Lễ
Tiệc Ly
Thứ
Năm Tuần Thánh
(8-4-2004)
Đức Giêsu làm
gương để chúng ta yêu thương nhau
ĐỌC LỜI CHÚA
· Xh
12,1-8.11-14: (14) Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày
đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là
luật quy định cho đến muôn đời.
· 1Cr 11,23-26:
(24) «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì
anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy». (25) «Đây là chén
Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy
vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy».
· TIN
MỪNG: Ga
13,1-15
Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ
(1) Trước lễ Vượt
Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng. (2) Ma quỷ đã gieo vào
lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. (3) Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao
phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng
Thiên Chúa, (4) nên trong một bữa
ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu
rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (6) Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông
liền thưa với Người: «Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?»
(7) Đức Giêsu trả lời: «Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này
anh sẽ hiểu». (8) Ông Phêrô lại thưa: «Thầy mà rửa
chân cho con, không đời nào con chịu đâu!» Đức Giêsu đáp: «Nếu Thầy
không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy». (9) Ông Simôn
Phêrô liền thưa: «Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả
tay và đầu con nữa». (10) Đức Giêsu bảo ông: «Ai đã tắm
rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em,
anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!» (11) Thật vậy,
Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: «Không phải tất cả anh em đều sạch». (12) Khi rửa
chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: «Anh em có hiểu
việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi
Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là
Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Mà «Thiên Chúa
là tình yêu» (1Ga 4,8). Vậy chúng ta có phải là hình ảnh của tình
yêu chăng? Tại sao chúng ta lại không yêu nhau, mà trái lại còn hận thù ghen
ghét nhau?
2. Đức Giêsu đến trần gian để làm gì? Bản chất của cứu chuộc là gì?
3. Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, để làm gương cho các ông rửa
chân lại cho Ngài, hay để các ông rửa chân cho nhau?
4. Giới răn mới của Đức Giêsu là chúng ta hãy yêu nhau như Ngài đã yêu
chúng ta, hay chúng ta hãy yêu Thiên Chúa như Ngài đã yêu Thiên Chúa?
CHIA SẺ
1. Đức Giêsu đến
khôi phục bản chất yêu thương của con người
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16).
Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa như vậy. Điều đó có nghĩa là bản chất hay
yếu tính của Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa có nhiều thuộc tính khác nhau:
toàn tri, toàn năng, vô biên, hiện diện khắp nơi, tạo tác, yêu thương, công
bình, thánh thiện, tốt lành, khôn ngoan, vinh hiển, v.v… Trong các thuộc tính
đó, chỉ có yêu thương mới là bản chất hay yếu tính của Thiên Chúa mà thôi.
Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa, là hình ảnh trung
thực nhất của Thiên Chúa nơi con người. Vì thế, Ngài cũng là Tình Yêu. Bản chất
– là tình yêu – của Ngài khiến Ngài yêu thương đến tận cùng, đến giọt máu hay
hơi thở cuối cùng: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế
gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).
Thế còn chúng ta, chúng ta cũng được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài, và giống như Ngài (St 1,26.27; 5:1; 9.6). Nghĩa là tình yêu chính là bản chất nguyên thủy của chúng ta. Nhưng tiếc thay, tội nguyên tổ đã làm cho hình ảnh của Ngài nơi chúng ta bị méo mó, sai lệch, khiến chúng ta không còn giống như Ngài nữa. Tội lỗi đã làm cho chúng ta mất đi bản chất yêu thương của mình, để trở thành một cái gì ngược lại, là ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, là hận thù, ghen ghét. Và sứ mạng của Đức Giêsu là đến trần gian để tìm cách khôi phục lại bản chất nguyên thủy của chúng ta, hay hình ảnh trung thực của Thiên Chúa nơi chúng ta. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cộng tác của chính chúng ta, đặc biệt trong việc sống giới răn yêu thương của Ngài.
2. Đức Giêsu, gương
mẫu yêu thương cho chúng ta
Trong chương trình cứu chuộc con người – mà chủ yếu
là khôi phục lại bản chất yêu thương của họ – toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu đã làm
rõ nét và nổi bật lên bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu là
gương mẫu yêu thương của con người. Con người muốn khôi phục lại bản chất
nguyên thủy là yêu thương của mình, thì chỉ cần bắt chước Ngài, nghĩa là yêu
thương giống như Ngài: «Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh
em» (Ga 13,34; 15,12). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc
nhở mọi người hãy bắt chước gương yêu thương và phục vụ của Ngài: «Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em»;
«Nếu Thầy
là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau».
3. Ngài làm gương để
chúng ta áp dụng cho nhau, chứ không phải để áp dụng lại cho Ngài
Một chi tiết rất quan trọng mà ít người lưu ý là
Đức Giêsu làm mẫu gương yêu thương không phải để chúng ta bắt chước mà làm lại
như vậy cho Ngài,
nhưng để chúng ta bắt chước mà làm lại như vậy cho nhau. Ngài rửa chân cho các môn đệ không
phải để họ bắt chước mà rửa chân lại cho Ngài, nhưng là để họ rửa chân cho nhau. Ngài yêu thương chúng ta, dù là đến
tận cùng, thì điều Ngài mong muốn không phải là chúng ta đáp lại tình yêu
của Ngài cho
bằng chúng ta yêu thương nhau. Nói theo ngôn ngữ của email, Ngài
không muốn chúng ta «reply» (=hồi âm) tình yêu ấy lại cho ngài,
mà muốn chúng ta «forward» (=chuyển đi) tình yêu ấy đến với nhiều người khác,
từ chính địa chỉ của chúng ta.
Vì không lưu ý chi tiết quan trọng ấy, nên có những lối tu đức trong Giáo Hội quá quan tâm tới việc đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa đến nỗi coi nhẹ việc yêu thương nhau. Thiết tưởng lối tu đức ấy, mặc dù rất đúng và rất tốt, nhưng rõ ràng không đúng với ý Đức Giêsu được biểu lộ qua những lời của Ngài trong Tin Mừng. Rất tiếc là lối tu đức ấy hiện nay vẫn là thứ tu đức chủ yếu trong Giáo Hội, nó đã ăn sâu vào não trạng Kitô hữu hàng mấy chục thế kỷ qua. Người ta coi việc yêu Chúa là quan trọng hơn là yêu tha nhân. Nhưng thiết tưởng ý của Thiên Chúa không phải là như thế, cho dù như thế cũng vẫn là điều tốt.
Thiên Chúa không cần chúng ta yêu thương, Ngài đã quá hạnh phúc và quá đầy đủ rồi. Chỉ có tha nhân bên cạnh chúng ta – đang quằn quại với những thiếu thốn và đau khổ – mới cần chúng ta yêu thương mà thôi. Đạo là phải «đem chỗ dư bù chỗ thiếu» (Lão Tử), sao chúng ta lại lấy chỗ thiếu bù chỗ dư? Điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi con người là con người được hạnh phúc, vì như quan niệm của thánh Irênê thì vinh quang của Thiên Chúa chính là hạnh phúc của con người (x. Irênê, Chống lạc giáo, 4,20.7). Mà con người chỉ có thể hạnh phúc khi họ biết yêu thương nhau, biết hy sinh cho nhau. Và Đức Giêsu đến để dạy cho con người yêu thương nhau. Nay con người lại không quan tâm tới chuyện yêu thương nhau, tới việc hy sinh cho nhau, mà chỉ quan tâm đến chuyện yêu Thiên Chúa, chuyện hy sinh cho Thiên Chúa, thì không biết điều đó có hợp với ý Ngài chăng?
Vì thế, chúng ta cần cẩn thận xét lại từng chữ, để
nắm được chủ ý của Đức Giêsu, trong giới răn duy nhất mà Ngài muốn truyền cho
chúng ta: «Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17;
1Ga 3,23). Trong giới răn này, tôi không hề thấy Ngài bảo chúng ta phải yêu Ngài
hay yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan lập luận: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì…
chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11), chứ thánh nhân không
nói: «thì…
chúng ta phải yêu lại Ngài», mặc dù nói như thế cũng vẫn đúng.
Để trấn an những người chủ trương phải yêu Thiên
Chúa hay yêu Ngài trước, Đức Giêsu nói rất rõ ràng: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ
các điều răn của Thầy» (Ga 14,15; x. 14,21.23), mà «điều răn của
Thầy là: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em»
(Ga 15,12). Tóm lại là «nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em hãy yêu thương
nhau». Ngài còn đồng hóa tha nhân của ta với chính Ngài, đến nỗi yêu
tha nhân là yêu Ngài, không yêu tha nhân là không yêu Ngài, và những gì ta làm
hay không làm cho tha nhân cũng là làm hay không làm cho Ngài (x. Mt 25,40.45).
Thánh Gioan còn cho rằng tha nhân thấy được mà ta không yêu, thì tình yêu đối
với Thiên Chúa của ta chỉ là ảo tưởng hay giả dối (1Ga 4,20).
Vì thế, thánh Phaolô tóm toàn bộ luật của Đức Giêsu
chỉ vào một điều duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật của Đức Kitô»
(Rm 13,8; Gl 6,2; x. 18,10); Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất
của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình» (Gc 2,8). Hai vị thánh này không hề đưa việc yêu mến
Thiên Chúa vào trong luật mới của Đức Kitô, vì khi yêu người thì đã bao hàm
việc yêu Thiên Chúa trong đó rồi.
4. Vì yêu thương,
Ngài đã trở nên «của ăn» cho chúng ta.
Ngài muốn chúng ta cũng hãy trở nên «của ăn» cho nhau
Đức Giêsu yêu chúng ta đến nỗi không chỉ đau khổ và
chết cho chúng ta, mà còn muốn trở nên «của ăn» để nuôi dưỡng và ở lại với chúng
ta. Vì thế, Ngài đã lập bí tích Thánh Thể. Vậy Ngài muốn chúng ta làm gì để đáp
lại tình yêu vô bờ bến ấy? Chắc chắn Ngài cũng muốn chúng ta yêu lại Ngài như
Ngài đã yêu chúng ta, nhưng Ngài muốn điều đó một, thì Ngài muốn điều sau đây gấp mười, thậm chí gấp trăm lần. Đó là chúng
ta cũng hãy trở nên «của ăn» cho nhau, và ở lại bên nhau để
cùng chia sẻ với nhau niềm vui cũng như nỗi buồn, nhất là những khi có ai gặp
đau khổ.
Trở nên «của ăn» cho nhau, là chấp nhận hy sinh cho
nhau, đau khổ cho nhau, sẵn sàng chịu thiệt thòi mất mát vì nhau, vì ích lợi
của nhau. Không có phương tiện nào tốt hơn, hữu hiệu hơn để biểu lộ tình yêu
đối với nhau một cách rõ rệt và chắc chắn cho bằng chấp nhận đau khổ hoặc chết
thay cho nhau, hy sinh chịu thiệt thòi vì nhau. Đó là một giá trị tích cực của
đau khổ và sự chết mà Đức Giêsu đã tận dụng để biểu lộ tình yêu của Ngài đối
với chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta dùng cách ấy để biểu lộ tình yêu đối với
nhau. Cách ấy chính là trở nên «của ăn» cho nhau.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu đã quên mình đi, và
quên cả Cha đi khi chọn đối tượng yêu thương cho chúng con trong giới răn của
Ngài. Ngài muốn chúng con phải yêu thương nhau, phải dành tình yêu cho nhau hơn
là yêu thương Cha và yêu thương Ngài. Và nếu có ai yêu thương Cha hoặc yêu
thương Ngài, thì Ngài muốn người ấy phải thể hiện tình yêu ấy bằng cách yêu
thương những người thân yêu của mình, những người đang sống chung quanh mình. Ý
của Ngài rõ ràng là như vậy. Xin cho con hiểu rõ và tuân theo ý Ngài.
Joan Nguyễn Chính Kết