CHÚA GIÊSU
CHỊU PHÉP RỬA,
Ngày 11/01, năm c
Lc
3, 15-16.21-22
“Ðây là người Con ta sủng ái”
Linh mục
Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Cái trớ trêu của một con người lên ngôi lãnh đạo người khác lại mở đầu
ngai vàng của mình một cách hết sức đơn sơ, im lặng không đèn, không loa, không
lọng. Đức Giêsu Kitô đã khai mạc sứ vụ công khai của Ngài bằng câu:"Hãy
hối cải vì nước trời đã gần đến"( Mt 4, 17 ). Chúa mời gọi con người, nhân
loại đi vào vương quốc của Ngài bằng sự khiêm nhượng và đơn sơ. Đây là mẫu
gương để từng người và mỗi người noi gương bắt chước Ngài.
CHÚA MỞ ĐẦU SỨ VỤ KHÔNG KÈN LOA, LỘNG, TRỐNG:
Nếu trở về bên dòng sông Giorđan khi Chúa Giêsu đến để xin Gioan làm
phép rửa con người sẽ hết sức ngạc nhiên và không khỏi khâm phục vì rằng Chúa
sắp hàng cùng với lớp lớp tội nhân, chờ lượt mình được Gioan Tẩy Giả dìm vào
nước làm phép rửa, cầu xin thống hối. Mở đầu một sứ mạng lớn lao, sứ vụ loan
báo nước trời nhưng Chúa Giêsu không đọc diễn văn, chẳng trương cờ xí, không có
rạp che, chỉ có nước chảy, ánh nắng, gió thổi và lá cây kêu xào xạc. Chúa đi
vào hàng của nhiều người tội lỗi, khiến người bên cạnh không có ơn soi sáng
không thể nhận ra đây là vị vua cứu Chúa, vị vua hòa bình. Chúa Giêsu có một
thái độ, cung cách rất
khiêm nhượng, nên Chúa Cha yêu thương Ngài, vì thế, khi Chúa Giêsu chịu
phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu ngự xuống
trên đầu Ngài và như thế, Chúa Giêsu đã đội vương miện bằng Chúa Thánh Thần.
Trong ngày đăng quang lãnh nhận sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã không cần có
người xác nhận chức vị của Ngài mà chính Chúa Cha từ trời đã minh chứng
rằng:" Chúa Giêsu là người con chí ái đẹp lòng Chúa Cha". Điều này
cho nhân loại thấy rằng cung cách và thái độ đơn thành, khiêm cung của Chúa
Giêsu đã làm Chúa Cha hài lòng về Ngài.
CHIỀU SÂU CỦA VIỆC CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA:
Với vẻ bề ngoài, Chúa Giêsu giống như mọi người và người ta đã lầm
tưởng, ngộ nhận Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêsia, còn Chúa Giêsu nhân loại vẫn chưa
nhận ra Ngài. Cung cách, Chúa Giêsu xếp hành với đám tội nhân chỉ ra rằng Chúa
muốn đồng hóa với những con người bị loại trừ, bị người đời cho là tội lỗi vì
Ngài hoàn toàn không có tội. Chúa Giêsu muốn đồng hóa với những con người tội
lỗi để cứu chuộc họ.Chịu phép rửa trong dòng sông Giorđan, Chúa Giêsu đi vào
việc hoán cải của toàn dân. Chịu phép rửa, Chúa Giêsu muốn dậy nhân loại, Ngài
đã chấp nhận kiếp làm người, khước từ vinh quang( Philip 2, 7 ), Ngài đã đi vào
lịch sử của
dân tộc Do Thái, một dân cứng đầu cứng cổ, cần phải được cải hóa, cần
phải trở về với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài cũng muốn cho
mọi lớp người nhận ra Ngài là Đấng đã
tự đồng hóa với những con người nhỏ bé, những con người bị xã hội loại bỏ, những
con người mà thiên thần đã hát vang lên trong đêm giáng sinh:"…Bình an
dưới thế cho người thiện tâm". Chúa đến, Chúa đăng quang, lãnh đạo không
giống con người suy tưởng, mà Ngài đã sống tự hạ, phục vụ những kẻ bé nhỏ,
chính khi phục vụ, cảm thông và chia sẻ với những kẻ khó , bần cùng là lúc Ngài
thiết lập vương quyền của Ngài.
Hình ảnh phép rửa của Gioan Tẩy Giả bên dòng sông Giorđan là tiên trưng
cho bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập. Ở đây ta thấy có một sự nghịch
lý lớn lao, sự cúi mình của Con Thiên Chúa làm người, xin Gioan làm phép rửa
tội trong nước sông Giorđan: có cả Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện cũng muốn nói
cho nhân loại rằng mọi Kitô hữu khi được rửa tội, họ cũng được xóa sạch tội
khiên và trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa vì mọi Kitô hữu sẽ được mời gọi
phải sống khiêm nhu, dịu hiền, bác ái của Thầy mình( Bài đọc I ).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xin Gioan làm phép rửa trong dòng nước sông
Giorđan để làm gương hoán cải cho mọi người chúng con, xin cho chúng con luôn
biết sống bí tích rửa tội mà chúng con đã lãnh nhận.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Tại sao Chúa Giêsu lại xin
Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình?
2. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả
khác với phép rửa của Chúa Giêsu như thế nào?
3. Bạn hiểu gì về bí tích rửa tội ?