LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA 2001

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Ngay từ xa xưa, những người của Thiên Chúa đều được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm của Người : "Mầu Nhiệm của Lòng Thương Xót", "Mầu Nhiệm Ban Phát và Chúc Lành". Melkisêđê là hình ảnh của họ trong Cựu Ước. Khác với các vua chúa của những miền đất Abraham đã đi qua, vua Salem nhận ra Abraham kẻ lữ hành, không những chẳng phải là thù địch, mà lại là mối phúc cho vương quốc và dân tộc ông. Do đó dù là một vua mới chiến thắng trở về, ông không đánh đuổi Abraham mà còn đãi ngộ và chúc phúc cho ông. Sách Sáng Thế nhấn mạnh cái làm cho Melkisêđê có một thái độ như thế là vì "Ông này là tư tế của Thiên Chúa tối cao". Ông là tư tế của "lòng thương xót, ban phát và chúc lành".

Melkisêđê được truyền thống Thánh Kinh coi như là khởi đầu của sứ vụ tư tế vĩnh viễn "Con là Thượng Tế đời đời theo phẩm hàm Melkisêđê" theo thiển nghĩ chính là vì cái bản chất của sứ vụ ấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy vẫn còn một khoảng cách tuyệt đối giữa điểm khởi đầu và sự viên mãn. Bởi vì khi vị Tư Tế Thượng Phẩm đến như Thánh Phaolô đã nhắc lại Lời trong đêm bị nộp của Người "...Đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em... Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập giao ước mới...". Như thế không phải chỉ là một lời chúc phúc giản đơn, mà là hiến dâng luôn chính sự sống Người để ban phát, để chúc lành và để thương xót.

Giữa điểm khởi đầu và điểm viên mãn ấy là một hành trình dài tưởng như vô tận, mà bất kể là ai tham dự vào chức tư tế ấy đều nhận được lệnh truyền thật dứt khoát "Chính anh em, anh em hãy liệu cho họ ăn" mà Thánh Phaolô lập lại "Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy".

Cộng đoàn kitô hữu cũng được gọi là cộng đoàn Thánh Thể, được sinh ra, được lớn lên và được tồn tại trong sứ vụ là "tư tế của lòng thương xót, của ban phát và chúc lành" ấy. Bàn tiệc Thánh Thể, Thánh Lễ không phải là một nghi thức chỉ mang tính thờ phượng hay tôn vinh, nhưng trước hết và trên hết chính là sự tái diễn lại "Lòng Thương Xót, ban phát và chúc lành của Thiên Chúa" trong cuộc hiến dâng chính mình của Đức Giêsu trở nên bánh nuôi sống đám dân nghèo đói. Sự nghèo đói vật chất là hậu quả của sự nghèo đói tinh thần. Sự hiến dâng Thánh Thể là sự ban phát "Lòng Thương Xót vô biên" của Thiên Chúa làm mới trái tim và giòng máu của con người để tẩy sạch tội lỗi và tham vọng của nó khỏi cảnh vực nhân sinh. Biến cảnh vực nhân sinh hiện tại, cảnh vực của ích kỷ và tham vọng, cảnh vực của sự độc chiếm và độc quyền mọi phương tiện, để biến nên cảnh vực Thần Linh, cảnh vực chỉ có lòng "Thương xót, ban phát và chúc lành".

Mỗi cử hành Thánh Thể phải là một hành vi đích thân xây dựng cảnh vực Thần Linh ấy cho mọi người.


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà