CHỦ NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
(8-7-01)
Đọc Lời Chúa
· Is
66,10-14c: (12) Đức Chúa phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống
Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về
tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng aüm bên
hông, nâng niu trên đầu gối. (13) Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ
an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về
· Gl
6,14-18: (14) Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì,
ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã
bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. (15) Quả
thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một
thụ tạo mới
· TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
Đức Giê-su sai bảy mươi
hai môn đệ đi rao giảng (// Mat 11, 20-24)
(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và
sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà
chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông:
Lúa chín đầy đồng mà thợ
gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh
em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4)
Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc
đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà
này! (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em
sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. (7)
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức
đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8)
Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người
ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và
nói với họ: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông. (10) Nhưng vào
bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà
nói: (11) Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng
tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần. (12) Thầy nói cho anh em hay: trong ngày
ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.
Hãy mừng vì tên anh em
được ghi trên trời
(17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: Thưa Thầy,
nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. (18) Đức
Giê-su bảo các ông: Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19)
Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi
thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên,
anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh
em đã được ghi trên trời.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý:
1. Ngoài
12 tông đồ, còn có 72 môn đệ được Đức Giê-su sai đi tiếp nối sứ mạng của Ngài.
72 môn đệ đó tượng trưng cho ơn gọi nào trong Giáo Hội?
2. Tình
hình nhân sự trong việc tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su trên thế giới hay trong
xã hội chúng ta đang sống như thế nào? Khi ý thức điều ấy, bạn có nghe thấy Đức
Giê-su mời gọi bạn làm gì không?
3. Để làm
tông đồ, tức tiếp tục công việc cứu thế của Đức Giê-su, chúng ta phải làm gì?
Chúng ta đã làm gì? Có gì cần sửa chữa trong quan niệm của chúng ta?
Suy tư gợi ý:
1. Ơn gọi làm tông đồ giáo dân
Ngoài số 12 môn đệ được Đức Giê-su huấn luyện đặc
biệt để sau này tiếp nối sứ mạng của Ngài, Tin Mừng Luca còn nói tới số 72 môn
đệ được Ngài sai đi. Người ta thường ví ơn gọi của 12 môn đệ với ơn gọi tông đồ
của hàng giáo phẩm và giáo sĩ, là những người thường được huấn luyện đặc biệt
có trường lớp để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su. Và ví ơn gọi của 72
môn đệ với ơn gọi tông đồ của giáo dân, là những người được huấn luyện ở trình
độ phổ thông để làm tông đồ.
Đấy cũng là một cách hiểu khá hợp lý. Thực ra, bất
kỳ người Ki-tô hữu nào một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, đều
được Đức Giê-su mời gọi tiếp tục sứ mạng của Ngài là cứu độ nhân loại. Vì thế,
việc cứu độ nhân loại không phải là công việc dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà
là nhiệm vụ của bất kỳ người Ki-tô hữu nào, dù là giáo dân, đạo gốc hay tân
tòng. Bài Tin Mừng hôm nay là một dịp nhắc nhở người giáo dân nhiệm vụ tông đồ
hay cứu thế của mình. Đặc biệt những Ki-tô hữu đã có từng được đào tạo để làm
tông đồ trong các chủng viện hay tu viện, mà nay lại đứng trong hàng ngũ giáo
dân. Những người này thường được Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt hơn những giáo dân
khác.
2. Sứ mạng của Đức Giê-su còn bao nhiêu việc
phải làm
Hễ nói tới câu Tin Mừng Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai
thợ ra gặt lúa về, chúng ta thường nghĩ ngay tới cánh đồng truyền giáo,
làm như Giáo Hội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là truyền giáo. Thực ra, Đức
Giê-su đến là để cứu chuộc nhân loại, mà trong đó việc truyền giáo hay loan báo
Tin Mừng chỉ là một phần, và chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích cứu thế
của Đức Giê-su. Nhiều khi người Ki-tô hữu quá quan tâm đến phương tiện này mà
quên đi mục đích của nó, nghĩa là lấy chính việc loan báo Tin Mừng làm mục đích
của việc tông đồ. Mục đích của Giáo Hội cũng như của Đức Giê-su không phải là
loan báo Tin Mừng, mà là cứu nhân loại, không chỉ đời sau mà còn cả đời này
nữa. Cứu nhân loại là làm cho nhân loại hay con người thoát khổ và hạnh phúc
hơn. Loan báo Tin Mừng chỉ một trong những phương tiện phải làm để đạt được mục
đích cứu độ đó.
Ý thức lại vấn đề như vậy, chúng ta thử tự hỏi:
chúng ta đã quan tâm tới vấn đề cứu độ con người như Đức Giê-su chưa? Một cách
cụ thể, chúng ta đã làm gì để những người chung quanh ta bớt đau khổ và hạnh
phúc hơn? Sự hiện diện của ta, với tư cách người Ki-tô hữu hay tập thể Ki-tô
hữu, có làm cho gia đình ta, những người chung quanh ta, xã hội ta đang sống
bớt khổ đau và hạnh phúc hơn không?
Thế giới và xã hội con người hiện nay còn biết bao
tội lỗi, đau khổ, bất công. Sứ mạng cứu thế của Đức Giê-su chưa thực hiện được
bao nhiêu, và còn biết bao việc phải làm. Nhưng có được bao người muốn dấn thân
tiếp nối sứ mạng của Ngài? Việc thì nhiều mà nhân sự thì ít. Người Ki-tô hữu,
dù là giáo dân hay giáo sĩ, có nghe thấy lời mời gọi tha thiết của Ngài không?
Và nếu muốn tiếp tục sứ mạng của Ngài, chúng ta phải làm gì?
3. Trình tự những việc phải làm của người môn
đệ Đức Giê-su
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su sai 72 môn
đệ đi. Hãy coi lại xem Ngài truyền bảo họ những gì. Có những điều chính yếu
được xếp theo trình tự thời gian mà cũng có thể là theo thứ tự quan trọng như
sau:
1. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép:
ý nói đừng quá lo toan về những nhu cầu vật chất, mà hãy chú tâm vào sứ mạng
của mình. Việc này được đề cập đến đầu tiên, ắt nhiên là một điều rất quan
trọng. Muốn cứu rỗi người khác mà lại quan tâm đến những nhu cầu vật chất của
mình, vốn đòi hỏi rất nhiều tâm trí và năng lực của mình, thì còn đâu tâm trí
và năng lực để cứu rỗi người khác?
2. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường: ý
nói sứ mạng khẩn cấp, cần tập trung thì giờ và năng lực vào sứ mạng của mình.
Ngoài nhu cầu vật chất, còn những nhu cầu cá nhân khác, cũng cần phải dẹp bớt
để tập trung thì giờ và năng lực vào việc cứu rỗi con người.
3. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói:
"Bình an cho nhà này!": ý nói phải quan tâm tới sự bình an,
thoải mái cho người mình gặp. Sự bình an, không phải sống trong lo âu, sợ sệt.
về tinh thần cũng như thể chất là điều mà người môn đệ Chúa cần phải quan tâm
thực hiện đầu tiên cho mọi người mình được sai đến. Đây là nhu cầu căn bản và
cần thiết nhất của mọi người sống trong trần thế.
4. Hãy chữa những người đau yếu trong thành:
ý nói hãy quan tâm đến đau khổ và hạnh phúc của mọi người, và cứu giúp họ trong
khả năng của mình. Người môn đệ của Chúa cần phải quan tâm đến những nhu cầu
hết sức cụ thể của con người. Phải cảm thông với niềm vui nỗi buồn, với hạnh
phúc và đau khổ của mọi người, đồng thời phải cứu khổ và tạo điều kiện hạnh
phúc cho họ một cách hữu hiệu.
5. Và sau
cùng mới là nói với họ: "Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông": ý nói là phải loan báo Tin Mừng
cho họ, tức nói với họ về Thiên Chúa, về nhu cầu tâm linh, về những gì thiêng
liêng.
Ta thấy trình tự trên thật là hợp lý. Người chung
quanh ta có được ta quan tâm tạo bình yên và thoải mái cho họ, thì họ mới dám
đặt niềm tin tưởng vào ta, và mới có điều kiện thoải mái để nghe ta nói những
chuyện xem ra có vẻ ít thực tế hơn đối với đời sống của họ. Thế mà rất nhiều
khi người Ki-tô hữu lại làm ngược lại trình tự mà Đức Giê-su đã đề nghị. Chúng
ta lo loan báo Tin Mừng trước, và coi những việc đáng quan tâm hàng đầu kia vào
hàng thứ yếu. Chính vì thế mà việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trở thành
thiếu thực tế, kém hữu hiệu, nên không được đón nhận bao nhiêu từ nhiều thập kỷ
nay tại Châu Á. Do đó, chúng ta cần phải sửa lại quan niệm về cách làm tông đồ
của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Công Đồng Vatican II nhắc nhở người Ki-tô
hữu phải nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường
mình sống nên tốt đẹp hơn một cách hữu hiệu. Xin giúp con xét lại xem sự hiện
diện của con đã biến cải môi trường con sống tới mức độ nào? Có làm cho những
nơi mà con hiện diện tốt đẹp và hạnh phúc hơn không? Xin cho con biết quan tâm
sống tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương trước đã, trước khi loan báo nó
ra để người khác cùng sống theo. Xin giúp con biết yêu thương để quan tâm tới
đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh con, và biến con trở nên một
đấng cứu thế nho nhỏ trong môi trường nhỏ bé con đang sống, là gia đình con, là
môi trường nghề nghiệp của con, khu xóm của con, v.v. Amen.
(Joan Nguyễn Chính Kết)