ĐỂ SỐNG TUẦN THÁNH

 

(Bài giảng của Cha Mic. Trần Đình Quảng -

Giám Đốc Đại Chủng Viện, Thứ Hai Tuần Thánh)

Chúng ta đang sống trong Tuần Thánh, không phải thời gian để buồn sầu, nhưng hãy theo Chúa. Tuần lễ này giúp mỗi người sống kết hợp với Chúa, tham dự vào Mầu Nhiệm Cứu Độ của Chúa, Mầu Nhiệm sinh ích cho chúng ta và cho nhiều người.

Muốn kết hợp với Chúa, phải sống tâm tình của Chúa, có thể thấy tâm tình nơi Người Tôi Trung của Giavê trong sách Isaia (Người Tôi Trung này chính là hình ảnh Chúa Giêsu) : là hiện thân của Giao Ước, người thực hiện công trình giải thoát và cứu độ, được Thiên Chúa tuyển chọn, được ban Thần Khí và làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Một điểm nổi bật trong đời sống của Người Tôi Trung này : một con người hiền lành, dịu dàng, không la to, không lớn tiếng. Quả là đức tính đáng suy nghĩ và bắt chước. Chúng ta hãy cố gắng trong Tuần Thánh này, xử sự hiền hoà, không tranh chấp, to tiếng với ai, nhất là với những người làm chúng ta khó chịu, buồn khổ. Không la to, không lớn tiếng đã là điều tốt, nhưng còn phải biết sống thinh lặng (trong hoàn cảnh sống hiện nay, mở mắt ra đầy những cảnh tượng nhộn nhịp, chưa cần lắng tai đã nghe biết bao nhiêu xô bồ náo động, hãy tránh những tiêu khiển vui chơi vô ích). Thinh lặng rất cần thiết cho đời sống đạo, giúp chúng ta tìm được bình an trong tâm hồn, bớt vương vấn những chuyện trần tục. Thinh lặng bên ngoài đã là cần, nhưng thinh lặng bên trong còn cần hơn (có những người nhìn bên ngoài rất thanh thản, nhưng bên trong lòng lại ngỗn ngang đủ chuyện). Thinh lặng bên trong để hướng về Chúa, nghe lời Chúa, kết hợp và sống với Chúa. Chúa đang sống, đang nghĩ tới ngày Vượt Qua (câu chuyện trong bài Tin Mừng, ngay câu đầu tiên, thánh Gioan đã viết "Sáu ngày trước lễ Vượt Qua ." và xảy ra tại nơi Chúa đã làm cho Lazarô sống lại. cả thời gian và không gian đều nhắc nhớ cuộc Vượt Qua của Chúa).

Chúa đến nhà chị em Matta ở Bêtania, Matta hầu bàn, Lazarô đồng bàn với Chúa, còn Maria lấy dầu thơm xức cho Chúa. Có thể nghĩ rằng Maria làm công việc này vì lòng kính trọng, yêu mến một vị khách quý, đúng hơn, với Thầy của mình, hay để tỏ lòng biết ơn. Nhưng đối với Chúa, việc Maria xức dầu là cử chỉ có ý nghĩa cao quý hơn nhiều : nó chỉ sự chết hoặc sự Phục Sinh của Ngài. Chỉ sự chết khi coi đó là hành vi ướp xác (người Dothái có thói quen lầy dầu thơm ướp xác người chết). Aùm chỉ sự Phục Sinh vì lúc đó Maria không thể xức xác Chúa được nữa, bởi thân xác Ngài đã sống lại, cho nên cô phải xức dầu lúc này! Do đó, khác với các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, thánh Gioan không thuật lại chuyện các phụ nữ sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần đã ra mộ để xức thuốc thơm xác Chúa.

Cho dù theo ý nghĩa nào đi nữa, chúng ta cũng thấy việc làm của Maria là một cử chỉ cao đẹp, có ý nghĩa và đáng trân trọng. Hãy bắt chước Maria xức dầu thơm cho Chúa, không phải bằng một thứ dầu thơm vật chất, dù đó là thứ dầu thơm hảo hạng, nhưng xức bằng chính con người chúng ta. Hiểu như vậy thì việc xức thuốc thơm cho Chúa cũng chính là xức cho tâm hồn và đời sống chúng ta, để rồi dâng, dành nó cho Chúa.

Ai cũng thích thơm tho, đẹp đẽ khi xuất hiện trước mặt người khác.. Điều này đúng thôi, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên phải thơm tho đẹp đẽ. "Đói cho sạch, rách cho thơm". Nhưng ước gì cùng với sự thơm tho đẹp đẽ bên ngoài, chúng ta có sự thơm tho đẹp đẽ trong tâm hồn và trong đời sống. Một đời sống thánh thiện, trong sạch, đầy Thần Khí và chiếu toả ánh sáng của Chúa. Để được như vậy, điều tiên quyết phải từ bỏ tội lỗi. Tội lỗi xấu xa, hôi hám, làm ung thối đời sống, làm giảm sút và thậm chí làm mất cả mối tương giao giữa ta với Chúa. Tội lỗi cũng đồng nghĩa với tối tăm, trái ngược với ánh sáng, làm chúng ta khó tiến đến gần Chúa là ánh sáng, làm đời sống chúng ta không thể chiếu toả được ánh sáng của Đức Kitô(khổ một nỗi, giả như chúng ta đứng trước một đống rác, xú uế, ai cũng nhăn mặt, bịt mũi và tìm cách tránh xa ngay, nhưng trước tội lỗi, chúng ta lại muốn xáp vô và dây dưa với nó). Cho nên phải xa tránh, diệt trừ tội lỗi để con người và đời sống chúng ta thực sự như dầu thơm xức cho Chúa.

Cùng với việc từ bỏ tội lỗi là cầu nguyện. Đúng hơn là gia tăng cầu nguyện, vì kinh nguyện như hương thơm bay lên trước tôn nhan Chúa.

Bên cạnh đó chúng ta cần thực hành bác ái, nhất là bác ái với người nghèo. Chúng ta có thể thấy một gợi ý trong bài Tin Mừng hôm nay qua lời càm ràm của Giuđa "giá mà lấy dầu thơm đó đem bán 300 đồng bạc.cho người nghèo.". Ý của Giuđa không tốt, nhưng lời nói của Giuđa đáng cho chúng ta suy nghĩ. Trong những ngày này, chúng ta không tiếc xót gì với Chúa thì cũng không tiếc xót gì với người nghèo. Chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa thì đừng quên mở rộng tâm hồn cho người nghèo. Do đó trong Thư Chung của Đức Cha, Ngài kêu gọi chúng ta dành tất cả lễ vật hy sinh của Mùa Chay, đặc biệt trong ngày Thứ Năm và Thứ Sáu Thánh tới đây, chia sẻ cho người nghèo. Nếu chúng ta biết chia sẻ cụ thể cho người nghèo là chúng ta đã làm cho chính Chúa.

Một đời sống với những tâm tình như vậy, với những ý hướng như vậy, với những việc làm như vậy, sẽ giúp chúng ta tham dự cách thiết thực vào Mầu Nhiện Cứu Độ của Chúa, giúp chúng ta đón nhận nhiều ơn ích từ Mầu Nhiệm Vượt Qua và Tuần Lễ Thánh trở nên có ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta.

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà