Lễ Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa
Đọc
: Galata 4, 4-7; Luca 2, 16-21
Lm
Phêrô Trần Đình, Đalạt
Phụng vụ khởi đầu năm mới dương lịch bằng cách tôn vinh một con người
dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Đó là Đức Maria.
Một mầu nhiệm khó hiểu
Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã khó hiểu đối với lý trí con người, việc
Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn. Là bởi vì con người
sao lại có thể sinh ra Chúa ?. Chính vì vậy, trong quá khứ đã có không ít người
phủ nhận tước hiệu này (Nestôriô, thế kỷ 5).
Tiên tri Ysaia đã ví “xác phàm như cỏ rả” khi so với Thiên Chúa là Đấng
ngàn năm bền vững, vạn đại trường tồn. Xét về phương diện con người, Đức Maria
thật ra cũng chỉ là “cỏ rả”, làm sao sinh ra Thiên Chúa được ?.
Một đường lối ngược đời
Mà thật ra, ngẫm cho kỹ, hành động
của Thiên Chúa xem ra bao giờ cũng ngược đời : “Tư tưởng của Ta
không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là
đường lối của các ngươi” (Ys 55, 8).
Để yêu thương, Thiên Chúa không thích biểu dương chính mình bằng một
cách thế oai phong lẫm liệt, nhưng luôn tự xoá nhoà chính bản thân mình. Người
đã “không giằng cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa” thì Người còn muốn
đề cao mình làm gì ?.
Trong thơ gởi tín hữu Galata, bài đọc 2, Thánh Phaolô đã viết một câu
thật đáng sợ : “Khi tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà và sống dưới
lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm
nghĩa tử” (4, 4-5).
Suy cho cùng, Thiên Chúa đã hành động bằng cách đi ngược lại với con đường của Ađam ngày
xưa. Chính vì kiêu ngạo và bất tuân mà tội đã nhập vào thế gian này và bởi đó
có sự chết. Con đường Chúa muốn đi và muốn dạy kẻ khác cùng đi nếu muốn được sự
sống đời đời chính là con đường nhỏ bé khiêm cung, con đường “tự huỷ”.
Rồi đây, cả cuộc đời dương thế, Chúa chỉ đi theo con đường này mà thôi.
Ma quỉ có cám dỗ Chúa thì cũng chỉ vì muốn Người ra khỏi con đường này mà thôi.
Nội dung của những chước cám dỗ là bày ra một con đường đầy hương hoa cỏ la,
điềụ mà thế gian yêu chuộng.
Vì vậy, lễ Đức Maria, “Mẹ Thiên Chúa” trước hết muốn nói về Chúa Giêsu.
Mầu nhiệm nhập thể của Người vẫn còn tiếp tục được trình bày dưới một hình thức
kín đáo.
Đức Maria, “Mẹ Thiên Chúa”
Xét trên lý luận, con người không thể nào sinh ra Chúa được. Đức Maria
quả thật đã không sinh ra Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô là một chủ
vị duy nhất, và vì Đức Maria đã sinh ra một vị
“Thiên-Chúa-làm-người”, nên hoàn toàn hữu lý khi gọi ngài là Mẹ Thiên Chúa. Mà
không phải hôm nay Giáo Hội mới tự đặt ra, chính bà Elisabet đã gọi Mẹ bằng
tước hiệu đó : “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân
Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy” (Lc 1, 43).
Xem ra, cả Đức Maria cũng sững sờ trước hồng ân cao cả này.Trong khi
các mục đồng “hối hả” đi đến Bêlem, rồi sau đó “kể lại điều họ đã được nghe nói
về Hài Nhi” thì thái độ trước sau của Đức Maria chỉ là “ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng” đi đôi với sự cung
kính thờ lạy Đấng sinh ra bởi lòng mình.
Tôn vinh con người
Có những luồng tư tưởng triết học hiện sinh muốn hạ bệ Thiên Chúa để
tôn vinh con người (như Nietszche : “Hoàng hôn của những thần tượng”).
Thật ra, qua Đức Maria, Thiên Chúa muốn tôn vinh con người, cho dầu
chẳng phải ai cũng được diễm phúc cưu mang và sinh hạ Chúa như Đức Maria. Chúa
muốn dùng con người như những khí cụ hữu hiệu để Chúa luôn được sinh ra nơi
lòng dạ con người mọi thời.
Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, như vậy, đã cùng một lúc tôn vinh đường lối
nhiệm lạ của Thiên Chúa, tôn vinh Đức Maria và dồng thời tôn vinh con người.
29-12-2003