CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

(Lu-ca 1: 39-45)

 

        Chuẩn bị để Chúa giáng sinh tại tâm hồn ta đi theo nhịp độ từng bước của bốn tuần lễ mùa Vọng.  Trước hết Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật I mùa Vọng mượn lời giảng của Chúa Giê-su nói về thành Giê-ru-sa-lem sẽ sụp đổ và công bố ơn cứu độ tới gần, để giúp chúng ta xác tín Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc và muốn tiếp nhận Người, chúng ta cần phải có đức tin.  Chúa Nhật II và III, qua lời giảng và sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn nhận nhu cầu cần phải sám hối và mỗi người phải tìm cho mình một phương thức và hoàn cảnh riêng để thực thi việc sám hối này.  Bước sang Chúa Nhật IV, Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta một gương mẫu tuyệt hảo chuẩn bị đón Chúa đến, đó là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Đấng đã cưu mang Chúa Cứu Thế và là Hòm bia Thiên Chúa mang Chúa đến cho anh chị em, qua nghĩa cử đi thăm người chị họ Ê-li-sa-bét.  Vậy Đức Ma-ri-a đã làm gì cho việc chuẩn bị này?

 

a)  Mẹ Ma-ri-a lên đường vội vã       

 

        Sau biến cố Truyền Tin, Mẹ Ma-ri-a vội vã lên đường viếng thăm người họ hàng là bà Ê-li-sa-bét cũng đã mang thai được sáu tháng.  Tại sao Đức Mẹ phải vội vã?  Chính “lòng nhiệt thành vì nhà Chúa” đã thúc giục Mẹ mau mắn đem Tin Mừng cho người khác.  Ta có thể tin chắc rằng lòng nhiệt thành của Đức Mẹ phải là nguồn phát sinh và đào tạo nên lòng nhiệt thành của người con yêu dấu là Giê-su.  Chúa Giê-su đã được huấn luyện trong trường truyền giáo Na-da-rét dưới sự dẫn dắt của Mẹ Người, sau đó Người đã lên đường đi tới khắp miền Pha-lét-tin rao giảng, làm phép lạ và hoàn tất sứ vụ qua cái chết tủi nhục trên thập giá.  Tất cả đều do “lòng nhiệt thành vì nhà Chúa.”

        Lòng nhiệt thành luôn giúp ta nhận ra tính cách khẩn trương của những gì ta phải làm.  Bà Ê-li-sa-bét đã mang thai sáu tháng rồi.  Mẹ Ma-ri-a tính nhẩm:  ít ra cũng mất hơn tuần lễ đi từ Na-da-rét “đến miền núi” (A-in Ka-rim cách Giê-ru-sa-lem 6 cây số), nên chỉ còn khoảng ba tháng để giúp đỡ cho gia đình bà Ê-li-sa-bét.  Ông Da-ca-ri-a đã già và bị câm không nói được, còn bà Ê-li-sa-bét đã lớn tuổi (Lc 1:18), nên họ lại càng cần có người giúp đỡ.  Lòng nhiệt thành giúp Mẹ Ma-ri-a vui vẻ chấp nhận công việc của một người đầy tớ, vì sau này Mẹ sẽ có một người con “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).

 

b)  Mẹ Ma-ri-a chào hỏi bà Ê-li-sa-bét

 

        Thánh Lu-ca không ghi lại Mẹ Ma-ri-a đã nói hoặc có những cử chỉ nào khi “chào hỏi” bà Ê-li-sa-bét.  Nhưng nếu xét những kết quả đem lại do việc chào hỏi ấy, ta có thể tưởng tượng ra được những ân cần và đầy thương yêu Đức Mẹ đã biểu lộ với người chị họ của mình.  “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1:41).

        Chào hỏi mà ta thấy trong đời sống hằng ngày, nhất là tại Hoa-kỳ, thường mang tính cách máy móc.  Nói mà không ý thức mình đang nói gì.  Vẫy tay cũng giống như vẫy xe taxi thôi.  Vì thế những chào hỏi ấy chẳng gây được thay đổi gì nơi ta.  Trái lại, vòng tay ôm hôn của Mẹ Ma-ri-a phải thể hiện vòng tay tình yêu Thiên Chúa, lời nói dịu dàng của Mẹ phải là thứ ngôn ngữ của Tình Yêu, ánh mắt của Mẹ phải rực lên lửa yêu thương của Thiên Chúa, và trái tim của Mẹ phải rộn ràng những nhịp đập của Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3:16).  Đối với Mẹ Ma-ri-a, chào hỏi là đem tất cả những gì mình đã được chúc phúc để chia sẻ với người mình chào hỏi (xem Lc 1:42).  Ân phúc của Thiên Chúa cần được chia sẻ qua những gặp gỡ trong đời sống hằng ngày của ta.  Ta đã nhận được tất cả từ Thiên Chúa thì ta cũng phải cho lại anh chị em.  Đó là luật “chào hỏi” Đức Mẹ đã học từ nơi Thiên Chúa.

        Nhưng có lẽ hiệu quả lớn nhất do việc chào hỏi của Mẹ Ma-ri-a là đã giúp cho bà Ê-li-sa-bét cũng nhận ra được chính mình.  “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?” (Lc 1:43).  Phúc đến từ Thiên Chúa và Con Một Người.  Tuy nhiên, Mẹ Ma-ri-a là máng thông ơn Thiên Chúa và bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra được tất cả những điều đó.  Như thế, cuộc viếng thăm của Mẹ Ma-ri-a không còn là một cuộc viếng thăm bình thường nữa, nhưng đã trở thành một ân phúc cho bà Ê-li-sa-bét rồi.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi có tâm tình nào khi chuẩn bị đón Chúa trong mùa Giáng Sinh này?  Mẹ Ma-ri-a đã dạy tôi làm gì qua cuộc Mẹ viếng thăm bà Ê-li-sa-bét?

        Khi thấy một người cần giúp đỡ, tôi có vội vã đến với họ hay tôi tính toán hơn thiệt?

        Trong những giao tiếp với những người chung quanh, tôi có chia sẻ những gì tôi đã lãnh nhận được từ nơi Chúa không?  Làm thế nào giúp tôi ý thức được vai trò chuyển thông ân phúc của Chúa cho anh chị em?

 

        “Lạy Mẹ Ma-ri-a,

        khi đọc Phúc Âm,

        lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

        Mẹ đi giúp bà I-sa-ve, rồi đi Bê-lem sinh Đức Giê-su.

        Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

        Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Ca-na.

        Mẹ đi thăm Đức Giê-su khi Ngài đang rao giảng.

        Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

 

        Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

        âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

        từ con người hay từ Thiên Chúa.

        Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giê-su

        trong mọi bước đường của cuộc sống.

        Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa,

        Có những con đường đầy máu và nước mắt.

 

        Xin Mẹ dạy chúng con

        đừng sợ lên đường mỗi ngày,

        đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

        dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

 

        Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường Giê-su

        để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

        đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.”

 

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 51)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà