Lễ
Giáng Sinh (Lễ Đêm)
(25-12-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 9,1-6: (5) Một trẻ thơ
đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác
quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.
· Tt 2,11-14: (11) Ân sủng của
Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. (12) Ân sủng đó
dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống
chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.
· TIN MỪNG : Lc 2,1-14
Đức Giê-su ra đời. Những người chăn
chiên đến viếng thăm
(Mt 1,18-25)
(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra
chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên,
được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán
mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành
Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc
gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ơng lên đó khai tên cùng với
người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà
Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy
tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong
nhà trọ.
(8) Trong vùng ấy, có những người
chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ,
và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi
hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng
sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn
dân : (11) Hôm nay,
một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô
Đức Chúa. (12) Anh em cứ
dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong
máng cỏ.” (13) Bỗng có
muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) “Vinh danh
Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Câu hỏi gợi ý :
1. Đức Giêsu
có gặp nhiều nghịch cảnh như chúng ta không? Giữa Ngài và ta, ai nhiều nghịch
cảnh hơn ai? Ta có thể rút ra kết luận gì về điều này?
2. Có cha mẹ
nào yêu thương con mà lại bắt con phải chịu đau khổ một cách vô ích hoặc không
cần thiết không? Nếu các ngài cứ bắt ép con mình phải chịu đau khổ, thì người
con phải hiểu đau khổ ấy thế nào? có cần thiết hay không?
3. Vì yêu con
người, Thiên Chúa muốn chia sẻ đau khổ với con người. Nếu ta yêu tha nhân, ta
sẽ phải làm gì khi thấy họ phải đau khổ?
CHIA SẺ
1. Đức Giêsu cũng
gặp bao nghịch cảnh như chúng ta
Đức Giêsu chính là Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy thân phận con người y hệt như chúng ta, chỉ khác với chúng ta ở chỗ không có tội lỗi mà thôi. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài cũng gặp biết bao nghịch cảnh như chúng ta, thậm chí ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ và khi vừa mới sinh ra.
Gần tới ngày Ngài chào đời thì cha mẹ Ngài phải lên đường đến một nơi cách nhà mình trên 120 cây số vì lệnh kiểm tra dân số của chính quyền. Tại nơi xa lạ này, gia đình Ngài đã không kiếm được một chỗ trọ để Ngài chào đời một cách xứng với phẩm giá một con người. Vì thế, hai ông bà đã phải chấp nhận cảnh sống bụi đời là tìm một chuồng chiên bò nào đó ở ngoài đồng để sinh con và tạm trú qua ngày. Và Đức Giêsu đã sinh ra trong một chuồng chiên bò. Ơi, thật là nhục nhã! Nghịch cảnh đâu đã hết, nó còn theo Ngài suốt cuộc đời: nào là phải trốn sang Ai Cập, rồi trở về Nadarét, nào là cảnh nghèo khổ, nào là tình trạng bị giới lãnh đạo tôn giáo ghen ghét và bách hại, bị dân chúng và cả môn đệ mình phản bội, bị đánh đòn, bị xỉ vả nhục nhã, bị chết thảm thương, v.v… Xét về hoàn cảnh, chúng ta may mắn hơn Ngài rất nhiều. Ngài vốn là Thiên Chúa, giầu sang quyền quí vô cùng, thế mà phải chịu như vậy. Chúng ta là ai mà lại mong muốn được ưu đãi hơn Ngài? Suy nghĩ điều ấy sẽ phát sinh một niềm an ủi rất lớn cho chúng ta.
2. Đau khổ và nghèo
khó có giá trị của nó
Thân phận con người là một thân phận đau khổ và nghèo khó như một hậu quả tất yếu của tội nguyên tổ. Nếu đau khổ hoàn toàn không có ích lợi gì cho chúng ta, chắc chắn vì yêu thương chúng ta vô hạn, Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng vô biên để giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi mọi đau khổ. Nhưng nếu Thiên Chúa vẫn để chúng ta phải đau khổ, và chính Ngài cũng sẵn sàng đau khổ cùng với chúng ta, tất nhiên đau khổ ấy phải có ích lợi rất lớn cho chúng ta. Nếu không như thế, thì phải kết luận rằng: một là Ngài là người tàn ác, không yêu thương gì chúng ta, hai là Ngài không toàn năng, nghĩa là không đủ khả năng để giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Nếu Ngài yêu thương ta vô cùng lại toàn năng, mà lại để chúng ta đau khổ, ắt nhiên đau khổ ấy phải rất cần thiết và rất ích lợi cho chúng ta.
Một minh họa tuy què quặt nhưng giúp ta dễ hiểu
điều ấy: Cha mẹ yêu thương con không bao giờ muốn con phải khổ, dù chỉ là khổ
một chút xíu. Nhưng nếu cha mẹ bắt con cái mình phải uống một thứ thuốc rất
đắng, hay phải chịu roi vọt rất đau đớn, và chính cha mẹ cũng phải vất vả vô
cùng mới kiếm được thứ thuốc đắng ấy, hay phải quặn ruột nhìn con khóc thét
dưới lằn roi, tất nhiên thuốc đắng hay roi vọt ấy phải là cần thiết hoặc ích
lợi cho đứa con. Thật vậy, thà bắt con khổ vì uống thuốc, đau vì roi vọt, còn
hơn để con phải bệnh hoạn tật nguyền suốt đời, hay trở nên người hư hỏng hoặc
vô giá trị sau này.
3. Đau khổ rất cần
thiết và ích lợi để nên thánh, để hạnh phúc
Kinh nghiệm cho ta thấy đau khổ nhiều khi rất cần thiết để đạt được những ích lợi lớn hoặc để tránh những tổn thất nặng nề, chẳng hạn như: «quân trường thấm mồ hôi, chiến trường ít đổ máu», «gieo trong nước mắt thì gặt giữa vui mừng» (Tv 126,5-6). Kinh điển Phật giáo cũng nói: «Tất cả các phiền não đau khổ đều là hạt giống Như Lai. Tương tự như nếu mình chẳng lặn xuống biển sâu thì không thể tìm thấy châu báu vô giá. Cũng vậy, nếu mình chẳng chịu ngụp lặn trong bể cả phiền não, ắt mình không thể tìm được của báu là cái trí tuệ biết hết tất cả» (Kinh Duy-Ma-Cật,
Phẩm 8: Phật Đạo). Theo Phật giáo, phiền não đau khổ là hạt giống Như Lai, sinh ra trí tuệ giải thoát.
Ta thấy: trên đời, những người có bản lãnh đều là những người phải kinh qua rất nhiều đau khổ, đều được đào luyện trong đau khổ. Đau khổ dạy cho chúng ta – thậm chí cả Đức Giêsu – nhiều bài học quí giá: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). Ngay cả đối với Đức Giêsu, thì đau khổ cũng rất cần thiết để Ngài trở nên vị lãnh đạo hoàn hảo: «Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Muốn sử dụng ai, Thiên Chúa thường dùng đau khổ để sửa dạy, để thánh hóa, để huấn luyện người ấy nên hoàn hảo: «Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt» (Dt 12,6). Gương của các thánh chứng minh điều ấy.
Như vậy, đau khổ có giá trị của nó, và chịu đựng
đau khổ không phải là một chuyện vô ích. Nếu đau khổ và nghèo khó cần thiết và
ích lợi cho chúng ta, mà Thiên Chúa lại không bắt chúng ta đau khổ và nghèo
khó, thì chắc chắn Ngài chưa phải là người yêu thương chúng ta đích thực: vì «yêu cho roi
cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi». Hoặc Ngài chỉ yêu chúng ta một cách
thuần túy tình cảm và điều ấy sẽ làm chúng ta hư hỏng: «con hư tại mẹ, cháu hư tại bà».
4. Thiên Chúa cùng
chịu đau khổ và nghèo khó với con người
Dù đau khổ và nghèo túng là cần thiết cho chúng ta
chứ không phải cho Thiên Chúa, nhưng nếu Ngài để chúng ta phải quằn quại trong
đau khổ một mình, còn Ngài chẳng biết một chút gì về đau khổ, thì chúng ta sẽ
cảm thấy vô cùng cô đơn trong đau khổ, và chúng ta khó có thể tin được rằng
Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng nếu Ngài đã cùng muốn chịu đau khổ với chúng
ta, và còn muốn chịu đau khổ hơn cả chúng ta nữa, thì điều đó chứng tỏ rằng
Ngài đã yêu thương chúng ta đích thực.
Qua cuộc giáng sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã
đích thân xuống thế làm người để cùng chịu đau khổ và nghèo nàn với chúng ta.
Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của con người, đã
dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của con người
(xem lPr 2,24b). Điều ấy làm chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài đối với chúng
ta là vô bờ bến, đồng thời cũng nhận ra giá trị của đau khổ và sự nghèo khó.
5. Hãy bắt chước Ngài
chia sẻ đau khổ với những người chung quanh ta, nhất là những người nghèo túng,
bị áp bức bất công
Nếu tình yêu đích thực đã thúc đẩy Thiên Chúa phải chia sẻ thân phận đau khổ và nghèo nàn của chúng ta, thì ta có thể rút ra một kết luận cho việc thể hiện tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Nếu chúng ta nói mình yêu ai, mà khi người ấy gặp đau khổ, chúng ta không hề cảm thấy phải làm điều gì để giảm bớt đau khổ cho người ấy, hoặc không tìm cách cùng chia sẻ đau khổ với người ấy, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối, tình yêu ấy chỉ là tình yêu ngoài môi miệng. Hễ yêu ai, thì khi thấy người ấy đau khổ, ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì. Nếu không làm giảm được đau khổ với người ấy, thì cũng có thể làm một việc gì để tỏ ra thông cảm. Chúng ta nghèo, Thiên Chúa cũng đã trở nên nghèo cùng với chúng ta. Vậy, làm sao chúng ta có thể nói rằng mình yêu thương người nghèo, khi chúng ta vẫn vui vẻ sống trên nhung lụa, và không hề quan tâm làm một điều gì cho người nghèo bớt nghèo. Làm sao ta có thể nói rằng mình yêu quê hương, trong khi mà quê hương đang đau khổ, đang tuột dốc xuống bờ vực thẳm, với bao nhiêu người bị bắt bớ, bị đàn áp một cách bất công, ta vẫn thản nhiên như người ngoài cuộc, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống an vui mà may mắn đã dành cho ta?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã cho Đức Giêsu nhập thể
thành người để chia sẻ thân phận làm người với chúng con: cũng đau khổ, cũng
nghèo khó, cũng đói cũng khát như chúng con. Qua sự nhập thể ấy, xin cho con
nhận ra tình thương vô biên của Cha và sự cần thiết của những đau khổ trong đời
sống của con. Con tin rằng Cha yêu thương con vô cùng và khôn ngoan vô biên,
không bao giờ để con phải chịu đựng đau khổ một cách vô lý và không cần thiết.
Con biết rằng hễ Cha để đau khổ xảy đến với con, ắt nhiên đau khổ ấy phải có
ích lợi cho con, dù con không hiểu được ích lợi thế nào. Xin cho con biết chấp
nhận đau khổ như Đức Giêsu, đồng thời biết yêu thương và cảm thông với đau khổ
của mọi người chung quanh con. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết