Chúa Nhật thứ 9 Thường Niên
(3-6-2001)
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống
Đọc Lời Chúa
· Cv 2,1-11 : Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như
lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn ơn Thánh
Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho
họ (.) Họ (những người Do Thái và các dân thiên hạ) kinh ngạc, vì ai nấy đều
nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.
· 1Cr 12,3b-7.12-13 : Không ai có thể nói rằng Đức Giê-su là
Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí. Có những đặc sủng khác nhau, nhưng
chỉ có một Thần Khí (.) Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung.
· TIN MỪNG : Ga 20,19-23
Hãy nhận
lấy Thánh Thần
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất
trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do
Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Chúc anh em được bình an!. Nói
xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng vì được thấy
Chúa. Người lại nói với các ông: Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai
Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý :
1. Ngày nay, tại sao Giáo Hội lại kém phát
triển về số lượng, chưa nói tới chất lượng? Có phải vì cách loan báo Tin Mừng
của chúng ta không phù hợp với thời đại? Người thời đại mong mỏi Giáo Hội làm
gì cho xã hội, thế giới?
2. Con người thời đại, nhất là người nghèo,
người bị áp bức, cần chúng ta thể hiện tình thương đối với họ qua sự chăm sóc,
giúp đỡ, nâng họ lên, hay họ cần chúng ta rao giảng Đức Ki-tô cho họ? Họ cần
chân lý hay tình thương?
Suy tư gợi ý :
1. Thánh Thần tạo biến đổi lạ lùng nơi các
tông đồ
So sánh tâm lý của các tông đồ
trong bài Tin Mừng và trong bài đọc I hôm nay, ta thấy có sự biến đổi hết sức
lạ lùng trong một thời gian hết sức ngắn: chỉ hơn một tháng. Sau khi Thầy mình
bị giết, các ông sợ hãi người Do Thái đến độ phải ở chung với nhau cho đỡ sợ,
và phải đóng kín cửa. Thế mà ngay sau khi Thánh Thần hiện xuống, các ông trở
nên hết sức dạn dĩ: dám công khai biểu lộ và làm chứng niềm tin của mình vào
Đức Giê-su Ki-tô và sự sống lại của Ngài, bất chấp bị bắt bớ, tù đày và cả cái
chết lúc nào cũng saün sàng đến với các ông. Bị tù nhiều lần, nhưng lần nào
cũng như lần nấy, vừa ở tù ra là các ông lại tiếp tục rao giảng Đức Ki-tô một
cách công khai, không lén lút. Chính vì thế, hầu hết các tông đồ đã bị giết một
cách thê thảm vì danh Đức Giê-su.
Tâm lý con người ai cũng ham
sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, ham giàu sợ nghèo, ham vinh sợ nhục. Nhưng tình
yêu đối với Thiên Chúa và nhân loại, cùng với ơn biến đổi của Thánh Thần, đã
làm các tông đồ và rất nhiều Ki-tô hữu vượt lên những nỗi sợ đó, để dám làm
những gì lý tưởng và lương tâm mình đòi buộc: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn
vâng lời người phàm (Cv 5,29).
2. Thánh Thần biến đổi là để thi hành sứ mạng
Bài Tin Mừng cho ta thấy lời
chúc bình an, lời sai đi, và việc lãnh nhận Thánh Thần đi chung với nhau. Đức
Giê-su nói: Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần. Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần là để thực hiện sứ
mạng mà Đức Giê-su sai chúng ta làm, với tâm hồn bình an, không sợ sệt lo lắng.
Thánh Thần làm cho tâm hồn các tông đồ bình an, và có bình an trong tâm hồn,
các ông mới đủ can đảm để công khai làm chứng cho Đức Giê-su. Do đó, để lãnh
nhận Thánh Thần và ơn bình an, chúng ta phải có lý tưởng là saün sàng làm chứng
cho Đức Giê-su Ki-tô, cho Thiên Chúa, cho chân lý, cho công lý, cho hòa bình
giữa mọi người. Thánh Thần không ban ơn của Ngài cho những người không có lý
tưởng , không có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì giả như có được ơn
Thánh Thần, họ cũng chẳng ích lợi gì cho ai, mà thậm chí gây hại, vì khi không
có tình yêu và lý tưởng, họ sẽ lạm dụng những ơn ấy.
3. Sứ mạng của người Ki-tô hữu
Ngày nay, tỷ lệ Ki-tô hữu tại
châu Âu bị suy giảm trầm trọng, và có vẻ như không tăng lên tại châu Á. Điều ấy
khiến mọi Ki-tô hữu phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề cách thức loan báo Tin Mừng
của mình, có thể nó không hợp với nhu cầu hay đòi hỏi của thời đại. Con người
thời đại này đã thay đổi rất nhiều so với cách đây 50 năm. Hoàn cảnh (văn hóa,
kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, nhu cầu con người,
v.v.) đã thay đổi, khiến não trạng, cách nhìn, cách suy nghĩ, lối sống của con
người không còn như xưa. Vì thế, nếu chúng ta vẫn giữ cách thức loan báo Tin
Mừng như thời tổ tiên ta, e rằng việc loan báo không còn hợp thời và hữu hiệu
nữa.
Người thời nay chịu ảnh hưởng
não trạng khoa học thực nghiệm rất nhiều. Họ không thể tin vào lời nói xuông
như cha ông họ cách đây 50 hay 100 năm. Họ cần thực chứng, vì đầu óc của họ
thực tế hơn xưa rất nhiều. Ngày nay, người ta không thể tin được một Ki-tô hữu
miệng thì luôn luôn nói về tình thương, mà cách sống thì tỏ ra chẳng tình nghĩa
với ai. Giới trẻ thời nay đã chán ngấy cái cảnh cha mẹ mình hằng ngày đi lễ,
rước lễ, xin Chúa xót thương ban cho mình đủ thứ ơn lành, nhưng lại luôn luôn
tỏ ra ích kỷ, bảo thủ quyền lợi, và lãnh đạm trước sự đau khổ hay nhu cầu cấp
bách của người chung quanh. Não trạng thực tế khiến người thời đại nhìn thấy
rất rõ sự tương phản giữa lời rao giảng và cách sống của những người chuyên
loan báo Tin Mừng. Lời rao giảng dù có hay, hùng hồn, hấp dẫn, nhưng không được
minh chứng bằng đời sống thực tế của người rao giảng, thì chẳng lôi cuốn được
ai!
Ngày nay, khắp nơi trên thế
giới, chỗ nào cũng có những bất công, đàn áp, người nghèo bị khinh miệt và càng
ngày càng nghèo hơn, người bị gạt ra ngoài lề xã hội ngày càng nhiều, sự bóc
lột giữa người với người ngày càng tinh vi, sự chênh lệch giữa người giầu và
người nghèo, giữa nước giầu với nước nghèo ngày càng lớn, và biết bao thảm
trạng khác. Nhưng thử hỏi: mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đã làm gì trước tình
trạng xấu ác đó? Biết bao Ki-tô hữu không hề quan tâm, đến nỗi không ý thức gì
về tình trạng ấy! Biết bao Ki-tô hữu biết nhưng mặc kệ, ai ra sao thì ra, miễn
đời sống mình bình an đầy đủ là được rồi! Biết bao Ki-tô hữu đã im lặng vì muốn
an thân, không muốn bị liên lụy, cho dù sự lên tiếng của mình có thể cải thiện
được tình trạng không nhiều thì ít! Biết bao Ki-tô hữu chẳng những không lên
tiếng, mà còn thỏa hiệp hay hùa theo sự ác, chỉ vì quyền lợi của mình! Bất chấp
và mặc kệ cho sự ác, sự khổ, bất công, nghèo đói hoành hoành, nhiều Ki-tô hữu
vẫn an tâm rao giảng thứ Tin Mừng giải phóng, là Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được
tự do, v.v. (Mt 4,18). Làm sao người thời nay với não trạng khoa học thực
nghiệm có thể tin vào lời của những ngôn sứ không hề có những hành động nào
đích thực là ngôn sứ? Những người nghèo khổ, những người bị áp bức, những người
bị bất công đang chờ đợi hay mong mỏi chúng ta làm gì? Họ mong chúng ta cứu họ
thoát khổ, lên tiếng chống lại áp bức bất công, hay họ mong chúng ta rao giảng
Đức Giê-su Ki-tô cho họ, hoặc cho họ biết rằng Ngài là Cứu Độ duy nhất? Họ cần
chúng ta cụ thể hóa tình thương của ta đối với họ, hay họ cần chúng ta rao
giảng chân lý? Chúng ta đã làm gì?
Đã từ lâu, chúng ta quá hăng say
rao giảng chân lý, mà quên mất hoặc không để ý đến những nhu cầu cụ thể và thực
tế của dân chúng. Họ cần tình thương, nhưng chúng ta chỉ cho họ chân lý! nói
đúng hơn là cho họ một mớ lý thuyết về chân lý! Đạo của chúng ta mà như thế thì
còn hấp dẫn được ai? Vì thế, đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao Ki-tô giáo lại bị
giảm sút tại châu Âu và không phát triển được tại châu Á. Người Ki-tô hữu hãy
yêu nhau và yêu tất cả mọi người trước đã, đừng quan tâm tới việc rao giảng
vội! Chính đời sống yêu thương của người Ki-tô hữu mới là lời giảng hùng hồn và
hữu hiệu nhất cho thời đại khoa học thực nghiệm hiện nay. Người Ki-tô hữu cứ
sống yêu thương và thực hiện hay làm chứng cho công lý trước đã, toàn thế giới
sẽ tự động trở nên Ki-tô hữu sau. Còn hăng say rao giảng mà không yêu thương,
mà coi nhẹ công lý, thì mọi lời rao giảng đều chẳng khác gì thanh la phèng
phèng, chũm chọe xoang xoảng (1 Cr 13,1), hoàn toàn vô ích!
4. Cần có sự biến đổi
Giáo Hội hiện nay cần Thánh Thần
biến đổi hơn bao giờ hết. Biến đổi trước hết là não trạng loan báo Tin Mừng.
Chúng ta chỉ thích loan báo bằng lời nói, chứ không phải bằng đời sống, bằng
việc làm cụ thể. Cần phải thay đổi não trạng đó nếu muốn Giáo Hội tồn tại và
phát triển. Sứ mạng của Giáo Hội là sống và thực hành yêu thương hơn là rao
giảng chân lý. Tôi không có ý coi nhẹ việc rao giảng chân lý, nhưng phải coi
việc sống yêu thương là quan trọng hơn, và quan trọng hơn rất nhiều. Và chỉ có
tình thương đích thực mới làm chúng ta mạnh dạn, can đảm như các tông đồ, dám
coi thường tất cả (bắt bớ, tù đày, chết chóc) để nói lên tiếng nói ngôn sứ của
mình. Cũng như chỉ có tình thương đối với con mình mới có thể thúc đẩy người
cha hay người mẹ xông vào hiểm nguy để cứu lấy con mình. Ơn Thánh Thần mà Giáo
Hội và mọi Ki-tô hữu rất cần hiện nay là tình yêu thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổ ơn
của Ngài xuống trên từng người chúng con, đặc biệt ơn biết yêu thương, biết hy
sinh vì người khác, để chúng con loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu bằng chính
đời sống yêu thương được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như Đức Giê-su
đã dạy, chứ không chỉ loan báo bằng lời nói xuông. Amen.
(JK)