Chúa Nhật Lễ Kính Ba Ngôi Thiên Chúa
Thiên niên kỷ mới đã thực sự bắt đầu. Nhưng hôm
nay, nếu nhìn lại chương trình ba năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 do Đức Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II đề ra, năm 97 học hỏi về Chúa Giê-su là Ngôi Hai, năm
98 về Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba và năm 99 về Chúa Cha là Ngôi Thứ Nhất, chúng
ta mới nhận thấy quyết định của Đức Thánh Cha là tuyệt vời, bởi vì khi chúng ta
mừng kỷ niệm 2000 năm Chúa đến với trần gian, thì cũng có nghĩa là chúng ta
mừng việc Chúa mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đúng vậy, qua
Đức Ki-tô là Ngôi Lời hoặc Lời Thiên Chúa, chúng ta được biết về Chúa Cha, Chúa
Thánh Thần và về chính Ngôi Lời nữa. Nói khác đi, Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên
Chúa làm người, đã nói gì với chúng ta về Đấng mà Người gọi là "Cha Thầy
và cũng là Cha của anh em" và về Đấng mà Người xin "Chúa Cha sẽ sai
đến nhân danh Thầy, và là Đấng Bảo Trợ"?
Lần giở từng trang sách Tin Mừng, chúng ta không
gặp được một tiểu luận thần học nào của Chúa Giê-su về Thiên Chúa Ba Ngôi đâu.
Nhưng Chúa đã giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo
người nghe, chỗ này một chút về Chúa Cha, chỗ kia một chút về Chúa Thánh Thần
hoặc về chính Người, để rồi từ từ những ai nghe Người giảng có thể dần dần hiểu
được quan hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa như thế nào, Ba Ngôi Thiên Chúa làm gì cho
nhân loại, và nhân loại phải đáp trả kế hoạch cứu rỗi yêu thương của Thiên Chúa
làm sao.
Vậy bài Tin Mừng hôm nay là một số những lời của
Chúa Giê-su nói với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Người nói về Chúa Cha yêu
quý của Người như thế này: "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy." Nếu
Chúa Giê-su nói Chúa Cha là Cha của Người thì chắc chắn Người phải là Con của
Chúa Cha rồi. Mà thực như vậy, nhiều lần sách Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa
Giê-su đã nói đến quan hệ này giữa Người với Chúa Cha. Người bảo thức ăn của
Người là thi hành ý Chúa Cha, điều mong muốn của Người là làm cho danh Cha được
vinh hiển. Rồi nếu "mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy" thì rõ ràng là
Chúa Cha và Chúa Con ngang hàng nhau, Chúa Cha là Thiên Chúa thì Chúa Con cũng
là Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu nên Người
không sống đơn độc, nhưng Người có đời sống cộng đồng, sống mối thông hiệp
Cha-Con trong tình yêu và hiểu biết nhau, tức là trong Chúa Thánh Thần.
Nhưng Thánh Thần là Đấng nào? Chúa Giê-su nói gì về
Thánh Thần? Trước hết, khi nói cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần là Chúa
Giê-su kết thúc việc mạc khải cho nhân loại về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói
đến vai trò của "Thần Khí sự thật", bởi vì sau khi Người chết và sống
lại, Thánh Thần sẽ giúp cho các môn đệ Chúa Giê-su tiếp nối công cuộc của
Người, bằng cách cho họ nhớ lại tất cả những gì Người đã dạy bảo họ trước kia
và hỗ trợ họ làm cho vinh quang Chúa Cha được tỏ rạng, giống như Người đã làm
khi còn sống giữa họ. Hiểu theo một nghĩa nào đó, nếu ta có thể nói Thánh Thần
thay thế Chúa Giê-su sau khi Chúa Giê-su về trời, thì điều ấy có nghĩa là Chúa
Giê-su và Thánh Thần cũng ngang hàng nhau, tựa như Chúa Con ngang hàng với Chúa
Cha và cả Chúa Con lẫn Thánh Thần cùng sống trong mối quan hệ yêu thương với
Thiên Chúa Cha vậy.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ hé mở cho
chúng ta thấy một Thiên Chúa của tình yêu mà thôi, nhưng hơn thế nữa còn cho
chúng ta thấy tình yêu sung mãn của Thiên Chúa đã vỡ bờ, trào dâng và lan tới
muôn loài muôn vật. Chính tình yêu Thiên Chúa đang làm cho vũ trụ và muôn loài
muôn vật sinh tồn, và nhất là tình yêu ấy mời gọi, lôi kéo chúng ta đi vào
trong cộng đồng yêu thương là chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Phao-lô tông đồ
đã xác tín được điều đó nên ngài nhắn nhủ chúng ta cứ vững tin, vì chắc chắn sẽ
được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô đã làm cho chúng ta
nên công chính và nhờ Thánh Thần nên "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người
vào lòng chúng ta." Qua bí tích Rửa tội, Thiên Chúa đã biến đổi thân phận
chúng ta, đã nâng chúng ta lên làm con cái Chúa, đã làm cho tâm hồn chúng ta
thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi.
Đối với tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa Ba Ngôi
dành cho chúng ta, có tâm tình nào xứng hợp hơn là tâm tình của tác giả Thánh
Vịnh khi ngài cầu nguyện:
"Lạy Chúa! Con người là chi, mà Chúa cần nhớ
đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
... Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu."
(Tv 8)
Và để danh Chúa được lẫy lừng thì chúng ta là các
nghĩa tử của Người phải sống như thế nào cho xứng đáng những người con cái
Chúa, như Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyến khích: "Mục đích của
việc mừng thiên niên kỷ mới là làm vinh danh và ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi,
bởi Người mọi sự mới có và mọi sự phải trở về với Người."
L.m Trần Đình Nhi