LỄ HIỂN LINH
(Mát-thêu 2:1-12)
Thánh sử
Mát-thêu viết sách Tin Mừng cho Ki-tô hữu gốc Do-thái. Do đó, ngài sử dụng rất nhiều trích dẫn từ
Cựu Ước là sách quen thuộc với người Do-thái để chứng minh Chúa Giê-su thực
hiện những điều nói về Người. Bắt đầu
từ chương hai, Tin Mừng Mát-thêu lưu tâm tới việc nhân loại đáp lại sứ vụ cứu
thế và sứ điệp của Chúa Giê-su. Những
câu truyện về vua Hê-rốt với các nhà chiêm tinh Đông phương, về cuộc hành trình
của Chúa Giê-su từ Bê-lem qua Ai-cập trở về Na-da-rét, đều có những trích dẫn
Kinh Thánh Cựu Ước đã được đan dệt dưới ngòi bút của Mát-thêu cốt để giúp suy
tư và giải thích những biến cố hiện tại.
Biến cố hiện tại ấy chính là “Chúa Giê-su, Đức Vua dân Do-thái mới
sinh.” Tiếp nhận và chối bỏ là hai thái
độ đã được Mát-thêu diễn tả qua hai nhóm người: ông vua vô đạo cùng với triều đình Giê-ru-sa-lem của ông, và
những người chân thành tìm kiếm chân lý đã từ xa tới.
a)
Những kẻ chối bỏ Chúa Giê-su và sứ điệp của Người
Hê-rốt, một
người I-đu-mê xảo quyệt và tàn ác đã trở thành vua Ít-ra-en dưới sự giám sát
của chính quyền Rô-ma, và cả thành Giê-ru-sa-lem đã xôn xao trước Tin Mừng “Đức
Vua dân Do-thái mới sinh.” Hê-rốt là
con người rất mực đa nghi. Khi đã nghi
ngờ ai, ông ta tìm mọi thủ đoạn để tiêu diệt.
Ông đã giết vợ là Mariamne và bà mẹ vợ Alexandra. Cậu con cả Antipater và hai em là Alexander
và Aristobulus cũng bị ông bố ám sát.
Ông tàn ác đến độ Augustus, hoàng đế Rô-ma, phải nói lên: Thà làm con heo của Hê-rốt còn hơn làm con
của Hê-rốt. (Đây cũng là lối chơi chữ
trào phúng, vì trong Hy-ngữ, hus là con heo và huios là đứa con
trai). Năm 70 tuổi, biết mình gần đất
xa trời, trước khi về hưu tại Giê-ri-khô, ông ra lệnh bắt giam tất cả những
công dân ưu tú của Giê-ru-sa-lem và ông muốn là khi ông chết thì những người
này cũng phải chết theo! Con người đa
nghi như thế làm sao ngồi yên được trước tin vua dân Do-thái mới sinh ra. Ông không yên tâm thì cả Giê-ru-sa-lem cũng
không thể yên ổn. Phải tìm cho ra tung
tích ông vua mới sinh và phải diệt bỏ mối đe dọa ngai vàng của ông.
Ông triệu
tập các thượng tế và kinh sư lại. Sử
dụng vốn liếng thần học, họ trích dẫn sách ngôn sứ Mi-kha để cho ông biết Đấng
Ki-tô phải sinh ra ở Bê-lem.
Như thế,
trước tin mừng Đấng Ki-tô mới sinh ra, Hê-rốt phản ứng theo lòng thù hận, còn
các thượng tế và kinh sư thì hoàn toàn dửng dưng, máy móc và nặng phần sách vở
chữ nghĩa. Tóm lại các nhà lãnh đạo
Do-thái, đạo cũng như đời, đã bắt đầu một âm mưu chống đối Chúa Giê-su và sứ vụ
cứu thế của Người, đưa tới cuộc Thương khó mai sau.
b)
Những người chân thành tìm gặp Đấng Cứu Thế
Các nhà
chiêm tinh đến từ Đông phương đã được một vì sao nhiệm mầu hướng dẫn. Hành trình tâm hồn của họ đi từ việc truy
cứu thiên nhiên tiến đến ngưỡng cửa đức tin.
Nhờ kiến thức và Kinh Thánh của người Do-thái, nhất là nhờ chính Thiên
Chúa dẫn dắt, họ đã đến được Bê-lem mà thờ lạy Chúa Giê-su (câu 10-11).
Phản ứng của
họ trước tin mừng Đấng Ki-tô mới sinh ra là phản ứng của thờ lạy, muốn để lại
dưới chân Người tất cả những gì đối với họ là quý giá nhất.
Câu truyện
sách Tin Mừng Mát-thêu kể lại về việc Ít-ra-en chối từ trong khi Dân ngoại tiếp
nhận Đấng Cứu Thế mở đầu cho cuộc đời công khai của Đức Ki-tô cũng là một thách
đố lựa chọn của mọi người mọi thời.
Những Hê-rốt, thượng tế, kinh sư của thời đại hôm nay không hẳn chỉ là
những người đối lập với Chúa Ki-tô, nhưng cũng có thể là chính ta nữa. Mặc dù đã được ơn lãnh nhận đức tin, ta vẫn
phải tiếp tục con đường của những nhà chiêm tinh Đông phương mà xác tín được
con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.
c)
Sứ điệp thánh Mát-thêu muốn gửi đến chúng ta: Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế
Trở
lại với cách trích dẫn và sắp xếp câu truyện, ta có thể nhận ra điều thánh
Mát-thêu muốn ta xác tín. Sách Xuất
Hành (chương 22-24) kể lại một biến cố ly kỳ.
Ông Mô-sê lo lắng vì vua Ba-lác gian ác đã cho “mời ông Bi-lơ-am đến từ
đồi núi phía đông” (Ds 23:7) để chúc dữ và nguyền rủa dân Chúa. Nhưng Bi-lơ-am đã từ chối không làm theo như
vua Ba-lác muốn, thay vì nguyền rủa thì lại chúc lành cho dân Ít-ra-en và ông đã
đọc sấm ngôn như sau: “Tôi thấy nó,
nhưng bây giờ chưa phải lúc; tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương
trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (Ds 24:17).
Sau này, truyền thống Do-thái coi “vì sao” ấy là Đấng Ki-tô.
Câu
truyện Cựu Ước này Mát-thêu muốn dùng để giải thích câu truyện Chúa
Giê-su. Vua Hê-rốt đâu khác gì một thứ
vua Ba-lác, muốn tìm cách ngăn cản quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa. Còn Chúa Giê-su là ông Mô-sê mới, Đấng sẽ
cứu nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
Các nhà chiêm tinh Đông phương cũng giống như Bi-lơ-am, từ phương Đông
tới làm chứng cho vương quyền bất diệt của Thiên Chúa nơi Đấng Ki-tô.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Chúa luôn
luôn muốn tỏ mình ra cho mọi người mọi thời và mọi nơi. Người dùng những dụng cụ là chính chúng
ta. Vậy tôi đã làm dụng cụ để người
khác được biết về Chúa như thế nào?
Những thượng
tế và kinh sư đã dửng dưng khi trích dẫn Kinh Thánh nói về Đấng Ki-tô. Còn thánh Giê-rô-ni-mô thì nói: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa
Ki-tô. Tôi có cùng một thái độ như thế
không? Kinh Thánh có thực sự giúp tôi
lập một mối quan hệ mật thiết với Chúa Ki-tô không? Tôi sẽ có chương trình giúp mình nhờ Kinh Thánh mà biết Chúa
Ki-tô?
Tôi có thể
tìm hiểu thêm ý nghĩa những lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược không? Tôi có gì để dâng cho Chúa? Tại sao?
“Lạy Chúa
Giê-su, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm
cười mà nói rằngChúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu
người chưa biết Chúa.
Nhưng biết
Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để
làm gì nếu đời sống con cái của Chúa cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải
chúng con.
Xin lay
chuyển chúng con.
Ước gì sứ
điệp của Chúa trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ
sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ
điệp đó lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc
chúng con, làm chúng con không yên.
Bởi vì chỉ
như thế,
sứ điệp đó
mới mang lại cho chúng con bình an sâu xa,
thứ bình an
khác hẳn, đó là Bình An của Chúa.”
-
Helder
Camara
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi