Lễ Ðêm Giáng Sinh

Những bài học của mầu nhiệm Giáng Sinh

Đọc Luca 2, 1-14

 

Linh mục Phêrô Trần Đình, Dalat

 

“Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều” (Hàn mặc Tử).

Lễ Giáng Sinh dầu được diễn ra trong bầu khí vui tươi rộn rã nhưng, tự thân, mầu nhiệm ấy thật thâm trầm. Muốn cảm nghiệm được phần nào ý nghĩa của nó, phải yên lặng mà suy nghĩ và sẽ thấy rằng mầu nhiệm này dạy chúng ta biết bao nhiêu bài học lớn lao.

 

1. Giáng Sinh, mầu nhiệm tự huỷ của con Thiên Chúa.

 

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Thánh Luca đã viết những lời lẽ thật trang trọng sau đây :

“Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là Tin Mừng cho toàn dân : Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít. Người là Đấng Kitô, là Đức  Chúa”.

 

Và nếu cứ theo lẽ thường tình của lời loan báo ấy, chúng ta sẽ có hồi tiếp theo nơi một cung điện rực rỡ, ấm áp thơm tho, có kẻ hầu người hạ lăng xăng và Hài Nhi vừa được sinh ra sẽ được bao phủ bằng gấm vóc lụa là giữa tiếng chúc mừng của mọi người.

 

Thế nhưng, việc Đức Giêsu sinh ra hoàn toàn khác với những gì con người có thể tưởng tượng. Hài Nhi Giêsu, Đấng mà thiên thần gọi là Đức Chúa, là tin mừng trọng đại, khi sinh ra đã được mẹ bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ. Hang đá Giáng Sinh mọi thời, dầu được trang trí bằng những ánh đèn rực rỡ muôn mầu muôn sắc, vẫn muốn trình bày một Đức Giêsu sinh ra khó nghèo giữa các chiên lừa sưởi ấm.

 

Đường lối của Thiên Chúa bao giờ cũng nhiệm lạ và ngược đời, đòi hỏi chúng ta phải yên lặng ngắm nhìn và suy tư.

 

Ngày xưa, khi suy nghĩ về việc Giáng Sinh của Đức Giêsu, có người đã tự hỏi :”Tại sao Thiên Chúa lại làm người ?” (Cur Deus homo ?). Là bởi vì, để cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa có thể hành động bằng những cách thế oai phong lẫm liệt, tại sao Người lại chọn việc cứu chuộc nhân loại bằng cách thế khó hiểu khi chấp nhận sinh ra như một con người bé nhỏ và tầm thường như thế ?. Thưa là vì Thiên Chúa không muốn con người đi vào con đường của Adong và Evà ngày xưa, những con người kiêu ngạo và bất tuân đã kéo theosự chết của muôn người. Để cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã đi ngược chiều với nguyên tổ bằng sự hạ mình và vâng phục.

 

Vâng, mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa hạ mình đến tột cùng. Thánh Phaolô  đã nhận ra chân lý ấy : “Thiên Chúa vốn giàu sang đã trở nên nghèo, để vì sự nghèo khó ấy, Người làm cho con người được giàu sang” (2 C 8, 9).

Mầu nhiệm Giáng Sinh quả thật là mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa tự huỷ.

 

2. Mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa trở nên vừa tầm với mọi hạng người 

 

Nếu Chúa sinh ra trong một cung điện nguy nga, có người canh giữ cẩn mật thì ai dám đến với Chúa và như vậy Người chẳng phải là Chúa của mọi người. Chúa phải sinh ra thấp hèn để có thể gần gũi với mọi hạng người. Vì thế,  những chú mục đồng, hạng người bị xã hội khinh khi, cũng vui  mừng khôn xiết vì cảm nghiệm được rằng Người là Chúa của họ nữa.

 

Chúa phải sinh ra thấp hèn như vậy để Người trở nên vừa tầm với mọi người, để Người hiểu được thế nào là đắng cay của kiếp sống làm người, những ưu tư trăn trở của mọi họ. Thơ gởi tín hữu Do thái đã nói : “Chúng ta có một vị thượng tế có khả năng cảm thông với mọi người”.

 

3. Những dấu chỉ về Chúa hôm nay

 

Con người mọi thời xem ra ưa chuộng những dấu chỉ giàu sang và quyền lực, còn dấu chỉ về Chúa mà các thiên thần mách cho các mục đồng là : “Một hài nhi sơ sinh mình quấn tã, đặt nằm trong máng cỏ”.

 

Một dấu chỉ của sự bé nhỏ, khiêm nhường thẳm sâu : Đấng sinh ra mọi người lại đã được loài người sinh ra. Chúa đã biểu dương quyền năng qua sự yếu đuối. Thập giá sẽ là một dấu chỉ khác về sự yếu đưới bất lực và dấu chỉ ấy đã khởi sự từ hôm nay, nơi máng cỏ.

 

Chính vì thế, người kitô hữu muốn sống đức tin phải nhìn thấy Chúa qua những ai bé nhỏ nghèo hèn. Có những Đức Giêsu đen đủi, bơ vơ tất tưởi, phiền muộn … mà ta vẫn gặp thấy mỗi ngày trên những nẻo đường ta đi. Nhờ Chúa sinh ra khó hèn mà ta biết yêu thương họ nữa.

 

Mầu nhiệm Giáng Sinh, như vậy, đem chúng ta đi vào cuộc sống đời thường của con người, để những vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của họ cũng phải liên hệ đến chúng ta.


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà