Chúa Nhật Thứ 10
Thường Niên (10-6-2001)
Lễ Chúa Ba Ngôi
Đọc Lời Chúa
Cn
8,22-31 : Chúa đã dựng nên ta như tác
phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất (.)
Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,
vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.
Rm
5,1-5 : Thiên Chúa đã đổ tình yêu của
Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
TIN MỪNG : Ga 16,12-15
Loan báo Thánh Thần sẽ
đến
Khi ấy, Đức Giê-su nói
với các môn đệ: Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em
không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự
thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người
nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người
sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi
sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của
Thầy mà loan báo cho anh em
Suy niệm
Câu hỏi
gợi ý :
1. Có
phải tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa đều đã được mạc khải qua Đức
Giê-su Ki-tô, và không còn gì để nói về Thiên Chúa ngoài những mạc khải ấy?
2. Theo
Đức Ki-tô, khi nào Thần Khí sự thật
đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Thần Khí sự thật đã đến
chưa, và Ngài đã mạc khải sự thật về Thiên Chúa như thế nào?
3. Có
thể có nhiều cách nhìn khác nhau nhau về Thiên Chúa không? Các cách nhìn ấy có
thể mỗi cách đều có giá trị riêng của nó không? Tại sao?
4. Ba
Ngôi Thiên Chúa có khác biệt nhau không? Sự khác biệt ấy làm cho Ba Ngôi hợp
nhất hay chia rẽ? Sự khác biệt giữa mọi loài, mọi vật, mọi tôn giáo trên thế
giới, có nằm trong ý muốn của Thiên Chúa không?
Suy
tư gợi ý :
1. Còn
nhiều điều phải nói về TC hơn những điều đã nói ra
Đức Giê-su đến thế gian để mạc khải cho con người
biết về Thiên Chúa, nhưng đời Ngài quá ngắn ngủi (33 năm), mà trong đó Ngài chỉ
dành một phần thời gian rất nhỏ (3 năm) để giảng dạy. Làm sao Ngài có thể nói
hết về Thiên Chúa, Đấng vô cùng vô tận? Thế giới này là hữu hạn, thế mà con
người nghiên cứu hết đời này đến đời khác, thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đã có
hàng tỷ cuốn sách viết ra về thế giới, thế mà vẫn không hết. Con người lúc nào,
thời nào cũng vẫn khám phá ra cái mới về thế giới, vũ trụ. Thế giới hữu hạn mà
còn vậy, Thiên Chúa là Đấng vô hạn, lẽ nào Đức Giê-su lại chỉ cần nói trong 3
năm mà hết được? Giả như Đức Giê-su có dành ra 100 hay 1000 năm để nói về Thiên
Chúa, thì cũng không nói hết được, vì Ngài là Đấng vô biên và phong phú khôn
lường! Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài nói: Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Nghĩa là về Thiên Chúa thì
còn nhiều điều phải nói lắm, nhưng có nói thêm thì các tông đồ lúc ấy chẳng
lãnh hội được!
Không có sức chịu nổi, vì
chân lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con người thì
quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá ngắn con người hiểu biết
được. Những môn học dành cho cấp 3, thì học sinh cấp 2 không thể lãnh hội được.
Cũng vậy, Đức Giê-su không thể nói cho các môn đệ những điều về Thiên Chúa vượt
quá khả năng lãnh hội của họ lúc đó được, vì nói mà họ không hiểu thì vô ích.
Ngài chỉ nói trong khả năng lãnh hội hạn hẹp của họ mà thôi. Phải chờ trình độ
hiểu biết, suy tư và tâm linh của họ cao hơn, thì mới có thể nói những điều cao
siêu, khó hiểu hơn.
Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về những điều đã
được mạc khải qua Đức Giê-su, cho đó là trọn vẹn, là gồm đầy đủ tất cả những gì
có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như
thế sao?
2. Thần
Khí sự thật sẽ tiếp tục mạc khải
Con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên Chúa. Vì
thế, việc mạc khải về Thiên Chúa vẫn được tiếp tục mạc khải qua lịch sử con
người bởi Thánh Thần, như Đức Giê-su đã hứa: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Ngài không
nói gì cả. Và chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử con người, Ngài còn xuống
trên rất nhiều người khác nữa, thuộc tất cả mọi thời đại. Cách mạc khải của
Thánh Thần không phải theo kiểu của Đức Giê-su: nhập thể thành một người để nói
với một số người. Mà theo kiểu ngôn sứ Giô-en đã báo trước: Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng,
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ
trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong
những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta, cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và
chúng sẽ trở thành ngôn sứ (Cv 2,17-18; xem Ge 3,1-2).
Nếu tất cả những gì Đức Giê-su nói không phải là
tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa vô hạn, thì chắc chắn còn nhiều
điều được mạc khải về Thiên Chúa là do Thánh Thần của Ngài, ngoài những gì Đức
Giê-su đã nói. Theo ngôn sứ Giô-en được Phê-rô nhắc lại trong sách Công vụ tông
đồ, thì trong lịch sử con người, Thần Khí đã được đổ xuống trên rất nhiều
người, để họ nói lên những chân lý về Thiên Chúa, và đó chính là mạc khải của
Thánh Thần. Những mạc khải ấy ở đâu? là gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ,
và rất có thể nhờ đó, ta thấy được chỗ đứng của các tôn giáo trong chương trình
cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Vì khi Ngài là chủ tể điều khiển lịch sử, thì việc
xuất hiện các tôn giáo lớn trên thế giới không thể là ngoài thánh ý của Ngài.
Nhất là khi Ngài lại để cho các tôn giáo ấy xuất hiện và phát triển trước Ki-tô
giáo. Chẳng hạn tại châu Á, đang khi các tôn giáo khác xuất hiện từ những thế
kỷ đầu công nguyên, thì mãi đến thế kỷ 15, Thiên Chúa mới cho Ki-tô giáo được
truyền bá một cách có qui mô tại châu Á. Tại sao Thiên Chúa lại để Ki-tô giáo
đến trễ như vậy? Ngài có muốn Ki-tô giáo cạnh tranh với các tôn giáo khác
không? - Chúng ta phải nhận ra ý muốn của Ngài qua việc Ngài đã làm trong lịch
sử, chứ không phải là đoán ý của Ngài qua sự mong muốn của chúng ta! Trời cao
hơn đất bao nhiêu thì thánh ý Ngài cao hơn ý chúng ta như vậy! (xem Is 55,8-9)
3. Muôn
loài vạn vật đều đa dạng và đa diện
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật đa
hình đa dạng, và vật nào cũng đều đa diện. Vật nào cũng đều có thể có nhiều
cách nhìn khác nhau, do nhiều người khác nhau nhìn từ nhiều vị trí khác nhau.
Cùng một vấn đề, nhưng người nhìn thấy thế này, kẻ nhìn thế khác: một bác sĩ
khó có thể có cùng một cách nhìn với một kỹ sư, và lại càng khác xa cách nhìn
của một bác nông dân. Chẳng ai dám kết luận là cách nhìn này đúng, cách nhìn
này sai, mà chỉ có thể kết luận rằng chúng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Thiên Chúa vẫn luôn luôn thích có sự đa dạng trong vũ trụ. Chẳng hạn đối với
loài hoa, Ngài đã dựng nên hàng vạn loại khác nhau, trong đó mỗi loại đẹp mỗi
vẻ. Chắc chắn Ngài và bất kỳ ai trong chúng ta, chẳng ai muốn dẹp đi mọi loại
hoa, chỉ để tồn tại một loài mà ta nghĩ là đẹp nhất mà thôi. Như thế thế giới
này sẽ bớt phong phú, sẽ trở nên buồn tẻ hơn. Cũng thế, chắc hẳn Ngài cũng
không thích trên thế giới này chỉ tồn tại một cách nhìn duy nhất về Ngài, một
cách thờ phượng duy nhất dành cho Ngài theo kiểu một tôn giáo nào đó, vì như
thế, thế giới sẽ trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Chính vì thế, Ngài đã cho lập nên
nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ khác nhau, không phải để nhân loại chia rẽ
nhau, mâu thuẫn nhau, mà để bổ túc cho nhau.
Thiên Chúa muốn người ta hợp tác với nhau, yêu
thương nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, hơn cả sự hoàn hảo cá nhân của
họ. Chính vì thế, Ngài đã không dựng nên những con người hoàn hảo, có khả năng
tự độc lập. Mà Ngài đã dựng nên những con người không hoàn hảo: người được mặt
này mất mặt kia, kẻ được mặt kia nhưng lại mất mặt này, để con người cần lẫn nhau,
nương nhau mà tồn tại, hầu nhờ đó họ cộng tác với nhau, yêu thương nhau. Cũng
như người nam và người nữ nhờ khác nhau, nhờ không hoàn hảo (người được mặt này
kẻ được mặt kia), mà họ yêu thương và kết hợp với nhau thành vợ chồng.
4. Hãy
bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi:
Ba Ngôi khác biệt nhau, mỗi Ngôi một vẻ. Nhờ vậy, Ba Ngôi yêu thương nhau, hợp
với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại
chấp nhận nhau, cần lẫn nhau, hợp tác với nhau, yêu thương nhau, sống chung hòa
bình với nhau. Ba Ngôi không bao giờ muốn tiêu diệt nhau để chỉ còn một Ngôi
tồn tại. Ba Ngôi đều bằng nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng cả sự bình đẳng giữa
nhau, không Ngôi nào muốn vượt trội hơn để thống trị Hai Ngôi kia.
Mọi người, mọi gia đình, mọi tập thể, mọi tôn giáo,
cần bắt chước Ba Ngôi trong những khía cạnh ấy. Đừng ai mong mình vượt trội hơn
những người khác, muốn thống trị những người khác, muốn chiếm địa vị độc tôn,
độc quyền. Ba Ngôi của chúng ta là một Ba Ngôi hợp nhất, nhưng hợp nhất ở đây
là thứ hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải hợp nhất trong đồng nhất. Mọi tập
thể, mọi gia đình, mọi tôn giáo, cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn hợp nhất
bằng cách làm mọi sự thành đồng nhất: muốn mọi người chỉ còn một cách nhìn, một
cách suy nghĩ duy nhất là cách của mình. Trái lại, cần phải tôn trọng sự khác
biệt và bình đẳng, thì nhân loại mới có nhiều khả năng yêu thương nhau, và sống
chung hòa bình với nhau được.
Mọi chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong tập
thể đều phát xuất từ ý của một người nào đó muốn áp đặt ý của mình lên người
khác, muốn thống trị, muốn trổi vượt, muốn độc tôn. Và cái ý ngông nghênh ấy
cuối cùng chỉ là những hình thức thể hiện tính kiêu ngạo, ích kỷ, muốn tự đề cao
mình.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho mọi người, mọi tập
thể trên trần gian, trong đó có Giáo Hội của chúng con, biết bắt chước tinh
thần yêu thương hợp tác của Ba Ngôi: biết yêu thương nhau, biết chấp nhận và
tôn trọng sự khác biệt của nhau, không áp đặt lẫn nhau, ép người khác trở nên
giống mình, nghĩ như mình, nhưng muốn cho nhau cùng tồn tại, để cùng xây dựng
một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp nhất với nhau. Đó cũng chính là Nước
Trời mà Đức Giê-su muốn xây dựng cho trần gian. (JK)