CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - NĂM C 2001

Câu chuyện người Samaritanô nhân hậu là một trong những câu chuyện đẹp của Tin Mừng : bằng tình yêu con người đã thiết lập được những tương quan tốt đẹp nhất cho bản thân và cho xã hội. Và đấy chính là sứ điệp của tôn giáo, và là nền tảng cho mọi lề luật. Đức Giêsu chắc chắn như còn muốn nói tới một điều gì sâu xa hơn khi kể lại câu chuyện khác thường này :

Giữa bao người, Đức Giêsu đã chọn một người tư tế, một Lêvi, một người Samaritanô vào chuyện. Những con người hết sức cụ thể, và lớn lên trong những truyền thống thật khác biệt, và thường có một cái nhìn hoàn toàn đối nghịch trong đời thường, thậm chí phải nói tới cái thù thâm căn cố đế giữa 2 dân tộc "thân cận" này.

Trên khoảng đường trên dưới 30 km giữa Giêricô và Giêrusalem ấy có muôn vàn chuyện để nhìn, để ngắm, nhưng Đức Giêsu chỉ dừng mắt nhìn vào một sự việc : "một lữ khách bị rơi vào tay kẻ cướp", một sự việc quá tiêu cực tố giác một xã hội đầy mâu thuẫn và đấu tranh khắc nghiệt.

Và trong truyền thống Israel đã từng nhắc tới biết bao tâm hồn lớn lao xả thân vì đồng loại : như Abraham vị tổ phụ giàu đức hiếu khách và quảng đại, như tổ phụ Giuse trong Sáng thế sử, như truyện về Tobia cha... và còn biết bao "số sót" trong Israel thời Đức Giêsu... thế nhưng cái nhìn của Chúa lại chỉ dừng lại nơi người lữ khách Samaritanô...

Tất cả đều thật khác thường.

Sự khác thường trong những lựa chọn ấy bộc lộ một chân dung, một dung mạo, một con người hoàn toàn mới mẻ gây kinh ngạc cho mọi thứ hạng người trong xã hội thời Ngài. Tin Mừng là ở đó. Tin mừng không nằm trong những con người trên đoạn hành trình, dù là tư tế, dù là Lêvi, thậm chí dù là người Samaritanô nhân hậu kia, nhưng là ở Đấng đang đón nhận cuộc sống ấy để cho nó một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Người Samaritanô dẫu có một hành vi thật đáng ngợi khen kia vẫn chưa thoát ra khỏi cái giới hạn của một con người. Ông ta vẫn còn những công việc của riêng mình, ông ta phải bỏ lại nạn nhân cho chủ quán. Có thể nạn nhân cảm kích và thấy tấm lòng "cận thân" của người Samaritanô, nhưng chính người Samaritanô lại đã đi xa mãi mãi. Tin Mừng không thể gắn với con người biệt tăm trong cuộc sống. Chính Đức Giêsu chỉ dừng lại trong hành vi "đã thương giúp người ấy" và muốn hành vi ấy trở nên cuộc sống thường hằng, và chính Ngài đã làm cho cuộc sống đơn thuần chỉ là "sự thương giúp" thuần khiết, "Ta đến không phải để hủy diệt mạng người ta, nhưng để cứu chúng". "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em". Tin Mừng là Đấng, bằng tình yêu mãi mãi trở nên người "thân cận" của mọi con người. Và Đức Giêsu dạy chúng ta hãy làm chứng cho Tin Mừng ấy : nghĩa là bản thân cũng nhờ Đức Giêsu mà trở nên người "cận thân" của những kẻ nghèo khó.

Khi hiểu sứ điệp Tin Mừng là thế, chúng ta mới cảm nghiệm được những tâm tình của thánh thi trong thư Thánh Phaolô. Bởi vì đời thường vốn là những mảnh đời thương đau không tìm được sự băng bó, đôi khi có vài người quảng đại đón tiếp, nhưng chỉ là trong một khoảnh khắc thật giới hạn, thì sự sống mới, sự sống chiến thắng mọi nọc độc của thần chết, sự sống ấy chỉ có khởi điểm trong Đức Giêsu. Chỉ nơi thân thể Người là Hội Thánh, mà muôn vật muôn loài được giao hòa với Thiên Chúa và với nhau trong một tình yêu không có gì có thể phân cắt.

Và khi chấp nhận ở trong Thân Thể nhiệm mầu ấy, người Kitô hữu nhận ra không còn giới hạn nào : sắc tộc, giai cấp, địa vị, tín ngưỡng có thể ngăn cản họ nên đồng hình đồng dạng với Đấng "đã ở sát bên, ngay trong miệng, trong lòng" thúc đẩy họ yêu thương và phục vụ cho đến cùng. Và như Ngài, họ không ra đi như người Samaritanô, mà sẽ "ở lại cho đến tận thế" với từng anh chị em khổ đau của mình.

        Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà