CHÚA NHẬT

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, Năm C

(Gio-an 20: 19-23)

 

        Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục Sinh đã soi sáng cho chúng ta hiểu nhiệm cục cứu rỗi do Thiên Chúa hoạch định và thực hiện trong Chúa Giê-su Ki-tô, tiếp tục qua Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần.  Tin Mừng thánh Gio-an viết về giây phút Chúa Giê-su tắt thở trên thập giá:  “Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất!  Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19:30).  Người trao Thần Khí là để mở đầu sự sống mới và cuộc tạo dựng mới, tựa như trước đây Đức Chúa đã thổi sự sống vào A-đam (St 2:7).  Cuộc tạo dựng mới này được thể hiện khi tội lỗi và ảnh hưởng gây chết chóc của nó bị diệt trừ.  Tội lỗi càng được tha thứ nhiều thì sự sống càng lớn mạnh và dồi dào.  Đó chính là sứ mệnh của Chúa Giê-su:  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).  Khi Chúa Giê-su phục sinh hiện ra và qua cử chỉ thổi hơi vào các tông đồ, Người đã thông ban cho các ông quyền năng gây sự sống mới.  Các ông sẽ cộng tác với Người và hành động dưới ảnh hưởng của Thánh Thần để thực hiện cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa.  Hiểu kế hoạch của Thiên Chúa như thế, ta mới nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa Chúa Giê-su, Thánh Thần và sứ mệnh tha thứ tội lỗi.

 

a)  Chúa Giê-su phục sinh đem lại bình an và vui mừng

 

        Làm sao các môn đệ là những người đang buồn nản và sợ hãi lại có thể đem sự sống mới đến cho người khác được!  Họ cần phải được đổi mới.  Vì thế Chúa Giê-su phục sinh đã đến với họ.  Người cho họ xem tay và cạnh sườn Người.  Cử chỉ đơn sơ nhưng thật là ý nghĩa.  Bàn tay biểu tượng cho quyền năng và chăm sóc của Chúa và cạnh sườn chứa đựng trái tim đầy yêu thương của Thầy.  Các môn đệ chỉ cần trông thấy những biểu tượng ấy và như vậy là đủ để phục hồi cho họ niềm vui và bình an đã mất.  Bàn tay Chúa đã từng chữa bệnh, truyền cho sóng gió yên lặng, khiến bánh hóa nhiều, xoa dịu nỗi buồn khổ của bà mẹ mất đứa con một yêu dấu, giơ lên tha thứ cho người tội lỗi...  Trái tim Thầy đã xúc động trước đám dân chúng đói lả, trước cái chết của người bạn thân La-da-rô, trước thành thánh Giê-ru-sa-lem thân yêu.

        Niềm vui và bình an là hành trang nội tâm cần thiết để họ lên đường thi hành sứ mệnh rao giảng sự sống mới và mời gọi nhân loại tham gia vào cuộc tạo dựng mới.  Không chỉ là đổi mới con người cá nhân mình, nhưng còn là gây sự sống của Thánh Thần trên trái đất, đúng như lời nguyện của Giáo Hội sau này:  Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và xin canh tân bộ mặt trái đất.  Thánh Thần ban sự sống mới, còn các môn đệ Chúa Ki-tô sẽ là dụng cụ mang sự sống ấy đến cho nhân loại.

 

b)  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”

 

        Ta hiểu kế hoạch cứu rỗi là việc Thiên Chúa thực hiện một cuộc tạo dựng mới nhờ Chúa Giê-su Ki-tô và trong Thánh Thần.  Sứ mệnh thực hiện kế hoạch gồm tóm trong một động tác ý nghĩa, đó là “được sai đi”.  Chúa Giê-su đã được Chúa Cha “sai đi” đến với trần gian.  Thánh Thần cũng được “sai đến” để đổi mới địa cầu.  Giờ đây đến lượt các môn đệ được Chúa Giê-su “sai đi” vào thế giới để đem sự sống của Thánh Thần cho nhân loại.  Như thế, khi ghi lại lệnh truyền của Chúa sai các môn đệ đi tiếp tục sứ mệnh của Người, thánh Gio-an đã đặt sứ mệnh của họ trong một diễn tiễn liên tục với sứ mệnh Người đã nhận lãnh từ Chúa Cha.

        Được sai đi để thi hành sứ mệnh, nhưng phải thi hành những gì và theo tinh thần nào?  Chính Chúa Giê-su đã trả lời điều ấy tại hội đường Na-da-rét.  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố...” (Lc 4:18).  Chúa Giê-su đã thi hành và chu toàn sứ mệnh, luôn luôn trong sự hướng dẫn của Thánh Thần.  Theo cùng một mô thức ấy, giờ đây các môn đệ được Chúa Giê-su sai đi và hoạt động truyền giáo theo dẫn dắt và đường hướng của Thần Khí Người.  Vì thế, “nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:  ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (Ga 20:22).  Họ cần phải để cho Thánh Thần đổi mới họ trước khi ra đi giúp Người đổi mới thế giới.  Họ cần để cho Thánh Thần đổ đầy lòng mến vào trái tim họ, để họ giúp cho ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa bừng cháy lên trên địa cầu và đáp lại ước nguyện của Chúa Giê-su:  “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12:49).

 

c)  “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”

 

        Xóa tội trần gian là mục đích của kế hoạch cứu rỗi.  Chúa Giê-su, Con Chiên Thiên Chúa, đã chết trên thập giá để phục hồi cho con người khả năng được nên công chính.  Đó là bước căn bản và cần thiết cho con người biến đổi từ thân phận tội lỗi trở nên mỗi ngày một giống Chúa Ki-tô hơn.  Quyền xóa bỏ tội lỗi nhân loại là quyền của Chúa Giê-su (Ga 10:18).  Khi ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng thông ban cho họ quyền xóa tội để họ thay Người mà xóa tội trần gian và đổi mới nhân loại.

        Tại hội đường Na-da-rét, Chúa Giê-su đã liên kết Thánh Thần với sứ mệnh giải phóng thân phận tội lỗi của con người và diệt trừ những hậu quả của tội lỗi đè nặng trên con người.  Giờ đây tại nhà Tiệc ly, nơi các môn đệ trú ngụ, Người cũng liên kết Thánh Thần với việc tha tội cho nhân loại.  Cùng một tác vụ và cùng một Thần Khí hướng dẫn, chỉ khác ở điểm là trước đây Chúa Giê-su đã thi hành với sự hiện diện thể xác của Người và bây giờ Người tiếp tục thi hành qua Thánh Thần cùng với công cụ của Thánh Thần tức là các môn đệ.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Trong cuộc sống làm chứng nhân cho Chúa, tôi thường gặp những lúc hãi sợ, buồn nản.  Vậy đâu là những biểu tượng tỏ ra cho tôi thấy niềm vui và bình an của Chúa?

        Là môn đệ Chúa, tôi đang được “sai đi” tới đâu và làm gì?  Tôi đã đổi mới thế giới chung quanh tôi được chút nào chưa?  Tôi có đem sự sống mới đến gia đình, sở làm, cộng đoàn của tôi không?

        Xóa bỏ tội lỗi cũng là sứ mệnh tôi phải tích cực tham gia.  Vậy tôi đã làm gì để chính mình và những người chung quanh tôi trở nên giống Chúa Ki-tô hơn?  Tôi có là dụng cụ để Chúa Thánh Thần sử dụng đổi mới thế giới không?

 

Cầu nguyện:

 

        Hát “Kinh Hòa bình” của thánh Phan-xi-cô At-xi-xi.

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà