CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Lu-ca 22: 14 – 23: 56)

 

        Cuộc Thương khó Chúa Giê-su được thánh Lu-ca trình bày như cuộc chiến thắng của Vua Bình an và Đấng vô tội.  Đọc toàn thể trình thuật Thương khó, ta có khuynh hướng dừng lại ở một vài chi tiết và không nhận ra được những nét chính thánh sử muốn nói lên.  Bài Thương khó tuy dài, nhưng dung mạo Chúa Ki-tô được biểu lộ qua những điểm được lập đi lập lại, những hình ảnh và lời nói, tất cả phản ảnh những đặc nét của sứ mệnh Người.  Vậy thánh sử Lu-ca muốn chúng ta chiêm niệm Chúa Giê-su là ai qua suốt hành trình Khổ nạn, từ lúc ăn mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ cho đến khi Người tắt thở trên thập giá và được mai táng trong mộ?

 

a)  Cái  chết của Vua bình an

 

        Chủ đề Chúa Giê-su là Vua bình an trong Tin Mừng Lu-ca đã được biểu tỏ rõ ràng nhất nơi Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá.  Ngay từ bắt đầu cuộc xử án, đứng trước Thượng Hội Đồng, Chúa Giê-su đã can đảm nhận mình là Đấng Mê-si-a.  Muốn cho các kỳ mục, thượng tế và kinh sư đừng hiểu lầm Người tự nhận là một đấng mê-si-a trần thế (tức là vua) hoạt động chính trị, Chúa Giê-su đã cho họ biết Người là “Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.”  Họ hiểu rõ điều ấy và để nắm chắc phần thắng, họ còn dồn Chúa phải xác nhận thêm một lần nữa:  “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”  Đây là câu hỏi có thể sẽ đưa Chúa Giê-su đến cái chết vì tội lộng ngôn.  Nhưng Người đã can đảm chấp nhận, ngược lại với thái độ hèn nhát chối bỏ của ông Phê-rô.

        Tuy Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng Người là Đấng Mê-si-a, Vua bình an, đến thi hành một sứ mệnh thiêng liêng, kẻ thù của Người vẫn mập mờ lấy cái danh hiệu “vua” ấy để cáo gian Người trước mặt Phi-la-tô.  Họ không tố cáo Người đã phạm tội nói lộng ngôn, xưng mình là Con Thiên Chúa, vì họ biết chính quyền Rô-ma chẳng coi đó là tội ác để kết án.  Họ tố cáo Người nào là “sách động dân chúng và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da”, nào là “xưng mình là Mê-si-a, là Vua.”  Toàn là những vu cáo!  Trước đó ít ngày, Chúa Giê-su đã đối phó với những kẻ “rình rập, đến dò la” xem Người có hoạt động chính trị nào không và họ vờ vĩnh hỏi Người:  “Chúng tôi có nên nộp thuế cho Xê-da không?”, Người đã thẳng thắn trả lời:  “Của Xê-da, hãy trả về Xê-da;  của Thiên Chúa, hãy trả về Thiên Chúa.” (Lc 20:20-26). 

        Chúa Giê-su đã thi hành sứ vụ Vua của Người.  Người thi hành sứ vụ theo quyền bính của Thiên Chúa ban cho Người (Lc 20:1-7) tại Ga-li-lê, và tại Giê-ru-sa-lem, Người được đón tiếp như “Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa.”  Ở Giê-ru-sa-lem, để dạy dỗ dân chúng, Vua Bình an “hằng ngày giảng dạy trong Đền Thờ”, bất chấp những đe dọa nguy hiểm do kẻ thù.

        Tại Vườn Dầu và khi bị bắt, Vua Bình an đã ngăn cấm những ai muốn dùng khí giới để bảo vệ Người:  “Thôi, ngừng lại!”  Rồi Người chữa lành tên đầy tớ của thượng tế đã bị ông Phê-rô chém đứt tai.  Trên thập giá, Vua Bình an vẫn tiếp tục thi ân cho con dân của mình.  Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.  Người không “trả đũa” những tên lính nhạo báng Người.  Người không đôi chối với tên gian phi nhục mạ Người.  Sau hết, Người tiếp tục thi hành sứ vụ Vua đối với người gian phi sám hối:  “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

 

b)  Cái chết của Đấng vô tội

 

        Tất cả những lời buộc tội do kẻ thù của Chúa Giê-su đều là âm mưu mờ ám và hoàn toàn ngược lại sự thật.  Họ nói Người sách động và ngăn cản dân chúng đừng nộp thuế cho Xê-da, nhưng lập trường của Người rõ ràng:  của Xê-da hãy trả cho Xê-da.  Họ tố cáo Người xưng mình là vua.  Nhưng chính Phi-la-tô đã cẩn thận điều tra và ba lần tuyên bố Chúa Giê-su vô tội.  Cả vua Hê-rô-đê cũng không thấy Chúa Giê-su có tội gì và chỉ chế giễu Người là một tên khùng.  Mặc dù Hê-rô-đê là “kẻ thù” của Chúa Giê-su và cũng muốn giết Người (Lc 13:31), thế mà ông ta cũng bảo là Người vô tội.  Theo sách Đệ Nhị luật, công lý đòi phải có hai người làm chứng mới có thể xét xử.  Giờ đây hai người chứng, một người là dân ngoại, một người là Do-thái, đã làm chứng Chúa Giê-su vô tội.

        Nhưng còn có thêm một nhân chứng nữa làm chứng Chúa Giê-su vô tội, đó là người gian phi sám hối.  Anh nói với tên gian phi phỉ báng Chúa Giê-su để bênh vực cho Người:  “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.  Chứ ông này đâu có làm điều gì trái.”

        Tiếp đến là lời chứng của viên đại đội trưởng chấp hành việc đóng đinh Chúa Giê-su:  “Người này quả thật là công chính!”  Lời chứng này còn tích cực và mạnh hơn cả lời chứng của Phi-la-tô, vì khẳng định Chúa Giê-su không những là người vô tội, mà còn là một người công chính nữa.

        Cuối cùng, thánh sử Gio-an đã trình bày lời chứng của ông Giô-xép người thành A-ri-ma-thê, một người lương thiện công chính và cũng là thành viên của Thượng Hội Đồng:  “Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng” vì ông thấy rõ Chúa Giê-su là vô tội.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Cái chết của Chúa Giê-su là cái chết của hạt lúa gieo xuống đất phải chết đi mới sinh bông hạt.  Vậy cái chết của Vua Bình an và Đấng vô tội đã đem lại hoa trái nào cho tôi?  Hoa trái bình an và hoa trái tha thứ?  Tôi có nhận thức ân sủng ấy trong suốt đời mình không?  Và tôi đã đáp lại ân sủng ấy thế nào?

        Cha Henri Nouwen gọi Chúa Giê-su là Đấng Chữa lành bị thương.  Chúa bị thương tích để chữa lành những vết thương của tôi.  Vậy đó là những vết thương nào?

        Khí giới của Chúa Giê-su là cầu nguyện, chứ không phải gươm giáo.  Chính cầu nguyện đã nâng đỡ Chúa Giê-su trên đường thập giá và chết nhục nhã.  Còn khí giới của tôi là gì khi phải đối phó với bất công, với những lỗi phạm của anh chị em đối với tôi?

 

Cầu nguyện:

       

        Lạy Chúa Giê-su,

        vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

        xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

        Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

        xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an.  A-men.

                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 64)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

1-4-2004

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà