CHÚA
NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc
10, 1-12.17-20
LẮNG
NGHE, SỐNG VÀ THỰC THI LỜI CHÚA DẠY
Linh
mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Sống trong một thời đại mà con người thường dùng tiền, của cải vật chất
để đo lường mọi sự, để tính lợi thiệt hơn thua, lời Chúa nói trong Tin Mừng của
thánh Luca:’ đừng mang ví tiền, giầy dép, bao bị… đừng chào hỏi ai dọc đường”
xem ra thực chói tai, gai mắt quá. Chúa muốn các môn đệ của Ngài phải hành động
thế nào đây khi Ngài nói:” Đừng mang theo túi tiền”. Người môn đệ Chúa có nghe
văng vẳng bên tai lời nói buồn cười, nhưng hết sức thực tế của thế gian:” Tiền
là Tiên, là Phật. Tiền làm nổi bật cuộc đời. Tiền là cái đà danh vọng”. Để rao
giảng Tin Mừng, để hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó, người môn đệ chỉ cần có
nhiệt tình phục vụ và hiểu rõ rằng mình được Chúa sai đến nơi Ngài muốn và Chúa
biết mình cần gì và Chúa muốn cái gì nơi mình.
CHÚA MUỐN GÌ NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ: Những điều Chúa nói:” Đừng mang tiền, giầy dép,
bao bị…đừng chào hỏi ai dọc đường” xem ra có vẻ lý thuyết, và lơ lửng trên mây,
trên trời, nhưng quả thực nó lại rất hợp với người tông đồ khi họ có tấm lòng
nhiệt tình, thiện chí và đức tin son sắt, phó thác nơi Chúa. Chúa Giêsu nhắc
nhở cho các môn đệ phải có tinh thần nghèo khó đích thực. Sự từ bỏ, khước từ
mọi của cải vật chất, những tiện nghi ở đời là chọn lựa của Chúa Giêsu và cũng
phải là sự lựa chọn của các tông đồ. Chúa Giêsu đã sinh ra trong nghèo khó, lớn
lên trong cảnh khó nghèo, chấp nhận cuộc đời rao giảng khó nghèo, chết trần
trụi hoàn toàn khó nghèo. Sai các môn đệ đi rao giảng Chúa khuyến dụ các môn đệ
hãy sống khó nghèo: ra đi hai bàn tay trắng, ai tiếp đón thì ở lại, ai không
tiếp đón thì dũ bụi ra đi. Đây là hình ảnh siêu thoát của người môn đệ Chúa
Giêsu. Của cải vật chất là phương tiện để sống nhưng con người phải biết giữ
khoảng cách đối với của cải, chứ không được nô lệ của cải. Do đó, người môn đệ
phải biết xử dụng của cải để xây dựng những giá trị Nước Thiên Chúa như công
bình, bác ái, chia sẻ, quảng đại với người khác. Nghèo đói nhưng vẫn giữ được
bàn tay trong trắng không làm điều gian ác, bán rẻ lương tâm và luôn tin cậy
vào Chúa. Đó là sự thanh thoát Chúa muốn người môn đệ phải sống và thực hiện
trong cuộc đời rao giảng của mình.
SỐNG SIÊU THOÁT SẼ ĐEM LẠI NHỮNG THÀNH QUẢ
TỐT ĐẸP:
Các môn đệ của Chúa được Chúa chọn và sai đi đợt trước phục sinh của
Ngài là 72 người. Các ông ra đi rao giảng gặp nhiều chống đối, gặp nhiều khó
khăn, thử thách, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công trong những ngày làm
việc truyền giáo. Sở dĩ các môn đệ đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp như
thế vì khi ra đi với hai bàn tay trắng, các môn đệ không có một thứ khí giới
nào khác ngoài sự siêu thoát và vững tin vào quyền năng của Chúa Giêsu, đến nỗi
khi các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình khi đi truyền giáo, Chúa
Giêsu đã thốt lên:” Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống”. Và Chúa
gọi đây là sức mạnh của những kẻ bé mọn.
NGƯỜI KITÔ HỮU CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU PHI
THƯỜNG:
Ở muôn thời, Chúa vẫn kêu mời mọi người ra đi loan báo Tin Mừng với cung
cách của các môn đệ xưa. Và người Kitô hữu có thể làm được nhiều điều phi
thường, đem lại những thành quả như các môn đệ xưa nếu họ biết trang bị cho
mình một niềm tin sâu sắc vào quyền năng của Chúa Giêsu và biết sống siêu
thoát, cao thượng như các môn đệ Chúa. Người Kitô hữu khi đi loan báo Tin Mừng
vẫn luôn ý thức rằng ngoài Chúa ra họ không thể làm gì được. Tín thác, cậy
trông vào Chúa với đức tin thâm sâu, với lòng mến dạt dào, người Kitô hữu luôn
biết chấp nhận ngay khi gặp những thất bại, đau khổ, họ sẽ cảm nghiệm được hạnh
phúc và niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa đã bầy tỏ khi gặp lại Ngài sau
khi các ông trở về trong cuộc hành trình truyền giáo. Sở dĩ các môn đệ có thể
hân hoan chia sẻ với Chúa niềm vui vì họ đã biết lắng nghe, sống và thực thi
lời Chúa trong cuộc đời, trong cuộc hành trình truyền giáo.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được niềm vui hằng
ngày trong cuộc sống vì chúng con đã cậy trông và tín thác vào Chúa.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
Bạn hiểu gì về sự siêu thoát ?
Những kẻ bé mọn của Chúa là ai ?
Tại sao các môn đệ lại hớn hở chia sẻ niềm vui với Chúa Giêsu sau những
ngày đi truyền giáo về ?