LỄ THÁNH GIA 2003

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng thuật lại một câu chuyện rất thường tình trong đời sống gia đình: những biến cố ngoài ý muốn và dường như dáng vẻ mâu thuẫn và tranh chấp. Trong hiện trạng của sự việc vấn đề không thể xem thường được: một người cha, một người mẹ long đong tất tưởi đi tìm con, người con mà họ đã phải hy sinh tất cả để sinh ra và nuôi dưỡng với tất cả lòng yêu mến và kính trọng; sau ba ngày gặp lại được con trong cảnh say sưa "nghe và hỏi" các tiến sỹ trong đền thờ, một sự việc có thể gây nhiều bất trắc trong một xã hội khắt khe như xã hội Do Thái, là một tảng đá ngầm có thể nổ tung con thuyền gia đình nhỏ bé; làm sao không dẫn đến lời trách móc "Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế ? Kìa cha con và mẹ đây, đã đau khổ tìm con". Lời trách trên môi miệng của Đức Maria, một người "Thiên Chúa ở cùng", một người mà "Quyền năng Thiên Chúa bao phủ lòng dạ", chắc chắn chuyên chở sự khổ tâm cùng cực.

Lời Chúa trong lễ này soi sáng và làm nổi bật lên con đường hạnh phúc gia đình, con đường giải quyết những mâu thuẫn và khó khăn. Khi đọc những đoạn kinh thánh này, chúng ta dễ có cảm tưởng đây là những bài học luân lý gia đình, và như thế thường phải chấp nhận những thể hiện khác biệt trải qua thời gian và không gian, nên dễ bị coi là lỗi thời. Nhưng Kinh Thánh không nhằm điều ấy, mà là mạc khải về chính Thiên Chúa và kế hoạch của Người, mà mọi nền luân lý nếu có phải quy chiếu về . Chính Đức Giêsu đã đòi hỏi điều ấy ngay cả với cha và mẹ Người "Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao ?". Thánh Phaolô mở rộng cái nhìn thiêng thánh này khi cho thấy ơn gọi và sứ mệnh của gia đình là "làm nên một thân thể". Trong ngôn ngữ của Phaolô, chúng ta phải hiểu thân thể ấy chính là Nhiệm Thể của Đức Kitô. Vì vậy cái con đường hạnh phúc của gia đình, con đường giải quyết mọi mâu thuẫn đều dẫn đến Nhiệm Thể này. Rõ ràng, như Phaolô nói phải bắt đầu với Lời Chúa Kitô. Lời phải được đón nhận theo cách thức của Đức Maria và Thánh Giuse: cho dù không hiểu nhưng "ghi nhớ trong lòng và suy đi nghĩ lại". "Lời trở thành xác phàm" nơi lòng dạ, và là nguyên lý cho cuộc sống "Người bảo gì, anh em hãy làm theo". Chính Thiên Chúa Cha khi sai Con mình vào thế gian cũng nói với chúng ta "Đây là Con Ta yếu dấu, hãy nghe Lời Người". Thánh Phaolô cũng đã nói như thế "Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện anh em hãy làm vì Danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha". Mầu Nhiệm Thiên Chúa và chương trình của Người trong Đức Giêsu cho thấy giá trị của gia đình, của mỗi con người vượt xa những gì mà con người khát vọng. Gia đình Thánh Gia bằng thực tiễn lịch sử của mình là lời thuyết minh cho chân lý mạc khải ấy. Mọi mâu thuẫn không thể giải quyết bằng sự đòi hỏi mình phải được cái gì, nhưng là khả năng hiến thánh chính bản thân cho những người mình yêu thương. Sự hiến thánh cuối cùng chính là trao bản mạng sống vì người mình yêu.

Chúng ta có thể tìm thấy sự hiến thánh ấy không chỉ nơi Đức Giêsu là người Con, mà cả nơi Đức Maria và Thánh Giuse nữa. Tin Mừng đã viết như thế : "Chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm của nhiều người phải lộ ra." Qua những biến cố thời thơ ấu của Đức Giêsu, cũng như cuộc sống công khai của Người, và nhất là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, chúng ta thấy lưỡi gươm đã đeo bám gia đình Thánh Gia thế nào. Bởi vì chung cuộc, từ trên Thánh Giá, Đức Giêsu đã muốn nói với Mẹ và mọi gia đình Ngài muốn hoàn tất đời mình trong tâm tình hiếu thảo của một Người Con, khi Ngài trối Đức Mẹ cho Hội Thánh sơ khai. Để Hội Thánh sống tình con thảo thay Người : và đó là Gia Đình tràn sức sống Thần Linh từ trái tim Người đổ ra. Đó là con đường hạnh phúc của Gia Đình Thánh và của mỗi gia đình chúng ta vậy.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


 

Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà