LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

(Lu-ca 9: 11-17)

 

 

        Khác với trình thuật của thánh Mát-thêu và Mác-cô, bài Tin Mừng của thánh Lu-ca có sắc thái riêng biệt, kể lại phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều trong khung cảnh Người thi hành sứ vụ cứu thế:  “Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa” (Lc 9:11).  Lời mở đầu giới thiệu khung cảnh thực hiện phép lạ như thế sẽ giúp ta suy niệm về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, hay nói khác đi, qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa kêu gọi nhân loại đáp lại những gì Người muốn làm cho họ để tỏ ra lòng yêu thương vô điều kiện của Người.  Trong hành trình tiến về nhà Cha, qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa tiếp đón ta, nói cho ta biết về Nước Thiên Chúa, chữa lành ta, và nhất là nuôi dưỡng ta bằng lương thực thiêng liêng để ta đủ sức đi tới cùng.

 

a)  Cuộc hành trình về nhà Cha

 

        Hình ảnh đám dân chúng đi theo Chúa Giê-su quả là một hình ảnh đẹp.  Nó phản ảnh trung thực cộng đồng dân Chúa mọi thời mọi nơi.  Nhận xét của các tông đồ về đám dân chúng ấy nói lên thực trạng của những người theo Chúa.  Họ đang phải đối phó với những nhu cầu thiết thực, họ đói về thể chất cũng như thiêng liêng.  Tóm lại, đó là nhu cầu cho sự sống.  Chính Chúa Giê-su trong một dịp khác cũng cho ta một nhận xét thực tế về tình trạng của đám người theo Chúa.  Người nhìn họ “giống như bầy chiên không người chăn dắt.”  Mà những con chiên không được chăn dắt thì hẳn ta đã có thể mường tượng chúng như thế nào rồi.  Đó là những con chiên gầy gò ốm yếu, bệnh tật, không còn đủ sức để đi tới “đồng cỏ xanh tươi” hay “dòng suối nước trong” nữa.

        Hình ảnh ấy cũng là hình ảnh của mỗi người muốn đi theo Chúa nhưng lại không được dẫn dắt và chăm sóc.  Nó giúp ta xác tín rằng nếu không có Thánh Thể làm lương thực ban cho ta sức mạnh, ta sẽ chẳng khá hơn gì những con chiên ốm đói kia.  Ta có thể so sánh đám dân chúng trước khi Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều với đám dân chúng được no nê nhờ những thúng bánh Chúa ban cho họ, để dễ dàng nhận ra được hiệu quả của phép lạ do lòng thương xót của Chúa dành cho họ.  Bánh đã biến đổi cuộc sống của họ.  Họ không cần phải trở về nhà mình, nhưng tiếp tục đi theo Chúa.  Nhu cầu vật chất được xếp xuống hàng thứ yếu để cho nhu cầu thiêng liêng được ưu tiên.  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). 

Cuộc hành trình đức tin của ta đòi hỏi phải có sức mạnh mới có thể thực hiện.  Mà sức mạnh duy nhất là do chính Chúa Giê-su, Ngôi Lời trở nên người phàm, là “bánh Thiên Chúa ban, bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:33).  Hành trình đức tin của ta là sống mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su, vì chính Người đã diễn tả hành trình ấy như sau:  “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40).  Thánh Lu-ca đã cho ta thấy Chúa Giê-su sống mối quan hệ ấy qua ba hành động:  Người tiếp đón ta, nói cho ta biết về Nước Thiên Chúa và chữa lành ta khi ta cần được chữa lành.  Như thế, lúc nào ta cũng ở trong vòng tay ân cần của Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời từ miệng Người phán ra và được chữa lành khi ta bị thương tích.

Hiểu Bí tích Thánh Thể trong ý nghĩa sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su như vậy, ta sẽ thấy Thánh Thể mang chiều kích rộng rãi hơn, không chỉ đơn thuần là một Chúa Giê-su “giam mình” trong nhà tạm, nhưng là một Chúa Giê-su sống động đi vào cuộc đời ta, đồng hành với ta trong hành trình đức tin, dạy dỗ chỉ bảo và nắn đúc ta để ta nên giống như Người.  Hiểu như thế, ta sẽ mang những tâm tình mới mỗi khi rước lễ và sẽ luôn có những điều để nói với Chúa, để nghe Chúa nói, để sống mối quan hệ với Người và để tiếp tục hành trình cùng với Người đi về nhà Cha. 

 

b)  “Chính anh em hãy cho họ ăn”

 

        Truyền lệnh cho các môn đệ như thế, Chúa Giê-su mở ra cho ta một cái nhìn mới về Bí tích Thánh Thể.  Suy nghĩ về toàn thể kế hoạch cứu rỗi, ta nhận ra vai trò của Bí tích Thánh Thể không chỉ giới hạn nơi Chúa Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha trao ban cho nhân loại, nhưng chính nhân loại cũng được mời gọi dự phần vào việc cử hành Bí tích.  Chúa Giê-su đã nuôi dưỡng đám dân chúng đói khát thế nào, ta cũng phải chăm sóc anh chị em đói khát trong thế giới như vậy, đói khát thể chất cũng như đói khát tinh thần.  Chúa Giê-su đã hiến mình hy sinh làm lương thực cho nhân loại thế nào, ta cũng phải tích cực hy sinh làm lương thực tinh thần cho tha nhân như vậy.  Chúa Giê-su là Lời Chúa nuôi dưỡng cuộc sống Ki-tô hữu của ta, đến lượt ta cũng phải sống Lời Chúa trong cách đối xử với anh chị em.  Chúa Giê-su đã không để cho đám đông phải ra về bụng đói, thì ta cũng đừng để cho anh chị em cần ta giúp đỡ phải thất vọng.  Chúa Giê-su đã nói cho dân chúng biết về Nước Thiên Chúa, đến lượt ta hãy sống thế nào để anh chị em nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiển trị ở tại đây và trong lúc này.  Chúa Giê-su đã chữa lành những người cần được chữa lành, ta cũng sẽ có bao nhiêu anh chị em chung quanh cần một lời an ủi, một cử chỉ khích lệ nâng đỡ, một sự giúp đỡ thiết thực.  Có không biết bao nhiêu là cách để ta nuôi dưỡng tha nhân, đáp lại lệnh truyền của Chúa Giê-su “chính anh em hay cho họ ăn.”

        Lệnh truyền này còn đòi ta phải suy nghĩ và trả lời cho Chúa:  Có phải con đã trốn trách nhiệm, không muốn ý thức đây là điều chính con phải thi hành chứ không thể đổ thừa cho người khác không?  Con có coi đây là một vinh dự được tham dự vào chính sứ vụ cứu thế của Chúa không?

        Có thể ta sẽ lý sự với Chúa, giống như các tông đồ:  “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá.”  Nghĩa là ta không có khả năng, vật lực...  để giúp đỡ chăm sóc tha nhân!  Nhưng Chúa đâu kể những gì ta có, Người chỉ cần ta đầy thiện chí cộng tác với Người trong sứ vụ nuôi dưỡng thế giới.  Người là bánh ban sự sống, còn ta chỉ việc “dọn ra cho đám đông” và đừng lo thiếu bánh, vì bánh lúc nào cũng dư thừa.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Trong cộng đồng những người đi theo Chúa, tôi thuộc loại người nào?  Ốm đói hay được no đủ do Thánh Thể và Lời Chúa?  Thánh Thể có thực sự là cao điểm của quan hệ mật thiết giữa tôi với Chúa Giê-su không?

        Việc rước Thánh Thể có thực sự thay đổi lối sống của tôi không?  Hay chỉ là việc trình diễn, thói quen nhàm chán...?

        Mang Chúa Giê-su Thánh Thể trong mình, tôi có đem Chúa đến cho những người chung quanh không?  Chúa Giê-su muốn tôi làm gì cho anh chị em và tôi đã làm chưa?

 

Lời nguyện:

 

        Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

        Chúa đến với chúng con dưới dạng tấm bánh bình thường.

        Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.

        Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.

        Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,

        có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,

        và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

        Lạy Chúa Giê-su, có cái gì tương tự

        giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.

        Xin cho chúng con biết cách đến với con người hôm nay:

        đơn sơ, khiêm hạ,

        không chút vinh quang hay quyền lực.

        Nhờ ăn tấm bánh của Chúa, chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,

        được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

        Ước gì chúng con dám rước Chúa

        đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,

        để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.

        Và ước gì chúng con trở thành những Nhà Tạm di động,

        đem Chúa đến cho đồng bào

        và quê hương chúng con.  A-men.

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 106)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà