Chúa Nhật thứ 14 Thường Niên

(4-7-2004)

Tinh thần người tông đồ

ĐỌC LỜI CHÚA

·  Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù

·  Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.

 

·  TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20

Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi giảng

(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông:

«Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: «Bình an cho nhà này!» (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông». (10) Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: (11) «Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần». (12) Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó».

«Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời»

(17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: «Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con». (18) Đức Giêsu bảo các ông: «Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19) Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. 72 người được Đức Giêsu sai đi trong bài Tin Mừng khác với nhóm 12 ở chỗ nào? Họ có phải là tông đồ không? tông đồ theo nghĩa nào?

2. Điều quan trọng để trở thành tông đồ đích thực là tinh thần tông đồ hay là danh hiệu tông đồ?

3.  Những hành trang nào là thật sự cần thiết cho người tông đồ? Những hành trang ấy thuộc lãnh vực tinh thần hay vật chất?

Suy tư gợi ý:

1. 72 người được sai đi là những tông đồ không chính thức

Bài Tin Mừng cho thấy ngoài 12 tông đồ là những người chính thức được Chúa chọn với chức danh tông đồ chính thức, Ngài còn sai 72 người – tức 36 cặp – đến các thành, các nơi mà Ngài sẽ đến để chuẩn bị cho Ngài. 72 người này chỉ được nói tới hai lần, duy nhất ở đoạn 10 của Tin Mừng Luca mà thôi. Họ là những tông đồ không chính thức như nhóm 12, nhưng vẫn có thể là những tông đồ đích thực. Phải chăng ơn gọi của 72 người này biểu trưng cho ơn gọi tông đồ giáo dân?

Làm tông đồ là bổn phận của mọi Kitô hữu không trừ ai, chứ không phải là bổn phận riêng biệt của các linh mục hay tu sĩ. Mọi Kitô hữu đều được Đức Giêsu sai đi làm tông đồ khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức, và nhất là khi họ cảm thấy tiếng Chúa thôi thúc trong tâm hồn, mời gọi họ làm tông đồ của Ngài. Điều quan trọng để làm tông đồ đích thực là phải có tâm hồn tông đồ chứ không phải chỉ có danh hiệu tông đồ, vì «chiếc áo không làm nên thầy tu». Nghĩa là chính tâm hồn tông đồ làm cho người ta thành tông đồ đích thực chứ không nhất thiết phải là người có chức thánh. Tâm hồn tông đồ chính là lòng yêu thương các linh hồn khiến ta sẵn sàng hy sinh mọi sự cho hạnh phúc vĩnh cửu của mọi người. Người không yêu thương và không sẵn sàng hy sinh cho phần rỗi các linh hồn, thì dù có chức thánh, có là linh mục hay giám mục, thì cũng không phải là những tông đồ đích thực (x. Rm 2,25-29).

2. «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít»

Nhìn vào nhu cầu loan báo Tin Mừng cho thế giới, Đức Giêsu nhận thấy số người đi loan báo so với số người cần được loan báo quả thật quá ít. Vì thế, điều Ngài yêu cầu là «hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về». Nghĩa là Ngài yêu cầu ta hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho số thợ gặt đông lên. Điều lý thú ở đây là Ngài chưa yêu cầu chúng ta làm tông đồ, mà hãy cầu nguyện cho có nhiều tông đồ đã. Khi cầu nguyện như thế, ắt những người cầu nguyện ấy sẽ có nhiều người được ơn Chúa thôi thúc để sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho công việc tông đồ.

Thông thường, nói tới việc xin Chúa ban thêm nhiều tông đồ, người Kitô hữu thường nghĩ ngay đến việc xin Chúa ban thêm nhiều linh mục. Thật ra, làm tông đồ không nhất thiết cứ phải là linh mục. Và cũng không phải hễ cứ là linh mục thì sẽ là tông đồ đích thực. Điều chúng ta phải cầu xin là xin Chúa ban cho có những tông đồ đích thực, nghĩa là những «thợ gặt» lành nghề, chịu khó, có tinh thần và lương tâm tông đồ, chứ không phải là những «thợ gặt» lười biếng, thích «chém vè», hưởng thụ, thích ăn trên ngồi trốc, thích được phục vụ hơn là dấn thân phục vụ. Thỉnh thoảng chúng ta hãy để ý nghe trong thâm cung lòng mình xem có khi nào Chúa mời gọi ta làm tông đồ trong môi trường mình sống không? Cho dù chúng ta là giáo dân hay linh mục, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta làm tông đồ đích thực của Ngài. Một tông đồ đích thực, dù là giáo dân, vẫn rất ích lợi cho Thiên Chúa và Nước Trời của Ngài.

3.  «Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói»

Làm tông đồ là phải chấp nhận bị nguy hiểm, bị bạc đãi, bị lâm cảnh «chiên con đi vào giữa bầy sói». Thời Đức Giêsu, sói ở đây có thể là người đồng đạo với mình, có thể là những tư tế, luật sĩ, kinh sư, là những người không thích nghe sự thật, không thích nghe những điều khác hơn những điều họ đã tin, đã biết, nhất là ghét nghe những gì đi ngược lại quyền lợi của họ. Cho dù họ mang danh là theo đạo Chúa, nhưng một khi đã không chấp nhận điều ta rao giảng, họ có thể kết án ta là phản đạo, và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn có thể rất độc ác để loại trừ ta, cho dù miệng họ vẫn luôn nhiệt thành rao giảng về tình yêu. Chính Đức Giêsu và các tông đồ đã từng là nạn nhân của các tư tế, luật sĩ, kinh sư thời ấy, đến nỗi các Ngài hầu hết đã bị họ giết một cách rất thê thảm.

Số phận của những tông đồ đích thực là như thế. Đức Giêsu đã báo trước số phận của những tông đồ đích thực: «Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em» (Ga 15,20). Chính việc bị bách hại ấy chứng tỏ được ai là tông đồ hay ngôn sứ đích thực: «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,22-23). Trái lại, khi ta được mọi người ưu đãi, thì hãy coi chừng, vì Đức Giêsu đã từng nói: «Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,26).

4.  «Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép», hãy trang bị những thứ cần thiết hơn

Đức Giêsu không muốn người làm tông đồ trang bị cho mình quá nhiều vật dụng không cần thiết.  Khi làm tông đồ, nhiều người nghĩ rằng phải trang bị cho mình thật nhiều những phương tiện cụ thể. Họ nghĩ: nhờ những phương tiện ấy, việc tông đồ của mình sẽ thuận lợi: vừa đỡ mệt vừa có hiệu quả cao. Chẳng hạn như xe cộ để di chuyển; điện thoại, máy vi tính, internet để thông tin liên lạc, để tìm tài liệu; sách vở, tài liệu, v.v… Thực ra, hành trang vật chất này không quan trọng và cần thiết bằng hành trang tinh thần. Người tông đồ nào đặt quá nặng hành trang vật chất chứng tỏ họ chưa có đủ hành trang tinh thần mà Đức Giêsu đòi hỏi người tông đồ phải có.

Theo Tin Mừng, ta thấy hành trang mà Đức Giêsu đòi hỏi là:

– Lòng yêu mến Thiên Chúa: Khi trao sứ mạng chăn chiên cho Phêrô, Đức Giêsu đã cẩn thận hỏi Phêrô đến ba lần: «Này Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy (hơn các anh em này) không?» (x. Ga 21,15-17).

– Tình yêu thương tha nhân: Theo quan niệm Đức Giêsu, tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện thành tình yêu thương những người mà ta gặp trên đường đời, đặc biệt những người gần gũi với ta nhất, những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị áp bức bất công, không trừ một ai, kể cả những người thù nghịch hay cố tình làm hại ta.

Không có hai thứ tình yêu trên, người tông đồ không phải là tông đồ đích thực, vì họ không thể có động lực trong sáng để làm tông đồ.

– Đức tin mạnh mẽ nơi tình yêu, nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa: Có tin như thế, ta mới có cảm nghiệm đích thực về Thiên Chúa. Có cảm nghiệm về Thiên Chúa, ta mới đủ xác tín vào những lời rao giảng của mình. Và lời rao giảng của ta phát xuất từ cảm nghiệm của bản thân chứ không phải từ những kiến thức ta học được hay nghe được của người khác.

– Tinh thần quên mình, từ bỏ mình, sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì tình yêu: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo» (Lc 9,23). Có quên mình thì mới có thể yêu thương được; có sẵn sàng chấp nhận khó khăn và đau khổ mới có thể hy sinh cho tha nhân để thể hiện tình yêu ấy.

– Tinh thần cầu nguyện, kết hiệp với Thiên Chúa: Ta không thể yêu thương, không thể có sức mạnh để cảm hóa… nếu không kết hiệp với Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương và sức mạnh. Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5b). Nhưng với Thiên Chúa, ta sẽ làm được tất cả: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự» (Pl 4,13), vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37).

– Sau cùng mới là sự hiểu biết thông thái về Thiên Chúa, những kiến thức thần học, sức khỏe tâm lý và thể lý, cùng những phương tiện vật chất. Hãy xem linh mục Gioan Vianney, cha sở họ Ars, tuy rất kém về mặt thông thái, về kiến thức thần học, và có rất ít những phương tiện vật chất, nhưng lại là một tông đồ nổi tiếng về khả năng cải hóa các tâm hồn. Tại sao? Vì ngài có đầy đủ những hành trang tinh thần cần thiết mà Đức Giêsu đòi hỏi người tông đồ phải có.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin Cha ban cho nhân loại thật nhiều tông đồ đích thực, thiện nghệ, có tình yêu thật sự đối với Thiên Chúa và tha nhân, để họ dám hy sinh cho vinh quang của Cha và hạnh phúc của mọi người. Nhờ đó, Nước của Cha sẽ được thực hiện ngay trên trần gian này.                                                                         

(JK)


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà