Chúa Nhật lễ Thăng Thiên

(23-5-2004)

 

Đức Giêsu về trời để hiện diện
tại trần gian một cách mới mẻ

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 1,1-11: (8) «Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất».

·    Dt 9,24-28; 10,19-23: (20) Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.

 

·    TIN MỪNG: Lc 24,46-53

Đức Giêsu được rước lên trời

 (46) Khi ấy Đức Giêsu nói: «Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (47) phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (49) Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống».

 (50) Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. (51) Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. (52) Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, (53) và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

 

CHIA SẺ

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Trước khi từ biệt các tông đồ để về trời, đáng lẽ Đức Giêsu phải nói: «Thầy sẽ không còn ở cùng anh em nữa; vậy Thầy xin tạm biệt anh em» mới thuận lý. Tại sao Ngài lại nói: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20)? Điều đó nghĩa là gì?

2. Đức Giêsu ở lại với chúng ta đến tận thế. Vậy muốn gặp Ngài thì gặp ở đâu? Phải tiếp xúc với Ngài cách nào để thật sự nhận được sức mạnh của Ngài?

 

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu hiện diện tại trần gian theo một cách thức mới

Tại trần gian, chẳng có một trường hợp nào «tụ» mà không «tán», chẳng bao giờ có một cuộc xum họp nào mà không kết thúc bằng sự chia ly. Và sự chia ly của những người yêu thương nhau chẳng bao giờ mà không vương vấn buồn phiền, đau khổ. «Ái biệt ly khổ» (yêu nhau mà phải xa cách nhau thì khổ) là một trong «bát khổ» theo giáo lý nhà Phật. Biết như thế, ta mới hiểu được nỗi buồn và sự bâng khuâng của các tông đồ sau khi Đức Giêsu về trời. Kể từ nay, các ông không còn được gặp mặt người Thầy mà mình hết dạ quý mến bằng xương bằng thịt nữa, chẳng còn nghe thấy tiếng Ngài nói, lời Ngài dạy dỗ nữa.

Nhưng cuộc chia ly của Đức Giêsu và các tông đồ không phải là một cuộc chia ly theo kiểu thường tình của cuộc đời. Vì Đức Giêsu tuy không ở bên cạnh các tông đồ bằng xương thịt như khi còn sinh tiền, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện chẳng những ở bên cạnh các ông, mà ở ngay trong tâm hồn các ông. Ngay trước khi từ giã các môn đệ để về trời, đáng lẽ Ngài phải nói: «Thầy sẽ không còn ở với anh em nữa» thì mới hợp lý, đằng này Ngài lại nói: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Sao Ngài nói lạ vậy? Chắc chắn Ngài không ở với các tông đồ và chúng ta bằng thân xác nữa. Nên nếu đúng như lời Ngài nói, thì tất nhiên Ngài phải ở lại bằng tâm linh hay thần khí của Ngài. Đó là cách khôn ngoan nhất để mọi người trên thế gian có thể gặp Ngài.

Giả như Ngài tiếp tục hiện diện tại trần gian bằng thân xác của Ngài – chẳng hạn tương tự như Đức Giáo Hoàng hiện nay ở Rôma – thì cả đời chúng ta không dễ gì gặp được Ngài một lần, dù chỉ gặp trong giây lát. Và sẽ có vô số người muốn gặp Ngài mà không gặp được. Thử nghĩ xem: tỷ lệ số người đang sống tại Việt Nam hiện nay đã từng gặp được Đức Giáo Hoàng một lần để nói chuyện là bao nhiêu phần trăm? E rằng không được 1 phần ngàn (tức 80.000 người). Trái lại, nếu Đức Giêsu hiện diện theo cách thức mới bằng tâm linh hay thần khí, thì ai trong chúng ta cũng có thể gặp Ngài dễ dàng trong bất cứ bao lâu và bất kỳ lúc nào. Ngài có thể nói với ta một cách thiêng liêng trong tâm linh ta; và ta cũng có thể «nghe» Ngài nói bằng lời rõ ràng qua Thánh Kinh, đặc biệt qua các Tin Mừng. Ngoài ra, Ngài còn lập phép Thánh Thể để ta có thể gặp gỡ Ngài một cách thể chất, và để Ngài có thể ngự vào lòng ta cũng một cách thể chất.

 

2. Phải gặp gỡ và liên kết với Đức Giêsu mới có sức mạnh

Đức Giêsu nói: «Thầy là đường, là sự thật và là sự sống» (Ga 14,6); và «Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Vì thế, muốn sống hạnh phúc, sống tràn đầy, sống cho có ý nghĩa, ta cần phải thường xuyên gặp gỡ và liên kết chặt chẽ với Đức Giêsu. Nhờ đó, ta tiếp nhận được sự khôn ngoan và sức mạnh dồi dào của Ngài, vì Ngài «là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa» (1Cr 1,24). Có sức mạnh nội tâm dồi dào, ta mới có thể thực hiện được Nước Trời ngay trong bản thân mình, và trong quan hệ giữa mình và tha nhân (x. Lc 17,21). Vì «Nước Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh» (Mt 11,12). Nước Trời đó chính là khả năng quên mình để yêu thương, để hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân, và đó cũng chính là nên thánh.

 

3. Để gặp gỡ và liên kết với Đức Giêsu cách hữu hiệu

a) Phải sống tinh thần quên mình, từ bỏ mình

Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ và liên kết với Đức Giêsu khi tâm hồn ta tràn đầy Ngài. Ta chỉ có thể tràn đầy Ngài khi tâm hồn ta không bị chiếm hữu bởi «cái tôi» của chính ta, vì nếu tâm hồn ta bị «cái tôi» của mình tràn ngập, thì nó không còn một chỗ trống nào cho Ngài. Để có chỗ cho Ngài, ta phải dẹp bỏ hay làm trống «cái tôi» của mình đi. Đó chính là sống tinh thần quên mình, từ bỏ mình, không coi bản thân, sở thích hay ý muốn của mình là quan trọng. Nghĩa là không còn sống cho chính mình, mà sống cho Thiên Chúa và tha nhân, coi thánh ý của Thiên Chúa và hạnh phúc của tha nhân là quan trọng.

Sống quên mình là không làm theo ý muốn của «cái tôi» ích kỷ của mình, mà luôn luôn làm theo ý muốn của Thiên Chúa hay Đức Giêsu, theo tinh thần và đường lối của Ngài, và để Ngài tự do hành động nơi mình. Lúc đó ta có thể nói như Đức Giêsu: «Tôi (…) không làm theo ý tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6,38; x. 5,30; Lc 22,42). Và như thế ta trở thành công cụ của Ngài, để Ngài hành động qua mọi khả năng của ta. Lúc đó, Ngài sẽ làm nhiều việc lạ lùng và lớn lao ở nơi ta và qua ta. Và với tinh thần quên mình, ta nhận ra những hành động lớn lao ấy không phải là do ta, mà do Ngài. Ta vẫn nhận ra mình là «đầy tớ vô ích» mặc dù ta đã cố gắng làm việc hết sức mình (x. Lc 17,10).

Sống quên mình và từ bỏ mình, ta sẵn sàng đánh mất chính mình vì Đức Giêsu. Nhưng chính khi ta sống tinh thần quên mình ấy, thì thật ra ta lại sống mãnh liệt nhất, và ta lại tìm lại được bản thân ta hay hạnh phúc của ta một cách đích thực nhất. Đúng như lời của thánh Phanxicô Khó Khăn: «Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân».

b) Ý thức sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu ở trong ta

Một khi ta không còn sống cho bản thân ta nữa, không còn bị thúc đẩy bởi những động cơ vị kỷ nữa, mà hoàn toàn sống cho Ngài, thì Ngài sẽ tự do hoạt động ở trong ta. Và ta sẽ cảm thấy: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20); hay «tôi làm, nhưng không phải tôi làm, mà là Chúa Kitô làm trong tôi».

Sức mạnh và khả năng ở trong ta sẽ tăng lên khi ta thường xuyên ý thức sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu ở trong ta, ý thức Ngài là sức mạnh của ta. Sức mạnh ấy là vô biên khiến ta có thể thực hiện được tất cả những gì Ngài muốn. Hãy thường xuyên tự nhủ lời của thánh Phaolô: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự» (Pl 4,13).

Một điều quan trọng khác là ta phải dám tin vào sức mạnh của Thiên Chúa ở trong ta. Dám tin vào những gì Ngài nói, Ngài hứa là đúng sự thật và sẽ được thực hiện ở nơi ta. Hãy dám tin theo gương Đức Maria như lời của bà Êlisabét nói với Ngài: «Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em» (Lc 1,45). Nếu ta dám tin và tin thật lòng, ta sẽ thấy điều mình tin trở thành hiện thực, như lời Đức Giêsu nói: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20).

c) Sống tinh thần yêu thương với tha nhân

Muốn liên kết với Đức Giêsu, không gì cụ thể và chắc chắn bằng liên kết với những tha nhân đang sống chung quanh ta, đặc biệt những người nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, bị áp bức, nói chung là những người đáng thương. Vì Ngài thường tự đồng hóa mình với những người ấy. Nếu ta liên kết với Đức Giêsu, mà ta không hề quan tâm hay tỏ ra một chút yêu thương nào đối với những người đáng thương mà ta từng gặp trong cuộc sống, thì sự liên kết ấy chỉ là bề ngoài và hoàn toàn giả dối. Làm như thế chẳng khác gì ta muốn nấu cơm mà lại dùng cát để nấu. Nghĩa là trong thực tế ta chẳng hề liên kết gì với Đức Giêsu cả, và do đó ta sẽ chẳng nhận được sức mạnh nào từ Ngài.

Tóm lại, muốn gặp gỡ và liên kết với Đức Giêsu nguồn sức mạnh, ta phải có tinh thần từ bỏ mình, tự xóa mình để tâm hồn ta tràn đầy thần khí của Ngài. Ta cũng phải thường xuyên ý thức về sự hiện diện đầy sức mạnh của Ngài trong tâm hồn ta. Đồng thời ta phải yêu thương và liên kết với những người đáng thương mà ta gặp trong cuộc đời. Như thế, ta sẽ cảm nghiệm được tâm hồn ta tràn đầy sức mạnh của Ngài, và ta sẽ hạnh phúc.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thân xác của Đức Giêsu đã về trời để thần khí của Ngài có thể hiện diện và hoạt động trong bản thân con và mọi người. Xin giúp con ý thức sự hiện diện hoạt động ấy của Ngài trong tâm hồn mình, để tâm hồn con trở nên mạnh mẽ thật sự. Nhờ đó, con thực hiện được những gì Cha mong muốn nơi con.

 

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà