Chúa Nhật 14 Quanh
Năm
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Ga-lát
6: 14-18
Đoạn
thư Ga-lát cuối cùng được sử dụng trong Phụng vụ Lời Chúa là một phần của Lời
cuối thư. Những dòng này chính thánh Phao-lô tự tay cầm bút viết xuống và viết
bằng chữ lớn. Việc làm ấy là để chứng thực rằng lá thư là của ngài và để ngăn
ngừa những thư giả mạo. Tuy nhiên tầm quan trọng của những dòng cuối thư này
còn được nói lên trong chính nội dung của chúng. Đó là tóm kết những điểm chính
của toàn thể bức thư và cũng là một lời nhắn nhủ chí tình.
Sau
phần thanh minh, bênh vực cho sứ vụ tông đồ của mình (1:11 - 2:21), thánh
Phao-lô đi vào phần giáo thuyết (3 - 4), trình bày nền tảng ơn công chính hóa
là do lòng tin vào Đức Ki-tô chứ không phải do giữ trọn Lề Luật Mô-sê. Phao-lô
sử dụng mọi phương cách, từ lý luận đến chia sẻ chính xác tín cá nhân của mình,
để khuyến dụ tín hữu Ga-lát đừng nhẹ dạ để cho những người chủ trương duy trì
Do-thái giáo (Judaizers) dụ dỗ theo họ mà bỏ Đức Ki-tô. Vậy những người chủ
trương đó muốn tín hữu Ga-lát làm gì? Họ muốn tín hữu Ga-lát hãy giữ Lề Luật
bằng cách chịu cắt bì. Trước hết Thánh Phao-lô đã mỉa mai nêu lên cái
"lợi" cám dỗ tín hữu Ga-lát chịu cắt bì. Cái lợi ấy là "để khỏi
bị ngược đãi vì thập giá Đức Ki-tô" và được "nở mày nở mặt theo tính
xác thịt" hoặc "được hãnh diện nơi thân xác" (6:12).
Đồng
thời, ngài vạch ra ý đồ và bộ mặt thật của những người chủ trương ấy. Họ chịu
cắt bì để tự phụ là những người giữ Lề Luật, rồi muốn những người khác cũng
phải làm như họ. Nhưng nực cười vì chính họ lại là những người không giữ Lề
Luật chút nào. Nhận xét này của thánh Phao-lô lập lại những gì Đức Ki-tô trước
đây đã tố cáo bọn kinh sư và Pha-ri-sêu giả hình (Mt 23:3-4).
Rồi
Phao-lô "tương kế tựu kế"! Những người chủ trương duy trì Do-thái giáo
lấy tự phụ của họ để "nhử" tín hữu Ga-lát theo họ, thì thánh Phao-lô
cũng dùng cái tự phụ của ngài để khích lệ tín hữu Ga-lát. Tự phụ của ngài không
phải là ba cái chuyện vớ vẩn cắt bì hay không cắt bì, nhưng là tự phụ được
"trở nên một thụ tạo mới" nhờ thập giá Đức Ki-tô. Đối với dân
Do-thái, thập giá là sự chúc dữ, đối với dân ngoại là hình khổ ghê tởm, đối với
thánh Phao-lô là một sự hãnh diện. Người vui sướng được khổ vì Đức Ki-tô, ngược
với người Do-thái sợ bị ngược đãi vì Chúa Ki-tô (chú thích r bản dịch của Nhóm
Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ)ï. Thập giá Đức Ki-tô đã thay đổi số phận của
Ki-tô hữu. Những gì thuộc về thế gian nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập
giá, để chúng ta được sống tự do làm con cái Chúa và làm môn đệ Đức Ki-tô. Cuộc
đóng đinh liên tục ấy là một tiến
trình trở nên thụ tạo mới nơi những ai tin theo Chúa Ki-tô. Và đối với
thánh Phao-lô, tiến trình đó cũng là một "quy tắc" sống cho Ki-tô hữu
nếu họ muốn "được hưởng bình an và lòng thương xót" của Thiên Chúa.
Từ
niềm hãnh diện vì thập giá Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đi tới một thái độ bình an
và tin tưởng, không còn sợ chịu khổ vì Đức Ki-tô nữa. Như nô lệ mang dấu hiệu
của chủ trên người mình, thánh Phao-lô cũng mang thương tích vì Đức Ki-tô,
thương tích do anh em đồng chủng gây ra (2 Cr 11:24; 4:10; 6:4-5; Cl 1:24). Dấu
vết thương này còn quý hơn dấu cắt bì của những người chủ trương duy trì
Do-thái giáo (2 Cr 11:18; Pl 3:7) và hùng hồn nói lên lòng yêu mến của Phao-lô
đối với Đức Ki-tô và ước mong được nên "đồng hình đồng dạng" với
Người.
Cuối
cùng là lời cầu chúc của Phao-lô, mong anh chị em tín hữu Ga-lát được đầy tràn
ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, như bản thân ngài đã được.
Qua
những dòng chữ đầy xác tín và yêu thương, cao điểm của tư tưởng và tâm tình
thánh Phao-lô chính là nguyên tắc sống theo thập giá Đức Ki-tô. Sống theo thập
giá Đức Ki-tô là chấp nhận đau khổ vì Đức Ki-tô và với Đức Ki-tô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Với
thánh Phao-lô, "Niềm hãnh diện duy nhất của tôi là thập giá Đức
Ki-tô" đã đưa tới một nguyên tắc sống. Còn tôi, điều gì giúp tôi có một
nguyên tắc sống, và nguyên tắc sống ấy là gì?
Đâu là những điều "hãnh diện" của tôi? Giầu có? Xe
đắt tiền? Nhà đẹp...? Tôi có saün sàng hãnh diện chịu thiệt thòi vì Đức Ki-tô
không? Tại sao?
Tôi đã và đang đóng đinh những gì của đời tôi vào thập giá
Đức Ki-tô để trở nên thụ tạo mới?
Chia sẻ về những phiền lòng tôi phải chịu vì Đức Ki-tô. Tôi
đã có được một thái độ bình tâm trước những đau khổ vì Đức Ki-tô chưa? Làm sao
có được?
Tôi học hỏi được gì qua thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu
Ga-lát?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể hát bài hát thích hợp, thí dụ "Lời vọng
tình yêu" (Ca nguyện Linh Thao, 154), hoặc "Vinh quang của ta là
Thánh Giá..." (Thánh Vịnh Huyền ca của cha Hoàng Kim, trang 76).
Lm.Trần Đình Nhi