THỨ TƯ LỄ TRO.

(28.02.2001)

Bố thí, cầu nguyện và ăn chay

(Mt 6,1-6.16-18)

       

        Chúng ta đã trải qua nhiều mùa Chay trong đời, đã khá quen tai lời Thiên Chúa kêu gọi qua trung gian của ngôn sứ Giô-en: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van" . Hôm nay, một lần nữa lời đó lại vang lên trong phụng vụ ngày thứ tư lễ Tro vào năm đầu tiên của thế kỷ 21, của thiên niên kỷ thứ 3. Đáp lời kêu gọi đó, chúng ta cùng nhau lên đường trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng thương xót.

       

        Chúng ta khởi hành với lời ngôn sứ Giô-en, và chúng ta gặp được giáo huấn cụ thể của Chúa Giê-su trong Tin mừng Mát-thêu: "Khi bố thí, anh em đừng cho tay trái biết việc tay phải làm; khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng đóng cửa lại; khi ăn chay, anh em nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy ngoại trừ Thiên Chúa là Cha" (Mt 6,3.6.16). Như thế, khi thực hành Lời Chúa, chúng ta đang đồng hành trong nỗ lực sống mùa Chay theo truyền thống của Giáo hội, với ba việc làm chủ yếu là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhân cơ hội này, chúng nhau cùng tìm hiểu lại ý nghĩa của ba việc trên.

       

        Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của việc bố thí: theo "Từ điển tiếng Việt 2000" của nhà xuất bản Đà Nẳng, thì bố thí là " cho người nghèo khổ để làm ơn làm phúc". Bố thí là một việc tốt đẹp mà cha ông chúng ta vẫn thường làm. Đó là một điểm son nói lên tấm lòng nhân ái "thương người như thể thương thân" của người Việt. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những phong trào tương trợ trong xã hội. Ngoài những việc bố thí riêng tư, người Kitô hữu đã rất tích cực tham gia các phong trào tương thân tương ái này. Tuy nhiên, chiếc huy chương nào cũng có hai mặt. Việc bố thí có thể mất đi nét đẹp của nó khi chúng ta cho đi một cách khoe khoang, hay tệ hơn, cho đi với vẻ trịch thượng, với thái độ "ban ơn và khinh miệt", như cuốn tự điển trên đây có đề cập tới. Chính những thái độ ấy đã làm cho việc bố thí phải mang một ý nghĩa không còn tốt đẹp, biến những người được chúng ta thi ân trở thành những bích chương biểu ngữ tuyên dương công trạng chúng ta! Chúa Giê-su đã cảnh giác chúng ta trước thái độ này. Người nói: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ có phô trương cho thiên hạ thấy, đừng khua chiêng đánh trống cốt để cho người ta khen" (Mt 6,1-2).

       

        Tiếp theo, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện : theo sách "Giáo lý Hội thánh Công giáo, mục số 2590" thì cầu nguyện "là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết". Như thế , khi cầu nguyện, điều quan trọng là làm sao lập được mối tương giao giữa bản thân ta với Thiên Chúa, và sống tình hiệp nhất với Hội thánh, để chúc tụng, khẩn cầu Người, để chuyển cầu cho tha nhân, để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa. Tụng niệm cũng là một việc làm đã có từ ngàn xưa trong cách sống của người Việt. Người Việt năng nhớ đến Trời, năng cầu khẩn Trời, năng tạ ơn Trời. Khi gia nhập vào Hội thánh, chúng ta phát huy việc tụng niệm đó một cách sâu xa bằng đời sống cầu nguyện mang tinh thần Kitô giáo. Tuy nhiên, việc cầu nguyện của người Kitô hữu cũng dễ bị nguy cơ rơi vào hình thức sáo mòn hoặc khoe khoang trình diễn. Lúc ấy, lời cầu nguyện của chúng ta không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ nhằm đề cao cá nhân chúng ta hoặc đoàn thể của chúng ta! Chúa Giê-su đã báo động não trạng sai lạc này. Người nói: "Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy" (Mt 6,5).

       

        Cuối cùng, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của việc ăn chay: theo" Điển ngữ Đức tin Công giáo" của linh mục Nguyễn Hồng Phúc xuất bản năm 1996 , thì việc giữ chay nhiệm nhặt trong thời Giáo hội tiên khởi là " chỉ ăn bánh khô, nước lã, muối và rau khô". Còn hiện nay, "để tỏ lòng sám hối đền tội, Giáo hội khuyên ăn chay và kiêng thịt trong các ngày thứ sáu và trong mùa Chay, đồng thời chỉ buộc ăn chay và kiêng thịt ngày thứ tư lễ Tro và ngày thứ sáu Tuần thánh". Như vậy, mục đích của việc ăn chay là khổ chế thân xác, hãm mình đền tội để sám hối và hoán cải. Người Việt chúng ta cũng quen với việc ăn chay. Trong số những người thực hành chay tịnh, có người ăn chay vào ngày rằm và mồng một mỗi tháng, có người ăn chay trường kỳ mọi ngày. Tinh thần chay tịnh của những người này thật đáng khâm phục và đáng noi gương. Tuy nhiên, việc ăn chay chỉ có ý nghĩa khi được xuất phát từ một tấm lòng chân thành. Tục ngữ Việt Nam có câu: " Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối". Người Kitô hữu chúng ta lắm lúc ăn chay một cách miễn cưỡng chiếu lệ, ăn chay mà mong cho chóng hết ngày để lại thỏa thích ăn uống, ăn chay để tỏ cho người khác biết là mình vẫn còn "giữ đạo"! Chúa Giê-su đả phá thái độ ăn chay theo kiểu quảng cáo đó. Người nói: "Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay" (Mt 6,16).

       

        Để mở đầu mùa Chay năm nay, tiếp bước theo truyền thống đã có từ lâu trong Giáo hội, đáp lại lời kêu gọi của các ngôn sứ, và tuân theo giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta bố thí, cầu nguyện và ăn chay cách đặc biệt trong ngày thứ tư lễ Tro. Chúng ta sẽ bố thí với thái độ yêu thương trân trọng tha nhân, sẽ cầu nguyện với tâm tình khiêm cung tự hạ, sẽ ăn chay với lòng sám hối chân thành. Trong thánh lễ, khi nhận lãnh tro rắc trên đầu, chúng ta nhớ lại thân phận bụi đất của mình khi nghe đọc lại lời Thiên Chúa nói với A-đam sau khi ông phạm tội: "Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" . Nhờ ý thức thân phận thấp hèn vô thường của mình, chúng ta nhận ra tình Chúa yêu thương chúng ta thật quá đỗi bao la. Chúng ta là bụi đất mà Chúa đã nâng chúng ta lên hàng con cái của Người. Hiệp với lời Thánh vịnh 51, chúng ta dâng lời khẩn cầu lên Chúa: "Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm". Để cầu xin Chúa giúp sức trong nỗ lực sám hối và hoán cải, chúng ta cùng thân thưa cùng Chúa: "Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con". Và chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta thêm một cơ hội để trở về với Người, để làm lại cuộc đời tốt đẹp hơn chào đón thiên niên kỷ mới, chung lưng sát cánh với toàn thể nhân loại để kiến tạo "Trời mới, Đất mới" theo tinh thần Tin mừng.

       

        Lạy Chúa, xin giúp con sống mùa Chay năm nay thế nào cho đẹp lòng Chúa. Xin Chúa dạy con biết vận dụng mọi cơ hội, biết sáng tạo những phương thức mới để thực hành ba điều căn bản là bố thí, cầu nguyện và ăn chay, hầu thanh luyện tâm hồn mình khỏi tội lỗi và mở rộng lòng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban. Amen./.

 

Trầm Tĩnh Nguyện

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà