Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh
(13-6-2004)
Tinh thần của Nước Trời là chia sẻ cho nhau
ĐỌC LỜI CHÚA
· St
14,18-20: (18) Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra;
ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.(19) Ông chúc phúc cho ông Ápram
và nói: «Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram!»
· 1Cr
11,23-26: (24) «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì
anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy». (25)
«Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy
làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy».
· TIN MỪNG: Lc 9,11b-17
Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều
(11) Đám đông dân chúng đi theo Người. Người tiếp đón
họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. (12)
Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: «Xin Thầy
cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và
kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng». (13)
Đức Giêsu bảo: «Chính anh em hãy cho họ ăn». Các ông đáp: «Chúng con chỉ có vỏn
vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho
cả đám dân này». (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức
Giêsu nói với các môn đệ: «Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm
mươi người một». (15) Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người
ngồi xuống. (16) Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con
cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông
dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.
Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Mục đích của Đức Giêsu khi xuống thế là rao giảng Tin Mừng về Nước
Trời. Khi tập trung năng lực để thực hiện tốt việc quan trọng ấy, Ngài có quan
tâm đến những nhu cầu thể chất của dân chúng không?
2. Một mục tử chỉ quan tâm đến việc rao giảng lời Chúa, không hề quan
tâm đến những nhu cầu khác của con chiên, không hề biết chia sẻ cụ thể cho họ,
thì đó có phải là một mục tử thật sự yêu thương đàn chiên không? Lời rao giảng
của mục tử ấy có sức thuyết phục không? Tại sao?
3. Nếu trong thế giới, người có nhiều biết chia sẻ cho người không có,
nước giàu chia sẻ cho nước nghèo, thì có ai bị nghèo khổ thiếu thốn không?
Người Kitô hữu đã có tinh thần chia sẻ này chưa? Nếu có, thì ở mức độ nào?
Suy tư gợi ý:
1. Người mục tử tốt lành biết quan tâm tới cả nhu
cầu cụ thể của dân chúng
Đoạn Tin Mừng
đi trước bài Tin Mừng hôm nay cho biết: Đức Giêsu và các môn đệ đã mệt nhoài
sau một ngày rao giảng Tin Mừng, nên đã âm thầm trốn dân chúng, tìm nơi thanh
vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng dân chúng vẫn còn muốn nghe Ngài rao
giảng, nên khi biết Ngài dự định đi đâu, họ bèn đến chỗ Ngài nghỉ ngơi rất
đông. Dù mệt mỏi mà không được nghỉ ngơi, nhưng thay vì bực mình từ chối, Đức
Giêsu đã ân cần «tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những
ai cần được cứu chữa». Ngài đúng là mục tử nhân lành!
Sinh hoạt với
họ đến khi trời tối tại một nơi hoang vắng như thế, Ngài không nỡ để họ ra về
bụng đói. Ngài yêu cầu các môn đệ hãy lo cho họ ăn: «Chính anh em hãy cho họ ăn».
Điều này cho thấy Ngài chẳng những không làm ngơ trước những nhu cầu thực tế
vật chất của người dân, mà còn muốn các môn đệ Ngài phải biết lo cho họ. Tình
yêu đích thực đòi hỏi người mục tử không chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh của
người dân, mà còn quan tâm đến cả những nhu cầu cụ thể của họ. Chính khi người
mục tử tỏ ra yêu thương dân chúng và lo cho họ cả những nhu cầu cụ thể, thì họ
mới hứng khởi lắng nghe người mục tử nói những vấn đề tâm linh.
2. Một cách chú giải khác thường về đoạn Tin Mừng
này
Đa số các nhà
chú giải Thánh Kinh cho rằng khi biến bánh và cá hóa nhiều cho dân chúng ăn,
Đức Giêsu đã dùng đến quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tuy nhiên, có những nhà
chú giải cho rằng Ngài đã không cần phải dùng đến phép lạ, mà chỉ cần thuyết
phục để dân chúng biết chia sẻ của ăn cho nhau thì lập tức mọi người đều được
dư đầy. Các nhà chú giải này cho rằng: khi theo Đức Giêsu như thế, thì những
người giầu có hoặc những người biết lo xa đã đem theo dư dả thức ăn và thức
uống cho chính họ. Đương nhiên cũng có rất nhiều người không chuẩn bị đem theo
thức ăn gì cả. Trong bài giảng chiều hôm đó, Đức Giêsu nói về Nước Trời, tức
một xã hội lý tưởng trong đó mọi người đều yêu thương nhau, sẵn sàng chia sẻ
cho nhau mọi thứ. Và giảng xong, Đức Giêsu đã yêu cầu họ áp dụng tinh thần yêu
thương chia sẻ ấy, bằng cách gom lại hết tất cả mọi thức ăn họ có và chia sẻ
đồng đều cho mọi người. Điều vô cùng lạ lùng xảy ra là chẳng những tất cả mọi
người đều ăn no, mà còn dư tới 12 thúng.
Chắc hẳn cách
chú giải này không được mấy người ưa thích hay chấp nhận, nhất là những người
có khuynh hướng đề cao thiên tính của Đức Giêsu. Nhưng không phải vì thế mà nó
không có căn cứ hoặc không có ý nghĩa. Cách chú giải này có khuynh hướng nhấn
mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu, khiến Ngài trở nên gần gũi con người hơn, và
con người dễ bắt chước Ngài hơn. Khi Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ: «Chính anh
em hãy cho họ ăn», điều đó hẳn có ý nghĩa là Ngài nhận thấy chính các tông đồ –
nếu khôn ngoan và thấm nhiễm được tinh thần yêu thương chia sẻ của Ngài – thì
có thể giải quyết được khó khăn này theo sức loài người, không cần đến quyền
lực thần thiêng. Điều ta có thể chắc chắn là Ngài không bao giờ lại đề nghị với
các ông làm một điều mà sức loài người không thể làm được! Chỉ khi các ông
không nghĩ ra phải làm cách nào, Ngài mới cho các ông thấy cách giải quyết của
Ngài dựa trên sự khôn ngoan biết kích thích tình yêu thương của mọi người, chứ
không cần dựa trên quyền năng thần thiêng.
Chúng ta thử
tìm hiểu ý nghĩa của việc hóa bánh ra nhiều theo cách chú giải này.
3. Con người sẽ không thiếu thốn nếu biết chia sẻ
cho nhau
Hiện nay, rất
nhiều nơi trên thế giới bị nạn đói, nhiều dân tộc nghèo khổ… Điều đó không phải
vì Thiên Chúa không ban cho con người được đầy đủ, mà do sự phân phối của cải
và lương thực giữa con người không hợp lý và đồng đều. Những bản thống kê cho
thấy: 8/10 của cải trên thế giới đang nằm trong tay 1/10 nhân loại, còn 2/10
của cải kia cũng được chia một cách không đồng đều cho 9/10 nhân loại. Do đó,
trên thế giới hiện nay, sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, giữa nước
giầu và nước nghèo hết sức lớn. Có những người hết sức giầu có, sống xa hoa
phung phí cả đời mà vẫn không hết tiền. Và cũng có những người hết sức nghèo
khổ, không sao thỏa mãn được cả những nhu cầu cơ bản nhất của sự sống, lo chạy
gạo từng bữa mà không đủ. Mà của cải thì Thiên Chúa ban chung cho cả thế giới,
và ban một cách dư dật để mọi người dùng, đâu ban riêng cho ai.
Do đó, nếu
người giầu không biết chia sẻ của cải cho người nghèo, thì rõ ràng một cách nào
đó là họ đã duy trì sự bất công trong nhân loại. Để cho mình quá giầu có giữa
những người nghèo khổ, một cách nào đó là phạm một điều bất công. Vì bình
thường nếu không nhờ sự bất công - có thể là bất hợp pháp mà cũng có thể
hợp pháp, có thể bất hợp lý mà cũng có thể hợp lý - thì làm sao người ta có thể hơn nhau
quá nhiều như thế? Sự bất công đó có thể do từ thời cha ông hay tổ tiên để lại,
mà cũng có thể do cơ cấu xã hội chưa hoàn chỉnh tạo ra. Chẳng hạn bọn thực dân
đã tới chiếm đất một cách bất công ở các nước thuộc địa, rồi để lại cho con
cháu họ. Hàng con cháu đó được giàu có không phải vì chính họ đã làm gì bất
công, mà vì sự bất công ấy là do cha ông họ làm. Hay do cơ cấu xã hội không hợp
lý khiến có những người kiếm tiền quá dễ dàng và có những người kiếm tiền quá
khó khăn…
Nếu của cải
và lương thực trên thế giới được phân phối một cách tương đối đồng đều, bằng
cách người có nhiều chia sẻ cho người có ít, nước giàu chia sẻ cho nước nghèo,
thì không một ai trên thế giới này bị nghèo khổ và thiếu thốn.
4. Thực hành Nước Trời bằng sự chia sẻ như các
Kitô hữu đầu tiên
Theo cách chú
giải nêu trên, thì Đức Giêsu đã làm một «phép lạ» bằng cách rao giảng về Nước
Trời, rồi đề nghị mọi người thực hành Nước Trời ấy ngay tức khắc và tại chỗ, đó
là thực hành yêu thương và chia sẻ cho nhau. Nhờ đó, mọi người đều thấy ngay
tại chỗ hiệu quả tuyệt vời của việc thực hành ấy: không những ai cũng no đủ mà còn
dư dả nữa.
Việc thực
hành Nước Trời cách thực tế ấy đã được các Kitô hữu đầu tiên áp dụng thật sự
trong đời sống cộng đoàn của họ. Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả: «Tất cả các tín
hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy
tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu» (Cv 2,44-45). Kết quả của việc thực
hành Nước Trời như thế là: «Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất
cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân
các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu» (Cv
4,34-35). Chính vì họ thật sự thực hiện tinh thần yêu thương của Nước Trời ngay
trong đời sống của họ như thế, nên họ «được toàn dân thương mến. Và Chúa cho
cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (Cv 2,47).
Nhìn lại cách
sống đạo của người Kitô hữu ngày nay, ta thấy tinh thần chia sẻ của Nước Trời
thật hiếm hoi, ngay cả nơi những người rao giảng Tin Mừng về Nước Trời. Vì thế,
chúng ta cần xét lại cách sống Tin Mừng của chúng ta và sửa đổi lại cho đúng.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, trước khi lên đường chịu tử nạn để hy sinh mạng
sống cho toàn nhân loại, Đức Giêsu đã «cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn,
rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em;
anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”». Rồi Ngài «nâng chén và
nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em
hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”». Ngài yêu cầu chúng con hãy
làm như Ngài, là cũng hãy trở nên của ăn của uống cho tha nhân, bị hiến tế vì
tha nhân, cụ thể là hy sinh thì giờ, sức khỏe, tiền bạc, lương thực, vật chất…
cho những người sống bên cạnh mình, thật sự chia sẻ sự sống của mình cho họ.
Xin Cha giúp chúng con làm được như vậy.
Joan Nguyễn Chính Kết