Chúa Nhật lễ Hiện Xuống

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 8: 8-17

        Dạy về một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su nói với các tông đồ: "Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14:26, bài Tin Mừng). Trong thời điểm trước cuộc Thương Khó và đối với tầm hiểu biết của các tông đồ, Chúa Giê-su chỉ có thể cho họ một ý niệm giản dị về vai trò của Chúa Thánh Thần. Sau biến cố Hiện Xuống, Giáo Hội phát triển dưới sự hướng dẫn của Chúa Tánh Thần. Dĩ nhiên vào lúc này Giáo Hội cũng cần có một suy niệm chi tiết hơn về Chúa Thánh Thần, hay nói khác đi, cần một giáo lý về Chúa Thánh Thần. Vậy thần học gia lỗi lạc về Thánh Thần, không ai khác hơn là thánh Phao-lô.

        Bài đọc Tân Ước hôm nay là một suy niệm sâu xa về vai trò của Chúa Thánh Thần và đòi chúng ta phải từ từ đi theo diễn tiến tư tưởng của thánh Phao-lô.

        Trước hết thánh Phao-lô phân biệt hai loại người: "những người bị tính xác thịt chi phối" và "những người được Thần Khí chi phối" (câu 8-9a). Tiếp theo, ngài coi tín hữu Rô-ma thuộc loại người thứ hai, nên ngài muốn nói với họ thế nào là người được Thần Khí chi phối, hoặc nói khác đi, Thần Khí chi phối họ như thế nào (câu 9a).

        Phao-lô bắt đầu lý luận của ngài với khẳng định: "Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô" (c. 9b). Đức Ki-tô và Thần Khí không thể tách biệt; đây là một điểm then chốt trong Ki-tô học và Thánh Linh học của Phao-lô. Những ý tưởng "anh em có Thần Khí," "anh em thuộc về Đức Ki-tô" và "Đức Ki-tô ở trong anh em" chỉ là ba cách nói khác nhau để diễn tả con người được Thần Khí chi phối. Từ điểm căn bản này, ngài bắt đầu lý luận thứ nhất (c. 10) về vai trò của Thánh Thần. Mấu chốt đầu tiên giúp chúng ta nhận biết vai trò ấy là "Thần Khí ban cho anh em được sống" và "được trở nên công chính." Ở đây ý tưởng khiến chúng ta nhớ lại hành động tạo dựng của Thiên Chúa. "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (St 2:7). Nhưng vì tội tổ tông, con người đã phải chết cả thể xác lẫn thiêng liêng (mất ơn công chính hóa). Cho nên muốn được phục hồi sự sống và ơn công chính hóa, họ cần phải "thuộc về Đức Ki-tô" để "có Thần Khí."

Lấy Đức Ki-tô Phục Sinh làm "khuôn mẫu," thánh Phao-lô diễn dịch thêm vai trò của Chúa Thánh Thần qua lý luận thứ hai (c. 11). Nếu Thần Khí đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết thì cũng sẽ làm cho những ai "thuộc về Đức Ki-tô" được sống lại từ cõi chết. Thuộc về Đức Ki-tô có nghĩa là chi thể kết hiệp với Đầu trong Nhiệm thể, hoặc ngành nho kết hiệp với "cây nho đích thực." Vậy sự Phục Sinh của Đức Ki-tô là nguyên lý sống lại và việc chúng ta kết hiệp với Người là điều kiện tất yếu để được sống lại và sống đời đời.

Nói tóm lại chúng ta nhận ra hai điều Chúa Thánh Thần có thể làm cho chúng ta, là được ơn công chính hóa bây giờ và được sống lại mai sau. Nhưng điều kiện quan trọng và thiết yếu là chúng ta có "thuộc về Đức Ki-tô" hoặc có Thần Khí của Người hay không. Cho nên thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh đến hiện tại của chúng ta, tức là làm sao sống ơn công chính hóa ấy ngay trong cuộc sống trần gian này. Thánh Thần đã ban ban cho chúng ta những hồng ân ấy, vậy chúng ta phải đáp trả những hồng ân như thế nào? Từ câu 12-17, ngài đề ra những phương thức cụ thể nhất:

- sống theo Thần Khí, tức là "diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ."

- sống tinh thần tự do của con cái Chúa.

- sống quan hệ thân mật Cha-con.

- sống tin tưởng và hy vọng chắc chắn nhờ Đức Ki-tô, Đấng thừa kế vinh quang của Chúa Cha.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Giáo lý của thánh Phao-lô về Thánh Thần quan trọng như thế nào đối với đời sống thiêng liêng của tôi? Qua đoạn Kinh Thánh này, tôi khám phá được gì về Chúa Thánh Thần?

        Tôi thuộc loại người "theo xác thịt" hay loại người "theo Thần Khí"?

        Kiểm điểm lại đời sống, tôi nhận ra đâu là "những hành vi của con người ích kỷ" nơi tôi? Tôi có kế hoạch nào để "diệt trừ" chúng?

        Danh phận của kẻ được gọi Thiên Chúa là "Cha"và cùng chia sẻ với Đức Ki-tô trong mọi sự có được xác tín nơi tôi không? Xác tín ấy ảnh hưởng tới toàn cuộc sống của tôi thế nào?

        Sống tinh thần sợ sệt, nô lệ cho lề luật có còn trong tôi không? Khác với tinh thần tự do của con cái Chúa như thế nào?

        Trong đời sống cầu nguyện, tôi có bắt chước Đức Ki-tô thưa với Thiên Chúa Cha là "Abba" không? Làm sao thay đổi được cách thân thưa với Chúa?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể hát một bài về Chúa Thánh Thần, hoặc cầu nguyện với kinh sau đây.

                        Kinh xin ơn tự do nội tâm

                Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, chúng con xin Chúa

                soi sáng hướng dẫn mọi hành động của chúng con,

                nâng đỡ giúp chúng con hoàn thành,

                để mỗi kinh nguyện cũng như mỗi việc làm của chúng con

                luôn được khởi sự từ nơi Chúa

                và nhờ Chúa mà được hoàn tất tốt đẹp. A-men.

(Kinh các tu sĩ dòng Tên thường đọc khi bắt đầu lớp học hay hội họp.)

Lm. Trần Đình Nhi