Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên
(27-6-2004)
Tinh thần từ bỏ của người
theo Chúa
ĐỌC LỜI CHÚA
· 1V
19,16b.19-21: (19) Ông Êlia đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình
lên người ông Êlisa. (20) Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Êlia
và nói: «Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông». Ông Êlia
trả lời: «Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu?» (21) Ông Êlisa bỏ ông
Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà,
rồi đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông.
· Gl
5,1.13-18: (1) Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải
thoát chúng ta. Vậy, anh em đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.
· TIN
MỪNG: Lc 9,51-62
Một làng miền
Samari không đón tiếp Đức Giêsu
(51)
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên
Giêrusalem. (52) Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào
một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. (53) Nhưng dân làng
không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. (54)
Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: «Thưa Thầy,
Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?» (55)
Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. (56) Rồi Thầy trò đi sang
làng khác.
Đức Giêsu đòi
hỏi môn đệ phải bỏ mọi sự
(57) Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ
thưa Người rằng: «Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo». (58)
Người trả lời: «Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ
tựa đầu». (59) Đức Giêsu nói với một người khác: «Anh hãy theo tôi!»
Người ấy thưa: «Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã». (60)
Đức Giêsu bảo: «Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo
Triều Đại Thiên Chúa». (61) Một người khác nữa lại nói: «Thưa Thầy,
tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã». (62)
Đức Giêsu bảo: «Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không
thích hợp với Nước Thiên Chúa».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Người Do Thái kỳ thị người Samari vì dân Samari là thứ dân lai tạp
không chỉ về chủng tộc mà còn về tôn giáo nữa. Đức Giêsu có kỳ thị dân Samari
không? Người Kitô hữu có nên có óc kỳ thị địa phương hay tôn giáo không? Tại
sao?
2. Đức Giêsu đòi hỏi người theo Ngài phải từ bỏ bản thân và mọi sự.
Nhưng từ bỏ cha mẹ là bất hiếu, từ bỏ mọi người thì là kẻ vô tình bạc nghĩa,
còn từ bỏ mọi sự thì lấy gì mà sống? Theo Chúa mà phải như vậy thì sống làm
sao?
3. Phải hiểu chữ «từ bỏ» trong bài Tin Mừng này theo nghĩa nào? Giữa từ
bỏ chính mình và từ bỏ những thứ khác, thứ từ bỏ nào quan trọng hơn? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu không có đầu óc kỳ
thị địa phương và tôn giáo
Năm 931 trước công nguyên, Nước Do Thái bị chia cắt
làm hai do hai vua cai trị: nước Israel (gồm vùng Galilê ở miền Bắc và Samari ở
miền Trung) và nước Giuđa ở miền Nam (vùng Giuđê). Đến năm 721, nước Assyri xâm
chiếm nước Israel, bắt một phần dân chúng đi lưu đày, và đưa các dân ngoại bang
đến định cư tại Samari (x. 2V 17,24-41). Vì thế, dân tại Samari trở thành một
dân tạp chủng, và tôn giáo của họ trở thành một thứ «hòa đồng tôn giáo». Do
quan niệm tôn giáo khác nhau và do tính bất bao dung tôn giáo, nên dân Do Thái
thuần chủng và dân Samari tạp chủng tẩy chay nhau, thù ghét nhau, tạo nên rất
nhiều căng thẳng. Dù sau đó đất nước đã thống nhất, nhưng người Do Thái khi đi
lại giữa Galilê và Giuđê thì thường đi vòng quanh thay vì đi xuyên qua vùng
Samari, vì họ không muốn giao thiệp với người Samari. Nhưng Đức Giêsu không có
đầu óc kỳ thị đó, Ngài sẵn sàng đi xuyên qua Samari. Trong bài Tin Mừng, ta
thấy Ngài sai vài môn đệ đi trước để chuẩn bị đến một làng ở Samari. Nhưng làng
ấy nặng đầu óc kỳ thị địa phương không chịu đón tiếp phái đoàn Do Thái này.
Điều này khiến các ông Giacôbê và Gioan nổi giận.
Qua bài Tin Mừng ta thấy: Đức Giêsu không có đầu óc
kỳ thị địa phương hoặc tôn giáo. Ngài chủ trương đến với mọi người, mọi dân
tộc, mọi vùng, chứ không riêng gì một vùng hay một hạng người nào. Điều này
đáng làm gương cho chúng ta. Hiện nay, trong Giáo Hội Việt Nam, tại nhiều vùng,
ta vẫn thấy có não trạng kỳ thị địa phương do chính sách chia để trị thời Pháp
thuộc để lại. Nhiều giáo phận hay giáo xứ không chấp nhận giám mục hay linh mục
không phải là người địa phương của mình đến cai quản. Họ cố tranh đấu để giám
mục hay cha xứ của mình phải là người thuộc địa phương của mình. Chẳng hạn giáo
phận hay giáo xứ người Bắc thì đòi giám mục hay cha xứ cũng phải là người Bắc;
giáo phận hay giáo xứ người Nam thì đòi giám mục hay cha xứ cũng phải là người
Nam. Trong các chủng viện hay tu viện, chủng sinh hay đệ tử người địa phương
bao giờ cũng được ưu đãi hơn người đến từ địa phương khác. Trong gia đình,
nhiều cha mẹ không chấp nhận cho con mình lập gia đình với người thuộc địa
phương khác, và đối xử với những con dâu hay con rể khác địa phương với mình
một cách kỳ thị rõ rệt.
Ngày xưa, Giáo Hội Việt Nam đâu có đầu óc kỳ thị
như vậy: Giám mục Nguyễn Bá Tòng và Hồ Ngọc Cẩn đều là người Nam nhưng lại ra
miền Bắc cai quản giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu. Cách đây khoảng 3 thập niên,
giám mục Nguyễn Kim Điền là người Vĩnh Long nhưng lại làm Tổng Giám mục giáo
phận Huế một cách rất tốt đẹp. Sự kỳ thị địa phương trong Giáo Hội quả là một
thứ rối đạo trong thực hành, đi ngược lại tinh thần yêu thương và đại đồng của
Đức Giêsu.
2. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ bản
thân và mọi sự
Bài Tin Mừng cho biết, khi về Giêrusalem lần này,
Đức Giêsu biết trước Ngài sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ và cuối cùng phải chết
một cách nhục nhã, thê thảm. Nhưng Ngài vẫn nhất quyết lên đường theo tiếng gọi
của Cha Ngài. Đức Giêsu đã đi theo tiếng gọi của Chúa Cha một cách dứt khoát,
đầy tự nguyện và mau mắn như thế đấy, đó cũng là thái độ của Ngài suốt cả cuộc
đời đối với lời mời gọi của Chúa Cha. Ngài đã từ bỏ bản thân, kể cả mạng sống
mình, một cách thật trọn vẹn.
Việc đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa đòi hỏi ta
phải từ bỏ chính bản thân, tức «cái tôi» (cá nhân cũng như tập thể) mà ta hằng
yêu quí nhất, và tất cả mọi người mọi sự khác, cho dù ta yêu quí đến đâu. Tuy
nhiên, hai chữ «từ bỏ» ở đây không nên hiểu theo nghĩa đen, vì từ bỏ bản thân
sẽ dẫn đến cái chết, từ bỏ cha mẹ sẽ thành bất hiếu, và từ bỏ mọi người thân
của mình sẽ mang tiếng vô tình bạc nghĩa. Thiên Chúa muốn chúng ta phải biết
tôn trọng bản thân (như điều răn thứ 5 đòi hỏi phải biết tôn trọng, bảo vệ mạng
sống và sức khỏe của chính mình) và yêu thương quí mến tất cả mọi người, nhất
là cha mẹ cùng những người thân yêu nhất của mình (như điều răn thứ 4 đòi hỏi
phải thảo kính cha mẹ, đối xử tình nghĩa với người thân). «Từ bỏ» ở đây chỉ có
nghĩa là không bao giờ dành ưu tiên cho những đối tượng đó hơn Thiên Chúa,
không bao giờ đặt nặng những nhu cầu hay mệnh lệnh của những đối tượng đó hơn
nhu cầu hay mệnh lệnh của Thiên Chúa.
Khi đã dành ưu tiên cho Thiên Chúa hơn tất cả mọi
người mọi sự, và đặt nhu cầu và mệnh lệnh của Thiên Chúa trên tất cả mọi nhu
cầu hay mệnh lệnh khác, kể cả nhu cầu của chính bản thân mình, thì ta sẽ sẵn
sàng làm mọi sự để lo cho nhu cầu và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Nhưng điều cản
trở ta nhất khiến ta không thể dành ưu tiên như thế cho Thiên Chúa, chính là bản
thân ta, với những nhu cầu và ham muốn của ta. Nhu cầu và ham muốn của ta là
danh vọng, quyền lực, tiền bạc, lợi lộc và các thứ thú vui đủ kiểu. Khi ta gắn
bó với bản thân ta, với những nhu cầu và ham muốn của ta, ta sẽ dễ dành ưu tiên
cho chúng hơn chính Thiên Chúa và những nhu cầu hay mệnh lệnh của Ngài.
Tuy nhiên, khi đã quyết định từ bỏ bản thân và mọi
sự để theo Chúa, ta có thể trở nên khôn khéo kiểu thế gian, biết tìm cách thỏa
hiệp hay tương nhượng giữa nhu cầu, ham muốn của mình với nhu cầu, mệnh lệnh
của Ngài, để cả đôi bên cùng có lợi. Khôn khéo hơn nữa, ta còn biết nhân danh
Thiên Chúa, nhân danh những nhu cầu và mệnh lệnh Thiên Chúa để đề cao bản thân
mình, để thực hiện một cách tế nhị những nhu cầu hay ham muốn của mình, để
thăng tiến bản thân trong Giáo Hội cũng như xã hội. Đó chính là «dùng đạo tạo
đời», lợi dụng tôn giáo, niềm tin tôn giáo của mọi người để tạo thế lực, quyền
bính và tiền bạc. Khôn khéo như thế thì trên danh nghĩa, ta vẫn có vẻ làm lợi
cho Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, ta đang làm suy đồi Giáo Hội của Ngài.
Do đó, Đức Giêsu yêu cầu những người
theo Ngài phải từ bỏ mình bằng cách sống cuộc đời siêu thoát, không gắn bó với
những nhu cầu thể chất của bản thân, nghĩa là sống đơn sơ trong nơi ăn chốn ở,
trong cách ăn mặc, trong những nhu cầu cá nhân. Khi đã chấp nhận sống đơn sơ
như vậy, người theo Chúa sẽ dễ dàng từ bỏ những nhu cầu khác như danh vọng,
quyền bính, tiền bạc, và những thú vui trần tục. Có như vậy họ mới dành đủ thì
giờ và đầu óc để ưu tiên lo cho Ngài và những nhu cầu của Ngài hay của Nước
Trời.
Vì thế, khi có người tỏ ý muốn theo Ngài, Ngài cho
biết cuộc đời theo Ngài phải là: «Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con
Người không có chỗ tựa đầu». Ngài cũng đòi hỏi kẻ theo Ngài phải dành sự ưu
tiên cho những nhu cầu của Ngài hay của Nước Trời hơn tất cả mọi nhu cầu khác:
«Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại
Thiên Chúa». Nếu không thực hiện được như vậy thì không xứng làm môn đệ của
Ngài, không đáng làm người loan báo Tin Mừng của Ngài: «Ai đã tra tay cầm cày
mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa».
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con đã quyết từ bỏ mọi sự để
theo Cha và theo Đức Giêsu. Nhưng khi mang danh là người từ bỏ mọi sự, thì con
lại được thế gian bù lại cho con những thứ khác nhiều gấp bội: danh vọng, quyền
lực, tiền bạc và cả những thú vui trần tục nữa. Nếu không thường xuyên phản
tỉnh thì con lại vô tình bám víu vào những thứ ấy một cách mạnh mẽ hơn trước mà
vẫn cứ tưởng mình đã từ bỏ mọi sự. Nhiều khi con còn lợi dụng được cả danh
tiếng «theo Chúa» để đạt được những thứ lợi lộc ấy nhiều hơn nữa. Để rồi cuối
cùng con bám víu vào những thực tại trần gian này còn hơn cả những người không
mang danh theo Chúa nữa. Xin hãy giúp con thường xuyên phản tỉnh để lập lại
quyết tâm từ bỏ mỗi ngày, hầu việc theo Chúa của con trở thành đích thực và làm
lợi cho Nước Chúa nhiều hơn.
Joan Nguyễn Chính Kết