THỨ TƯ LỄ TRO

Mt 6, 1-6.16-18

 

HÃY SÁM HỐI và ĐỔI MỚI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai mình sẽ trở về bụi tro”, lời ca ấy cứ cất lên mỗi lần đi vào mùa chay, đặc biệt ngày thứ tư lễ tro. Nhớ mình là cát bụi, là đất vì con người được tác tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa như những trang đầu của sách Khởi Nguyên thuật lại. Con người một lúc nào đó sẽ nhắm mắt lìa đời, thân cát bụi sẽ trở về với bụi đất. Đi vào mùa chay, con người hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, hãy khởi sự bằng những việc tốt. Nhận lấy tro trên đầu là sống tâm tình Con Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng mang ơn cứu độ, thú nhận tội lỗi yếu hèn của mình để đi vào mùa sám hối, đổi mới.

 

NGUỒN GỐC CỦA VIỆC SÁM HỐI:

Mọi tôn giáo đều coi tro bụi là hình ảnh của sự hư nát, mau qua, hoa nở sớm tàn, hư vô, sự chết. Tro bụi cũng còn là dấu chỉ của sự u buồn và sự ăn năn, cải hóa nội tâm. Đọc ngôn sứ Yôna 3, 5-9 và sách 2Sam 12, 16-17,ta thấy rất rõ điều đó. Thánh Matthêu1, 21 cũng diễn tả việc mặc bao bị, rắc tro trên đầu để chỉ sự ăn năn sám hối. Thánh vịnh 102, 5 cũng viết:” Tro là bánh tôi ăn, của uống tôi, hòa với lệ”. Tất cả những đoạn văn trên đều nói lên dấu chỉ u buồn, sầu não, tang chế và là dấu chỉ của việc sám hối ăn năn. Từ thế kỷ 7, Giáo Hội  xem nghi thức xức tro là nghi thức khai mở mùa ăn chay, sám hối, đặc biệt cho những người thú tội và đền tội công khai. Các hối nhân phải đi chân đất, sau đó họ phải ra khỏi nhà thờ và cửa nhà thờ đóng lại từ ngày họ bị đuổi ra khỏi đền thờ cho tới ngày thứ năm tuần thánh, họ không được tham dự thánh lễ và phải kiêng chay nghiêm nhặt để đền những tội công khai như lăng loàn, giết người, ngoại tình và lạc đạo”. Dần dần việc đền tội công khai mất đi cả ý nghĩa và cả hình thức thì việc rắc tro trên đầu trong ngày khai mạc mùa chay vẫn được giữ lại vì đây là hình thức tỏ vẻ khiêm nhượng hối cải, ăn năn. Do đó, Đức Giáo Hoàng Urban II vào năm 1091 đã công bố tại công đồng Benevent:” Xem việc xức tro như là bổn phận của mỗi tín hữu phải lãnh nhận ở đầu mùa chay “.

 

HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG:

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu khi khai mạc sứ vụ công khai của Ngài là hãy quay trở về với Thiên Chúa. Ở đây ta thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa lời kêu gọi sám hối của các ngôn sứ, của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu. Lời kêu gọi sám hối của Cựu Ước và lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả là lời kêu gọi từ bỏ đàng tội lỗi, để biết đâu Thiên chúa thương sẽ cho Đấng cứu độ tới. Đây là lời kêu gọi chuẩn bị dọn đường cho Đấng Messia.Sám hối của Tân ước phải mang tính chất của Nước Trời, có một đích điểm là Chúa Giêsu. Sám hối của Tân ước mang lấy tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu vì thế từ Métanoia có nghĩa là quay trở về với Thiên Chúa. Mặc lấy Đức Kitô và sống tinh thần nghèo khó của Ngài. Khó nghèo mà Chúa Giêsu kêu gọi chính là nhận thức thân phận tạo vật của con người trước mặt Thiên Chúa. Tất cả mọi sự đều là quà tặng, là ân ban của Thiên Chúa. Con người phải trở nên quà tặng cho người khác vì mình là tạo vật, là ân huệ của Thiên Chúa ban cho. Nhận ra mình là không, là yếu hèn trước mặt Thiên Chúa, con người mới lãnh hội ra Tin Mừng, được công chính hóa trong Chúa Giêsu để rồi hoàn toàn mặc lấy Đức Kitô sống hoàn toàn cho tình yêu thương của Ngài.

 

SỐNG TINH THẦN TÁM MỐI PHÚC:

Người Kitô hữu không thể tự thánh hóa mình bằng những nỗ lực riêng tư, nhưng cần sự công chính hóa của Chúa từ Thiên Chúa Cha bằng một tinh thần khiêm tốn như Mẹ Maria và đón nhận với cung cách khiêm nhượng như tinh thần hiến chương nước trời. Người Kitô hữu muốn làm đẹp lòng Chúa phải tuân theo thánh ý Chúa và làm theo ý Chúa. Không phải nói ngoài môi miệng:” Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Thiên Chúa”, nhưng phải làm theo ý Cha và sống tình con thảo đối với Cha. Để đạt được nước trời, người Kitô hữu phải loại trừ quỉ ra khỏi con người mình, ra khỏi thế gian: quỉ  theo nghĩa Tân ước là biểu trưng cho sự xấu, cho sự đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Nước Trời là ý muốn của Thiên Chúa. Muốn vào Nước Trời phải loại bỏ quỉ, phải trừ khử  tội lỗi ra khỏi con người mình và mặc lấy chính Đức Kitô. Mọi hình thức ăn chay, cầu nguyện, hối cải, bố thí là cần thiết, nhưng phải làm với tinh thần khiêm tốn và tỏa sáng để mọi người nhìn thấy việc mình làm, nhận ra Thiên chúa và tới với Ngài. Mọi hình thức giả hình, phô trương, xưng hùng xưng bá( triumphalisme ) đều bị Chúa kết án. Những phương thế chay tịnh, bố thí, cầu nguyện, hãm mình đều là những nấc thang giá trị giúp người Kitô hữu lột xác để cải hóa nội, phấn đấu đạt cho được Nước Trời và sống cho Chúa Giêsu. Sống tinh thần tám mối phúc thật là nẻo đường dẫn tới Nước Thiên Chúa.

 

GỢI Ý CHIA SẺ:

1.      Tại sao lại phải sám hối ?

2.      Métanoia theo Tân ước là gì ?

3.      Các hình thức ăn chay, cầu nguyện, bố thí có cần không ? tại sao ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà