Chúa Nhật Kính Thiên Chúa Ba Ngôi

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Rô-ma 5: 1-5

        Qua bốn chương đầu của thư gửi tín hữu Rô-ma, hầu hết thánh Phao-lô đã đề cập tới tình trạng tội lỗi của con người, không phải để làm chúng ta thất vọng, nhưng để giúp chúng ta nhận ra con người cần Đức Giê-su đến tha thứ tội lỗi họ và cho họ được mạnh mẽ chống lại sự dữ. Nhờ tin vào Đức Ki-tô là chính sự tha thứ, con người được hòa giải với Thiên Chúa, khởi sự tiến trình công chính hóa. Những yếu tố tiêu cực của ơn công chính hóa là được tha thứ tội lỗi, được "quyền đứng thẳng lên" (jus + stare = justification) trước mặt Chúa, tức là được phục hồi thân phận làm con cái Chúa. Từ đây sẽ là khởi điểm phần hai của luận đề công chính hóa, nghĩa là thánh Phao-lô muốn nói đến những yếu tố tích cực của ơn công chính hóa, nói khác đi, khi làm cho chúng ta được công chính hóa, Đức Ki-tô đã đem lại cho chúng ta những gì?

        1) Trước hết Đức Ki-tô đem lại bình an (shalom), một từ mà Phao-lô thường sử dụng để diễn tả sự Công chính của Thiên Chúa. Mang thân phận tội lỗi, chúng ta trở thành thù nghịch với Thiên Chúa. Thế giới và con người sống trong tình trạng xáo trộn thiêng liêng. Nhưng sau khi tha thứ, Chúa Giê-su tái lập sự an hòa giữa chúng ta và Thiên Chúa. Bình an Chúa Giê-su đem lại không những là tình trạng hòa giải, mà còn là một bảo đảm sự Công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện nữa. Người cũng đặt chúng ta trong một quan hệ vị tha hơn đối với Chúa và tha nhân. Đời sống của chúng ta trở nên có trật tự và hướng về Chúa hơn (c. 1).

        2) Đức Ki-tô cũng đem lại cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa (c. 2). Vì chúng ta đã trở nên con cái Thiên Chúa nên Người tiếp tục để ý săn sóc chúng ta và tiếp tục ban những hồng ân cần thiết để chúng ta được sống làm con cái Người.

        3) Một yếu tố tích cực nữa của ơn công chính hóa, đó là được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (c. 2). Nhưng vì hiện thời chúng ta còn đầy ích kỷ cần gột rửa nên chưa thể chia sẻ hoàn toàn vinh quang ấy, cho nên Thiên Chúa đã để vinh quang ấy như là niềm "hy vọng" chắc chắn cho chúng ta. Nếu chúng ta càng bớt đi tính vị kỷ của mình thì chúng ta càng chia sẻ vinh quang Chúa nhiều hơn.

        Tuy nhiên, đời sống của Ki-tô hữu dù được bình an, được ân sủng và được hưởng vinh quang cũng vẫn phải đối phó với nhiều đau khổ gian truân trước khi được hoàn toàn cứu độ, vì chúng ta vẫn còn mang nơi mình sự yếu đuối và mỏng dòn của con người. Nhưng bình an, ân sủng và hy vọng đã cho chúng ta một tư thế mới để chúng ta có thể đối phó được với những gian truân khổ đau ấy. Không những chúng ta có khả năng đối phó với gian truân, mà chúng ta còn có thể ở trong tư thế "tự hào" nữa. Rồi qua những đối phó triền miên ấy, những yếu tố tích cực của ơn công chính sẽ rèn luyện, đào tạo chúng ta thành người mới, những người sống theo Thánh Thần, nghĩa là sống niềm hy vọng chắc chắn và tràn đầy. Càng sống theo Thánh Thần, chúng ta càng nhận được tình yêu của Thiên Chúa đổ vào tâm hồn chúng ta. Và như vậy, những yếu tố tích cực của ơn công chính sẽ đưa chúng ta đến một lối sống mới: sống yêu thương, mến Chúa yêu người.

        Trên đây là một vài suy niệm về đoạn thư Rô-ma 5: 1-5. Nhưng điều tuyệt diệu là tại sao Phụng vụ Lời Chúa lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi đã chọn đoạn văn này. Chúng ta vẫn biết bài đọc 2 (thường gọi là bài Thánh Thư hoặc bài đọc Tân Ước) là những suy tư thần học và áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu. Nếu thế thì bài đọc Tân Ước hôm nay là một suy niệm hết sức sâu xa về những gì Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và về thái độ đáp trả của chúng ta. Thiên Chúa Cha có một kế hoạch cứu rỗi cho chúng ta. Thiên Chúa Con xuống trần gian thực hiện công cuộc cứu rỗi ấy. Thiên Chúa Thánh Thần được phái đến nhân danh Đức Ki-tô giúp chúng ta đáp trả và sống ơn cứu rỗi ấy. Cả Ba Ngôi đều tích cực trong việc làm cho chúng ta được nên công chính và giúp cho việc công chính hóa ấy được hoàn tất. Vỏn vẹn có năm câu ngắn ngủi, nhưng chứa đựng cả một chân lý thần học sâu xa và bài học thực hành căn bản cho người Ki-tô hữu. Bài học thực hành sống động nhất chính là Đức Ki-tô, Đấng đã sống trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu loài người đối ới Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Tôi nhận ra năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch cứu chuộc tôi như thế nào? Năng động ấy là một hành động liên tục của Thiên Chúa, đồng thời cũng phải là sự đáp trả (response) liên tục nơi tôi như thế nào?

        Thường chúng ta ít để ý tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong tiến trình công chính hóa. Bài đọc này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vai trò ấy thế nào? Có phải vì không nhận ra tầm quan trọng ấy, nên chúng ta trở thành thụ động trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa không? Để được tích cực hơn, chúng ta phải làm gì?

        Tôi thường suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, nhưng có khi nào chiêm ngưỡng tình yêu ấy hoạt động thế nào trong kế hoạch cứu rỗi không?

        Tôi có thể khám phá gì thêm nếu đem đối chiếu bài đọc này với bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài hát thích hợp, td. "Chúa là tình yêu" hoặc "Xin dạy con yêu Ngài."

L.m Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà