm lại, vì bò kéo hỏng chân. Nộ khí Thiên Chúa bốc cháy
trên Uzza và đánh ông tại chỗ. Đavít cảm thấy khiếp sợ và nói : “ khám của Giavê đến nhà tôi làm sao được được ?”
(2 Sm 6, 9)
Khi nghe lời thiên thần truyền tin rằng mình
sẽ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria cũng đã thưa với thiên thần với lời lẽ tương
tự : “Việc ấy sẽ xảy ra làm sao được ?”
(Lc 1, 34).
Xem ra bà Elisabet cũng đã sững sờ khi thấy
Đức Maria xuất hiện : “Bởi đâu tôi được thế
này là Mẹ Chúa tôi đến với tôi” (Lc 1, 43; x. 2 Sm 6, 9). Bà đã nhìn
thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của “khám giao ước” hiện thân.
b/ Vì sợ, Đavít không dám rưốc khám vào nhà
ông, nhưng để khám tại nhà Obed-Edôm. Và khám “đã lưu lại nhà Obed-Edôm người thành Gát ba tháng” (2 Sm 6,
11).
Đức Maria cũng viếng thăm chị họ Eâlisabet và
“đã lưu lại với Elisabet chừng ba tháng”
(Lc 1, 56).
Rõ ràng, Luca muốn trình bày Đức Maria như
“hòm bia Thiên Chúa”, như “khám giao ước”.
Trong Tông Huấn Marialis Cultus, Đức Phaolô 6
đã hiểu như vậy : Thánh Thần đã biến Đức Trinh Nữ Maria thành “nhà ở của Đức
Vua hay chốn nghỉ ngơi của Ngôi Lời, Đền Thờ hoặc Nhà tạm của Chúa, hòm bia giao ước hoặc hòm bia thánh hoá”
(M.C 26).
Kinh cầu Đức Bà hữu lý khi gọi Đức Maria là “hòm bia giao ước vậy”.
2. Những “hòm bia Thiên Chúa” hôm nay
a. Khi trình bày Đức Maria là “hòm bia Thiên Chúa”, Thánh sử Luca muốn
nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện
ở giữa dân Người, một sự hiện diện khiêm nhường và kín đáo. Đó là nét nghịch
thường của mầu nhiệm Nhập Thể. Sự hiện diện của Người được bày tỏ qua một con
người : Đức Maria.
b. Đàng khác khi đặt bài Tin Mừng này vào trong ngày Chúa Nhật cuối
cùng của Mùa Vọng, có lẽ Giáo Hội muốn dạy chúng ta, một cách nào đó, hãy trở thành “hòm bia”, “nơi” xứng đáng để Thiên Chúa cư
ngụ.
Mùa Giáng Sinh, nếu không để ý, người ta sẽ dễ quan tâm đến những yếu
tố bên ngoài nhiều hơn mà xem nhẹ yếu tố bên trong. Những hang đá sẽ được trang
hoàng lộng lẫy, với những đèn đóm muôn mầu muôn sắc. Đã đành những yếu tố bên
ngoài cũng cần thiết, nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị bên trong thì Chúa vẫn sẽ
không sinh xuống lòng chúng ta và như vậy việc Chúa đến nào có ích gì !.
Nếu ngày xưa, hòm bia là nơi chứa đựng thập giới, thì Đức Maria là hòm
bia khi ngài là nơi tiếp nhận Chúa, bởi cõi lòng ngài hoàn toàn thanh sạch, rất
xứng đáng là nơi Chúa ngự. Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên “hòm
bia”, nghĩa là nơi xứng đáng để ngài ngự xuống.