Chúa Nhật 13 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Ga-lát 5: 1,13-18

        Phụng vụ Lời Chúa sử dụng thư Ga-lát cho sáu tuần lễ năm C, trích dẫn tuy ngắn, nhưng nói lên được tất cả nội dung của thư. Thư gửi tín hữu Ga-lát có tầm quan trọng trong lịch sử Giáo Hội là vì giáo lý về sự công chính hóa nhờ đức tin. Những gì thánh Phao-lô nói trong thư Ga-lát về công chính hóa thì khó nhận ra, bởi ngài không chủ ý viết một tiểu luận về đề tài ấy, mà chỉ gián tiếp đề cập đến khi ngài viết để trả lời những kẻ chống đối và nêu vấn đề ngài có thực sự là tông đồ và có sứ mệnh truyền giáo cho Dân ngoại hay không. Do đó, thư chứa đựng một văn phong đầy lý luận sắc bén và bút chiến. Để thấy rõ hơn chỗ đứng của chủ đề hôm nay, chúng ta nhìn lại những chủ đề của các đoạn được sử dụng trong sáu Chúa Nhật.

Chúa Nhật 9 quanh năm (Gl 1:1-2,6-10): Chức vụ tông đồ và sứ mệnh của Phao-lô là do Thiên Chúa và Đức Ki-tô.

Chúa Nhật 10 quanh năm (Gl 1:11-19): Ơn gọi và Tin Mừng.

Chúa Nhật 11 quanh năm (Gl 2:16,19-21): Được công chính hóa nhờ đức tin.

Chúa Nhật 12 quanh năm (Gl 3:26-29): Hiệp nhất trong Đức Ki-tô.

Chúa Nhật 13 quanh năm (Gl 5:1,13-18): Sống tự do, có trách nhiệm và theo Thần Khí.

Chúa Nhật 14 quanh năm (Gl 6:14-18): Thập giá Chúa Ki-tô và thụ tạo mới.

Trong Chúa Nhật 11 và 12, thư Ga-lát đã đề cập tới công chính hóa không tùy thuộc việc giữ luật, mà là do tin vào Đức Ki-tô, nguyên lý hiệp nhất muôn loài muôn vật. Nhưng vấn đề là nếu Ki-tô hữu không tùy thuộc vào luật lệ nữa thì làm sao họ sống đời luân lý đạo đức? Chẳng lẽ Phao-lô "vẽ đường cho hươu chạy", bảo Ki-tô hữu sống tự do phóng túng hay sao? Ý thức nguy hiểm này, Phao-lô nói đến vấn đề đời sống luân lý trong những chương sau cùng của thư Ga-lát.

Trước khi đi vào luận lý của thánh Phao-lô, chúng ta lưu ý điều này: dù bài đọc chỉ trích dẫn câu 1, 13-18 để nói lên chủ đề, nhưng cần đọc cả những câu trước và sau đó để theo sát được diễn tiến tư tưởng của ngài. Vậy lý luận của thánh Phao-lô có thể tóm kết như sau.

Đức Ki-tô đã chết và sống lại là để chúng ta sống đời sống mới, tức là sống tự do như con cái Chúa. Nhưng thế nào là tự do? Trả lời vấn nạn này chính là chủ điểm thánh Phao-lô muốn bàn tới. Mặc dù những kẻ được công chính hóa không còn phải sống dưới chế độ Lề Luật nữa, nhưng họ vẫn phải làm trọn Lề Luật nhờ sống giới răn yêu thương và nhờ sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Hoặc hiểu ý nghĩa tự do như thánh Augustino hiểu, thì "cứ sống yêu thương đi, rồi muốn làm gì thì làm." Nếu có Thần Khí ở trong họ thì Thần Khí sẽ nảy sinh hoa quả là "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (5:23). Đối nghịch với Thần Khí là quyền lực của tính xác thịt, một sức mạnh luân lý sinh ra những điều vô luân và bất hòa gây tổn thương cho đời sống cộng đoàn (xem 5:19-21). Sau khi phân tích rõ ràng như thế, thánh Phao-lô mới khuyến khích anh chị em tân tòng Ga-lát hãy sống theo Thần Khí (5:16), hãy để cho Thần Khí hướng dẫn (5:18) và hãy sống nhờ Thần Khí (5:25). Nếu họ làm như vậy, thì Thần Khí mới sinh hoa quả nơi họ và họ sẽ chu toàn luật Đức Ki-tô (6:2). Rõ ràng ở đây thánh Phao-lô muốn họ hãy sống Lề Luật như Đức Ki-tô đã sống, tức là sống giới răn yêu thương.

Sự công chính hóa do đức tin phải nảy sinh những việc làm tốt (xem 6:9). Người được công chính hóa được tự do, nhưng tự do không phải cái giấy phép muốn làm gì tùy ý. Ý thức quyền lực của tính xác thịt, thánh Phao-lô dặn dò anh chị em tân tòng đừng để cho tự do của họ biến thành cơ hội cho quyền lực ấy thắng họ. Được giải thoát khỏi Lề Luật là để họ được ràng buộc với nhau trong yêu thương. Phao-lô mong mỏi những người được công chính hóa sẽ sống đời đạo đức và ngài tin tưởng họ sẽ làm được nếu họ để cho Thánh Thần hướng dẫn.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Những người bảo vệ Do-thái giáo thời các tông đồ luôn bênh vực việc giữ Lề Luật Mô-sê khiến cho anh chị em Ki-tô tân tòng nhiều khi nản lòng. Nhưng họ đã được Phao-lô nhiệt tâm bênh vực và cổ võ sống đời tự do (giải thoát khỏi Lề Luật) để yêu thương và chu toàn luật Tin Mừng. Vậy tôi có ý thức rằng việc bênh vực và cổ võ này cũng là cho tôi không? Nếu có, thì tôi đã sống đời tự do của người môn đệ Đức Ki-tô như thế nào?

        Khi làm phút hồi tâm mỗi ngày, tôi có căn cứ vào những hoa quả của Thánh Thần để nhận ra những ân sủng Chúa ban cho tôi trong ngày không? Hoa quả nào tôi thấy rõ nhất?

        Tôi nhận ra những việc nào do tính xác thịt nơi tôi, khiến tôi sống trái ngược với Thần Khí?

        Tự do là đặc tính của con cái Thiên Chúa. Còn Lề Luật là ách nặng cho kẻ sống theo Luật. Tình yêu của Chúa Ki-tô giải thoát chúng ta. Những khẳng định này giúp tôi hiểu tự do như thế nào?

        "Đức tin hành động nhờ đức ái" (5:6). Vậy đức tin của tôi hành động nhờ điều gì?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Hồng ân Chúa" (Amazing Grace), (Ca nguyện Linh Thao 74).

Lm. Trần Đình Nhi

       


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà