XIN CHO CON LÒNG
MẾN YÊU .
(Bài giảng của Cha MIcae, Giám
Đốc ĐCV Đalat)
Gần đến ngày Chúa thụ nạn, Phụng vụ cho chúng ta
những bản văn, giới thiệu khung cảnh và những ý tưởng gần gũi với cuộc khổ nạn
này để dọn lòng chúng ta sống những ngày cuối cùng với Chúa. Chúa sẽ chịu khổ
nạn, bài sách Isaia nói phần nào về cuộc khổ nạn này (thường được gọi là Bài Ca
Thứ Ba của Người Tôi Tớ Đau Khổ). Người Tôi Tớ giơ lưng ra cho người ta đánh
đập, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt giấu mày, không tránh những
lời nhạo cười phỉ nhổ.
Người Tôi Tớ này là ai mà phải chịu những đau khổ
tủi nhục ? Truyền thống Giáo Hội đã chỉ về Đức Giêsu ; chính Đức Giêsu đã có
lần minh nhiên áp dụng lời nói đó cho mình, coi mình là Người Tôi Tớ đau khổ.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã nói với các môn đệ :"Phải ứng nghiệm nơi Thầy
điều Sách Thánh đã nói: Người bị coi là kẻ phạm pháp.". Kẻ phạm pháp này
sẽ bị bắt đến dinh thượng tế và dinh Philatô, Ngài sẽ bị người ta đánh vào đầu,
nhổ vào mặt, chịu trăm ngàn thứ hình khổ và cuối cùng bị giết chết.
Chúng ta sẽ suy niệm nhiều về những sự kiện này
trong chiều Thứ Sáu Thánh. Hôm nay, chúng ta muốn để ý thái độ của Chúa đang
tiến vào cuộc khổ nạn. Đặc biệt thái độ của Ngài đối với một trong số Mười Hai
môn đệ thân tín, sẽ đưa Ngài vào cuộc khổ nạn, đó là Giuđa.
Khởi đầu bài Tin Mừng cho biết Giuđa lén lút đi gặp
các thượng tế Dothái để trao nộp Chúa với giá 30 đồng. Nói cho đúng, đi vào khổ
nạn là do sáng kiến của Chúa, chọn lựa cái chết là do ý muốn của Chúa. Cũng như
Gioan, thánh sử Matthêu muốn cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu chịu chết không
phải do những toan tính xấu xa của Giuđa. Ngài là Chúa của sự chết và sự sống,
Ngài làm chủ và xếp đặt giờ của Ngài, Ngài cũng biết trước có một môn đồ phản
bội Ngài. Nhưng dù như thế nào, trong hành động của mình, Giuđa cũng có một
phần trách nhiệm.
Trước hành động của Giuđa như vậy, Chúa đã xử sự
thế nào ? Chúng ta thấy ngược hẳn với suy nghĩ và cách cư xử của người đời.
Giuđa không tôn trọng Chúa, còn Chúa lại trân trọng Giuđa, không những trong
lời nói mà cả trong hành vi, cử chỉ.
Trong lời nói, khi Chúa cho các môn đệ biết sẽ có
một trong các ông nộp Thầy, Ngài không nói rõ là ai, khiến các môn đệ ngơ ngác,
buồn bả và thắc mắc. Chỉ khi chính Giuđa hỏi, không thể trả lời khác, Ngài phải
xác nhận vì Ngài klhông thể dối mình được, đồng thời cũng để cho Giuđa thấy
rằng, Ngài đã biết ý định và hành động của anh ta. Nhưng cho dù ngay cả như vậy
đi nữa, chúng ta thấy lời Chúa nói không có chút gì tức giận, thù ghét, lên án.
Nếu chúng ta nói về kẻ thù, về kẻ hại mình, thì chắc không có những lời êm ái
như vậy. Nói như vậy phải chăng sai ý của Chúa ? Bởi vì trước đó Chúa nói
"khốn cho kẻ nộp Con Người , thà đừng sinh ra thì hơn". Thực ra kiểu
nói "khốn cho" được dùng ở đây cũng như những chỗ khác, không phải là
lời nguyền rủa hay chúc dữ, nhưng chỉ nói lên tình cảnh đáng thương của Giuđa,
cũng như bày tỏ nỗi niềm đau đớn xót xa của Chúa. Nếu phải lên án thì lên án
chính tội của Giuđa chứ không phải lên án con người Giuđa, bởi vì ai cũng được
Chúa trân trọng.
Lời nói đã trân trọng mà hành vi càng đượm nét thân
tình. Hành vi này có thể thấy trong việc Chúa cho Giuđa cùng chấm chung một
dĩa. Chúng ta đang ở trong khung cảnh một bữa ăn, bữa ăn cuối cùng của Chúa với
các môn đệ. Đối với người Dothái, một bữa ăn dù bình thường thì ít nhiều cũng
có màu sắc tôn giáo. Lương thực con người xử dụng do Thiên Chúa ban, là dấu chỉ
của lòng Chúa yêu thương loài người, dấu chỉ khởi đầu của việc cứu độ. Cho nên
khi xử dụng những lương thực đó, phải có sự hiệp thông với Thiên Chúa.
(Chúng ta có sự hiệp thông này không khi hằng ngày
vẫn xử dụng những gì Chúa ban cho chúng ta ? Trước bữa ăn, người Công Giáo
thường làm dấu Thánh Giá, đọc một kinh hay một ý nguyện nào đó. Nhưng phải nói
thật, nhiều khi chúng ta làm chiếu lệ, làm cho có. Thử hỏi có mấy lần vào những
lúc đó, chúng ta ý thức thực sự mình đang làm hành vi để chúc tụng và cảm tạ
Thiên Chúa vì những gì Chúa ban cho chúng ta ?)
Còn Chúa Giêsu, khi dùng bữa với các môn đệ, Ngài
muốn cho các ông thấy sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha. Không chỉ vậy, Ngài
còn muốn chia sẻ sự hiệp thông này với các môn đệ, chia sẻ sự sống của Thiên
Chúa cho các môn đệ, sự sống đang đầy tràn nơi Ngài. Ngài chia sẻ cho cả nhóm
Mười Hai, không trừ ai kể cả Giuđa, người phản bội.
Có thể nói Chúa muốn thông hiệp với Giuđa, Ngài
không lên án Giuđa (cử chỉ Chúa cho Giuđa cùng chấm một dĩa với Ngài nói lên
điều đó). Nhưng tiếc rằng chính Giuđa đã tự cắt dứt sự hiệp thông này với Chúa.
Giuđa lên án cho mình là thế.
Chúa trân trọng Giuđa, kẻ phản bội, bởi vì Chúa yêu
thương mọi người, bất kể đó là ai. Ngài muốn hy sinh mạng sống mình cho con
người được sống. Nơi Đức Giêsu, người ban tặng cũng như điều ban tặng chỉ là
một. Bởi vậy tất cả đều là hồng ân tuyệt diệu và cao qúy mà Thiên Chúa muốn
dành cho tất cả chúng ta.
Chúa trân trọng và yêu thương Giuda, chúng ta cũng
phải tập có cách hành xử như Chúa trong mối tương giao của chúng ta đối với kẻ
thù (nói kẻ thù thì e rằng có lẽ to chuyện, cũng có thể có người nghĩ rằng làm
gì có kẻ thù.) Nói vậy chứ cũng có kẻ thù chung quanh chúng ta, hoặc chúng ta
thù nghịch với người khác, hoặc ngược lại. Chúa còn có kẻ thù huống gì chúng
ta. Thù nghịch cũng có nhiều cấp độ, có thể là vì không dung hợp với chúng ta
về tính tình, cách sống, hoặc vì quyền lợi, lựa chọn, quan điểm, chính kiến .
Có những người thực sự mưu hại chúng ta, cách này
cách nọ, vụng trộm hay công khai, lý do này hay lý do khác. Đối với những con
người như vậy, tự nhiên chúng ta cũng muốn "choảng lại", (ít nhất cho
đỡ tức). Phản ứng theo kiểu "mắt đền mắt." như Cựu Ước ; người nào
hiền lành hơn thì "một nhịn chín lành". Nhưng nếu sống tinh thần Phúc
Âm, sống theo Lời Chúa dạy, phải biết làm hơn thế. Chúa dạy chúng ta phải yêu
thương kẻ thù, không lấy ác báo ác, chúc lành chứ đừng nguyền rủa, làm ơn cho
họ, cầu nguyện cho họ . Khó chứ không phải chuyện chơi !!! Khó nhưng đòi hỏi
chúng ta phải suy nghĩ và cố gắng thực hiện thì mới xứng đáng là con cái của Cha
trên trời, là Đấng hằng yêu thương cả người lành lẫn kẻ dữ.
Trong cuốn Chứng Nhân Hy Vọng, Đức Hồng Y Nguyễn
văn T. kể : Lúc còn bị giam, có người canh tù hỏi Ngài : "Đạo các ông dạy
phải yêu thương bác ái, vậy ông có yêu chúng tôi không ?" - "Có chứ !
tôi yêu các anh" - "Cả khi chúng tôi giam giữ, bỏ tù, không xét xử,
không kết án, ông cũng yêu chúng tôi sao ??? Tôi ngờ là ông nói không thật
?" - "Tôi nói thật. Các anh có thể thấy trong thời gian qua, tôi sống
với các anh thế nào ?" - "Thế thì mai kia nếu được tha, ông xúi giục
giáo dân trả thù chúng tôi thì sao?" - "Không ! Ngay cả khi các anh
muốn giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh" - Lúc bấy giờ, đôi mắt của
người kia mở lớn, đầy thắc mắc và ngạc nhiên "Sao lạ vậy??? Tin sao nổi ???".
Ngài điềm nhiên trả lời "Có gì lạ đâu, Chúa chúng tôi đã dạy như vậy. Nếu
chúng tôi không thực hiện thì chúng tôi không phải là Kitô-hữu". Đó là
chuyện của Đức Hồng Y. Còn với chúng ta, đối xử như vậy không phải chuyện dễ.
Chúng ta yếu đuối, nhưng tin tưởng với ơn Chúa và dựa vào ơn Chúa, mọi sự đều
có thể được .
Chúa Giêsu đã hiến mình làm lễ hy sinh vì yêu
thương chúng ta là những con người tội lỗi, thù nghịch với Chúa. Chúng ta được
sức mạnh của tình yêu Chúa nâng đỡ, được Thánh Thể Chúa bồi dưỡng. Xin cho
chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, biết nối dài tình yêu của Thiên Chúa đến
cho mọi người, đặc biệt cho những người thù ghét chúng ta.