Chúa Nhật thứ 7 Phục
Sinh
(27-5-2001)
Lễ Chúa Thăng Thiên
Đọc Lời Chúa
· Cv 1,1-11 : Nói xong những lời ấy, Người được cất lên ngay trước mắt
các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.
Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên Trời phía Người đi, thì bỗng nhiên có
hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: «Hỡi những người Ga-li-lê,
sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước
lên Trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời».
· Ep 1,17-23 : Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ đâu là niềm
hy vọng anh em đã nhận được nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang
phong phú anh em được chia sẻ với các thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao
Người đã thi thố cho chúng ta là những người tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn
năng đầy hiệu lực mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô
chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.
· TIN MỪNG : Lc 24,46-53
Đức Giê-su được đưa lên Trời
Khi ấy, Đức Giê-su nói: «Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu
khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Ngài mà rao
giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha
tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi đến
anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở trong thành, cho đến khi nhận
được quyền năng từ trời cao ban xuống».
Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho
các ông. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ, và
hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý :
1. Tại sao Thiên Chúa đã hoàn tất công trình cứu chuộc nơi Đức Giê-su,
mà con người vẫn còn tội lỗi và đau khổ? Công trình Ngài còn thiếu gì nữa?
2. Tại sao con người lại phải cộng tác vào công trình của Ngài? Ngài
làm hết tất cả không được sao?
3. Đức Giê-su đến để cứu rỗi tất cả nhưng theo từng cá nhân riêng lẻ,
hay Ngài muốn cứu toàn thế giới với tư cách toàn thể (chứ không chỉ cá nhân)?
4. Người kitô-hữu có cần quan tâm và tìm cách giải quyết những vấn đề
xã hội trong khả năng của mình không?
Suy tư gợi ý :
1. Công trình cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất nhưng chưa xong
Đức Giê-su đã đến trần gian, đã dạy dỗ nhân loại, đã chịu chết, đã sống
lại, và đã hoàn tất công trình cứu chuộc trần gian của Ngài. Nhưng trần gian
trong thực tế vẫn chưa được cứu, vẫn còn biết bao đau khổ và tội lỗi đang diễn
ra tại trần gian. Công trình cứu độ trần gian gồm hai phần: phần của Thiên
Chúa, và phần của con người. Đức Giê-su mới chỉ làm xong phần của Ngài, tức
phần của Thiên Chúa. Việc cứu độ trần gian chỉ được hoàn thành với sự cộng tác
và tiếp tục của con người. Vì thế, trước khi về trời, Đức Giê-su đã nhắc lại
cho các môn đệ bổn phận của các ông là phải tiếp tục rao giảng, để con người
hoàn thành công trình cứu chuộc của Ngài nơi chính bản thân mỗi người, đặc biệt
trong xã hội và thế giới: «Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu
khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; Phải nhân danh Ngài mà rao
giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha
tội». Ngài giao trách nhiệm rõ rệt cho các ông, cũng là cho chúng ta, là phải
làm chứng cho Ngài: «Chính anh em phải là chứng nhân về những điều này».
2. Để được cứu độ, con người phải hoàn tất phần của mình
Phàm trong mọi chuyện, Thiên Chúa không làm một mình, mà luôn luôn đòi
hỏi sự cộng tác của con người. Ngài thường làm phần cơ bản, cốt yếu nhất, và để
lại phần rất nhỏ cho chúng ta, mà nếu chúng ta không cộng tác, thì công trình
của Ngài đành phải dang dở và trở nên vô ích. Điều ấy rất dễ hiểu. Tương tự như
cha mẹ lo lắng cho con cái đủ mọi thứ, để con cái được no ấm, đủ phương tiện
phát triển nên người. Nhưng dù cha mẹ có lo lắng đến đâu, thì sự hưởng ứng và
cộng tác của con cái vẫn là tối cần thiết, không thể thiếu, để những nỗ lực của
cha mẹ đạt được kết quả mong muốn. Thật vậy, nếu cha mẹ lo cho con cái cơm bưng
nước rót tới tận miệng, nhưng nếu con cái không chịu há miệng đón nhận thức ăn,
không chịu nhai và nuốt, thì chúng vẫn đói, và mọi nỗ lực của cha mẹ để chúng
khỏi bị đói khát trở nên vô ích. Cũng vậy, cha mẹ lo liệu đủ mọi phương tiện
cho con học hành, nhưng nếu chúng lười biếng không chịu học, thì cha mẹ có lo
cho lắm cũng bằng thừa. Để ích lợi cho con cái, cha mẹ dù có muốn làm hết tất
cả mọi sự để con cái không phải làm gì cả, cũng không thể được. Luật tự nhiên không
cho phép như vậy.
Thiên Chúa cũng vậy, không hà cớ gì lại muốn chừa phần cho chúng ta,
bắt chúng ta phải cộng tác, phải làm phần của mình thì mới được cứu độ hay hạnh
phúc! Thiên Chúa dù có muốn làm hết tất cả để chúng ta không phải làm gì cả,
cũng không được! Ngài không thể làm gì khác với những điều mà luật tự nhiên đòi
hỏi. Vì luật tự nhiên chính là bản tính của Ngài, Ngài không thể hành động phản
lại chính Ngài.
3. Để được cứu độ, chúng ta phải làm gì?
Đức Giê-su đã về trời, điều đó có nghĩa là phần việc cứu độ nhân loại
của Ngài ở trần gian đã xong. Nếu Ngài không làm phần việc ấy, con người dù có
cố gắng nỗ lực đến đâu, cũng không thể tự cứu mình nổi. Nhưng vẫn còn lại phần
việc của con người, đặc biệt của các kitô-hữu môn đệ của Ngài, là phải tiếp tục
công việc cứu độ ấy cho đến tận thế. Công việc ấy cụ thể nơi mỗi người là gì?
Trước hết, mỗi người phải tự cứu lấy mình bằng cách sống theo giáo huấn
và đường lối của Đức Giê-su, là yêu thương tha nhân, và thể hiện tình yêu
thương ấy bằng cách làm cho mọi người chung quanh mình trở nên tốt hơn và hạnh
phúc hơn.
Kế đến, là mỗi người hãy cố gắng cứu rỗi những người chung quanh mình,
bằng cách loan báo Đức Giê-su và công cuộc cứu chuộc của Ngài cho họ, để họ
cũng sống theo giáo huấn và đường lối của Ngài, là sống yêu thương mọi người.
Nếu tất cả mọi người đều biết Đức Giê-su và sống tinh thần yêu thương
của Ngài với những người chung quanh, thì chắc chắn xã hội sẽ trở nên tốt đẹp,
và thế giới sẽ trở thành Nước Trời. Biến xã hội hay thế giới thành Nước Trời
phải là lý tưởng của tất cả mọi kitô-hữu trong cuộc đời của mình.
4. Phải cứu rỗi những người chung quanh ta, phải quan tâm đến xã hội ta
đang sống.
Đức Ki-tô đến không đến chỉ để cứu rỗi từng cá nhân riêng rẽ, mà chủ
yếu là để cứu toàn xã hội và thế giới, biến xã hội con người và thế giới thành
môi trường lành mạnh, trong đó mọi người đều sống an vui hạnh phúc trong tinh
thần yêu thương nhau. Sau khi Ngài về trời, các kitô-hữu có nhiệm vụ tiếp tục
sứ mạng của Ngài là cứu rỗi xã hội và thế giới.
Phải cứu rỗi xã hội và thế giới, bằng cách làm cho tinh thần yêu
thương, tự hủy để phục vụ của Đức Giê-su thấm nhập vào trong đời sống xã hội.
Hiện nay, tu đức học của Giáo Hội nhấn mạnh nhiều đến nghĩa vụ của người
kitô-hữu trước những vấn đề xã hội. Một kitô-hữu đích thực không thể làm ngơ,
lãnh đạm, hoặc không hay biết, hoặc không cố gắng làm gì cả để giải quyết những
vấn đề xã hội đang xảy ra chung quanh mình (bất công, đói khổ, thất nghiệp,
luân lý suy đồi, các tệ nạn xã hội: tham ô, trộm cướp, mãi dâm, ma túy, bệnh
dịch, v.v…) Tinh thần đạo đức kiểu hương nguyện, cá nhân – nghĩa là chỉ biết
giữ đạo lấy cho mình, chỉ biết tốt hay nên thánh một mình mình, còn ai tốt hay
xấu, sướng hay khổ thế nào thì mặc kệ họ – không còn được chấp nhận nữa. Giáo
Hội ngày nay kêu gọi người kitô-hữu gắn bó với xã hội nhiều hơn, quan tâm và ý
thức trách nhiệm của mình nhiều hơn trước những vấn đề xã hội.
Con người không thể tự cứu rỗi mình một cách riêng lẻ, độc lập, mà sự
cứu rỗi ấy luôn luôn mang tính liên đới với những người chung quanh, với xã hội
hay môi trường mình sống. Ta không thể được cứu rỗi nếu ta không quan tâm đến
việc cứu rỗi những người trong gia đình ta, những người sống chung quanh ta.
Cũng tương tự như ta không thể hạnh phúc đang khi những người trong gia đình ta
phải đau khổ, ta không thể sống an ổn đang khi xã hội chung quanh ta đầy nhiễu
nhương. Ta chỉ có thể hạnh phúc khi gia đình ta, hay những người chung quanh ta
hạnh phúc. Ta chỉ có thể an ổn khi xã hội trong đó ta đang sống được yên lành.
Hạnh phúc của ta luôn luôn liên đới với hạnh phúc của người chung quanh, phần
rỗi của ta cũng luôn luôn liên đới với phần rỗi của những người chung quanh. Do
đó, ta phải luôn luôn quan tâm đến sự tốt đẹp, yên lành, hạnh phúc và sự cứu
rỗi của xã hội. Một người không quan tâm đến xã hội, đến những vấn đề đang xảy
ra trong xã hội, không phải là một kitô-hữu đúng nghĩa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trước khi lên trời, Chúa đã yêu cầu chúng con tiếp tục sứ
mạng của Chúa ở trần gian. Xin cho chúng con – các kitô-hữu – biết ý thức trách
nhiệm ấy, đặc biệt trên bình diện xã hội. Xin cho chúng con biết thật sự quan
tâm đến sự bình an và hạnh phúc của xã hội, đến những vấn đề xã hội và cố gắng
giải quyết trong khả năng của mình. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết