LỄ THĂNG THIÊN

(Lu-ca 24: 46-53)

 

        Biến cố Chúa Giê-su sai các tông đồ lên đường thi hành sứ vụ được kể lại ở cuối mỗi sách Tin Mừng.  Nhưng đặc biệt đối với sách Tin Mừng Lu-ca, biến cố này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa tóm tắt những điều sách đã viết về Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu thế của Người, đồng thời vừa mở ra một chân trời mới cho các môn đệ Người và toàn thể Giáo Hội, tức là công việc rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho mọi dân nước.  Nếu đọc tiếp sách Công vụ Tông đồ cũng do thánh Lu-ca viết, ta sẽ dễ dàng nhận thấy cuốn sách được mệnh danh là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần đã tiếp nối sách Tin Mừng Lu-ca và mô tả những công việc của Chúa Thánh Thần thực hiện qua sứ vụ của các tông đồ.  Những lời dặn dò của Chúa Giê-su trước khi rời xa các tông đồ mà lên trời hẳn phải có ý nghĩa mạnh mẽ và sâu xa, không chỉ nhất thời trong biến cố Thăng Thiên, mà là vĩnh viễn cho toàn thể Giáo Hội mọi nơi mọi thời.

 

a)  Sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa Giê-su

 

        Dĩ nhiên rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng là Chúa Ki-tô nào?  Câu trả lời là nội dung căn bản của việc rao giảng Tin Mừng.  Chính Chúa Giê-su đã dựa vào Kinh Thánh để tóm tắt nói về chân tính của Người mà ta phải rao giảng:  “Có lời Kinh Thánh chép rằng:  Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”  Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá và Đức Ki-tô sống lại vinh hiển là hai chiều kích nền tảng của Tin Mừng cứu rỗi không thể tách rời.  Thánh Phao-lô đã nói lên tầm quan trọng của sự liên kết này trong thư 1 Cô-rin-tô.  “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta” (1 Cr 15:3t).  Và tiếp đến, “nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:14).  Sự sống lại của Đức Ki-tô đã đem lại ý nghĩa cho cái chết của Người và là cách Thiên Chúa Cha tôn vinh Chúa Giê-su cùng đặt Người làm Chúa của muôn loài muôn vật (Pl 2:9-11).  Do đó, công thức “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” chính là nội dung căn bản của việc rao giảng Tin Mừng và là lời tuyên xưng đức tin cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Chúa Ki-tô.  Từ  nay, “chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa” sẽ là sứ vụ các tông đồ phải ý thức và thi hành theo lệnh truyền của Người.

 

b)  Vai trò của Chúa Thánh Thần đối với sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa Giê-su

 

        Trong những lời cáo biệt trước khi chịu thương khó, Chúa Giê-su đã đề cập tới vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ do Chúa Cha sai đến.  Khi trao ban cho các tông đồ sứ mệnh làm chứng nhân, Chúa Giê-su đã cảm nhận nỗi ưu tư và khả năng yếu đuối của họ.  Nhưng Người bảo họ cứ an tâm chờ đợi “điều Cha Thầy đã hứa” và chờ đợi “cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”  Điều đã hứa đây chính là biến cố sẽ xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần:  ngày sinh nhật của Giáo Hội, ngày sứ mệnh rao giảng Tin Mừng khởi sự, và ngày Giáo Hội bắt đầu phát triển trên lãnh vực truyền giáo với kết quả ba ngàn người xin chịu phép Rửa tội sau bài giảng của ông Phê-rô (Cv 2:1-47).

        Ông Phê-rô đã giảng những gì?  Được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, ông Phê-rô đã nói với dân chúng Giê-ru-sa-lem về “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”  Sau khi đề cập tới vai trò của Thánh Thần trong việc rao giảng Tin Mừng, tất cả bài giảng của ông chỉ nhằm khai triển hai điều Kinh Thánh đã nói về Chúa Giê-su:  “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này:  Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2:36).  Nghe giảng xong, họ đã sám hối, được rửa tội và lãnh nhận Thánh Thần.  Như thế, Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động nơi những người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, mà cả nơi tâm hồn những ai đón nhận Tin Mừng nữa.

 

c)  “Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời”

 

        Mỗi sách Tin Mừng nhất lãm nói lên một hình ảnh cảm động về biến cố Chúa lên trời và sai môn đệ đi rao giảng.  Thánh Mát-thêu quan tâm tới “ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ đến.”  Thánh Mác-cô nhấn mạnh đến tình trạng “có Chúa cùng hoạt động với các ông.”  Còn thánh Lu-ca thì muốn ta chú ý đặc biệt tới hình ảnh Chúa Giê-su chúc lành cho các ông.  Nêu lên hình ảnh sống động ấy, chắc chắn thánh Lu-ca muốn ta hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Người lên trời.  Thân xác Người rời khỏi Giáo Hội, nhưng “phép lành” của Người luôn ở với Giáo Hội và với ta.  Làm sao nói hết được ý nghĩa của phép lành hoặc những ơn lành.  Bên cạnh hồng ân lớn lao nhất đó là Chúa Thánh Thần, ta còn nhận được bao ơn khác, những ơn cần thiết cho sứ vụ làm chứng nhân của Chúa Giê-su Ki-tô giữa lòng thế giới.  Chính vì vậy, dù là cảnh ly biệt thầy trò, nhưng các môn đệ Chúa sau khi bái lạy Người, vẫn cảm thấy lòng hoan hỷ lên đường thi hành sứ mệnh.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Các tông đồ đã rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem.  Còn tôi, tôi làm chứng cho Chúa bắt đầu từ nơi nào?  Từ gia đình tôi?  Hay tôi chỉ mang mặt nạ rao giảng ở ngoài kia, còn trở về nhà tôi lại chỉ rao giảng “tin buồn”?  Vậy tôi cần suy nghĩ đâu là những Giê-ru-sa-lem của tôi.

        Chúa Thánh Thần đã hoạt động hữu hiệu nơi các tông đồ.  Tôi cũng đã lãnh nhận Thánh Thần khi chịu Bí tích Thêm sức.  Vậy tôi có để cho Thánh Thần tiếp tục biểu dương quyền năng của Người qua đời sống chứng nhân của tôi không?  Những gì đã cản trở hoặc giới hạn hoạt động của Người nơi tôi?

        Các môn đệ bái lạy Chúa Giê-su, một cử chỉ mang ý nghĩa thần phục và phụng thờ trước khi lên đường thi hành sứ mệnh.  Tôi đã bái lạy Chúa Giê-su chưa?  Nói cách khác, tôi đã thực sự tin kính Người và có một mối quan hệ mật thiết với Người chưa? 

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su thương mến,

        xin ban cho chúng con

        tỏa lan hương thơm của Chúa

        đến mọi nơi chúng con đi.

        Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

        bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

        Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

        để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

        Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

        để những người chúng con tiếp xúc

        cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

        Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

        không phải bằng lời nói suông,

        nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

        và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

                                - Mẹ Têrêxa Calcutta

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 68)

 

 

Lm Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà