Chúa Nhật Thứ 15
Thường Niên
(15-7-2001)
Đọc Lời Chúa
· Đnl
30, 10-14: (11) Mệnh lệnh
tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh
em. (14) Thật vậy, mệnh lệnh đó ở rất gần anh em,
ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.
· Cl 1,
15-20: (19) Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên
mãn hiện diện ở nơi Người, (20) cũng như muốn
nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên
thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên
trời.
· TIN MỪNG: Lc 10, 25-37
Điều răn lớn - Dụ ngôn
người Sa-ma-ri tốt lành
(25) Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức
Giê-su để thử Người rằng: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời
làm gia nghiệp? (26) Người đáp: Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? (27) Ông ấy thưa: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và
yêu mến người thân cận như chính mình. (28) Đức Giê-su bảo ông ta:
Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.
(29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới
thưa cùng Đức Giê-su rằng: Nhưng ai là người thân cận của tôi? (30) Đức
Giê-su đáp: Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi
vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người
ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường
ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi
cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà
đi. (33) Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang
chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. (34) Ông
ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi
đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm
sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém
thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". (36) Vậy theo ông
nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào
tay kẻ cướp? (37) Người thông luật trả lời: Chính là kẻ đã
thực thi lòng thương xót đối với người ấy. Đức Giê-su bảo ông ta: Ông hãy đi,
và cũng hãy làm như vậy.
Suy niệm
Câu hỏi gợi ý:
1. Yêu
Chúa và yêu người, cái nào quan trọng hơn? Đặt vấn đề như thế có đúng đắn
không? Có thể tách hai tình yêu ấy thành biệt lập với nhau không?
2. Tinh
thần yêu thương của Đức Giê-su khác với tinh thần của Cựu Ước thế nào? Có gì
mới mẻ hơn so với Cựu Ước?
3. Xét
câu hỏi của Đức Giê-su: Trong ba người
đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với
người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?, bạn nghĩ gì về về câu hỏi ấy? Tại sao
lại ai tỏ ra là người thân cận, chứ không nói ai là người thân cận?
Suy tư gợi ý:
1. Yêu thương là
cốt tủy của Luật Thiên Chúa
Lề luật vốn có rất nhiều điều luật, mỗi điều luật
lại có một số khoản luật, làm sao giữ luật cho trọn vẹn để trở nên công chính?
Muốn thế, phải nắm được cốt tủy của lề luật. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cốt
tủy của lề luật là lòng yêu thương. Theo Cựu Ước - được thầy thông luật trưng
dẫn trong bài Tin Mừng hôm nay - thì có hai đối tượng của lòng yêu thương: một
là Thiên Chúa, hai là người thân cận. Nhưng trong Tân Ước, đặc biệt trong các
thư của Phaolô và Gioan, thì hai đối tượng ấy được tổng hợp lại thành một thực
tại duy nhất có hai mặt, tương tự như một tờ giấy duy nhất có hai trang gắn
liền nhau không thể tách rời. Yêu Chúa và yêu người là hai mặt của một tình yêu
duy nhất. Do đó, yêu Chúa đích thực tất nhiên phải yêu người, ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người là
kẻ nói dối (1 Ga 4, 20). Thánh Phaolô tóm cả lề luật vào một mối duy
nhất là yêu người: Tất cả lề luật được
tóm gọn trong một điều này: Hãy yêu người lân cận như chính mình (Gl 5,
14), vì yêu người đích thực thì đã bao hàm yêu Chúa trong đó rồi. Nói khác đi,
yêu người chính là yêu Chúa, miễn sao tình yêu đó là đích thực, nghĩa là vô vị
lợi: yêu người, hy sinh cho người không vì một lợi lộc nào cả, thậm chí không
phải để được Thiên Chúa thưởng. Nếu yêu người là để được Thiên Chúa thưởng mình,
hay vì một lợi lộc khác của mình thì suy cho cùng hóa ra đó là mình tự yêu bản
thân mình chứ đâu phải mình yêu người. Yêu kiểu ấy là một hình thức vị kỷ, chứ
đâu phải là tình yêu!
2. Yêu thương là giữ trọn lề luật (x. Gl 6,2)
Chúng ta đang sống thời Tân Ước, vì thế chúng ta
không nên sống theo tinh thần của Cựu Ước. Thời Cựu Ước, trình độ tâm linh của
con người còn sơ khai, thấp kém, nên tiêu chuẩn để nên công chính vào thời đó
là sống sao cho đúng với lề luật. Càng giữ đúng luật bao nhiêu thì càng công chính
bấy nhiêu. Vì thế, những người Pharisiêu là những người hoàn chỉnh nhất theo
tiêu chuẩn này: họ cố giữ luật sao cho đúng từng chi tiết, từng dấu phảy một.
Tuy họ giữ đúng lề luật tôn giáo từng ly từng tý, đến nỗi có thể nói rằng khó
có ai giữ lề luật chi ly hơn họ, nhưng Đức Giê-su đã nhận ra rằng trong lòng họ
không có tình yêu, trái lại chỉ có lòng ích kỷ. Nếu họ có giúp đỡ ai, hy sinh
cho ai, thì ý hướng khiến họ làm điều ấy là vì lề luật khuyên hay buộc như vậy,
vì họ nghĩ: có làm như vậy thì mới là người công chính, và mới được Thiên Chúa
ân thưởng. Họ giúp đỡ, hy sinh cho người khác rất nhiều, mà lòng họ có thể
chẳng yêu thương người ấy bao nhiêu. Họ làm mọi sự vì lề luật đòi hỏi, chứ
không phải tình yêu đòi hỏi.
Tới thời Đức Giê-su, Ngài thấy Dân Chúa đã sống
trong trình độ tâm linh ấy cả ngàn năm rồi, bây giờ Ngài phải nâng trình độ ấy
lên. Tiêu chuẩn để nên công chính bây giờ phải được nâng cao hơn: không nên làm
vì lề luật buộc, mà vì tình yêu đối với tha nhân đòi buộc và thúc đẩy. Vì thế,
Ngài nói: Nếu anh em không ăn ở công
chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời
(Mt 5,20). Ý của Ngài không phải muốn chúng ta giữ lề luật nhiệm nhặt hơn người
Pharisiêu, vì chẳng mấy ai giữ luật tài hơn họ. Ngài muốn chúng ta công chính
hơn họ ở chỗ có tình yêu bên trong, và làm mọi sự vì yêu thương chứ không phải
vì lề luật buộc phải làm như thế. Điều đó không có nghĩa là Ngài đả phá lề
luật, mà trái lại là làm cho lề luật hay việc giữ luật nên hoàn chỉnh hơn: giữ
luật vì tình yêu, đưa tình yêu vào trong lề luật. Một khi đã có tình yêu đích
thực, thì như thánh Âu-Tinh nói: Cứ
yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho ta biết ta phải làm gì.
Theo thánh Phaolô thì lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu, mà
cho người không có tình yêu: (9) Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người
sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm
thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, (10) dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề,
và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh (1 Tm 1,9-10).
Nếu không có tình yêu, thì việc làm theo luật có
tốt đẹp đến đâu cũng vô giá trị. Thánh Phaolô nói rất rõ: Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà
bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi (1 Cr 13,3). Đem hết gia tài ra bố thí cho
người nghèo là một hành động có vẻ đầy yêu thương, nhưng nó vẫn có thể phát xuất từ một động
lực hoàn toàn vị kỷ, chẳng có chút tình thương nào: bố thí để mọi người khen,
nể phục, để được mang tiếng là thương người, là đạo đức.
3. Hai thái độ giữ luật trong dụ ngôn người
Samari tốt lành
Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy có
hai thái độ giữ luật:
- Một là
của thầy tư tế và thầy Lêvi, tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước.
Theo họ, trong lề luật, không có khoản nào qui định cụ thể phải cứu giúp người
trong hoàn cảnh như thế này cả. Trái lại, có những khoản qui định cụ thể về sự
sạch sẽ: (Tư tế lớn nhất trong hàng
anh em) thì không được đến gần người chết, và không được làm cho mình ra ô uế,
dù vì cha hay vì mẹ mình (Lv 21,11). Như vậy, nếu mình không cứu người
ấy thì mình chẳng lỗi luật, còn nếu đụng đến người ấy mà lỡ người ấy chết trên
tay mình, thì mình ra ô uế, không được tế lễ hay ăn bánh thánh. Thái độ lãnh
đạm của họ đối với người bị nạn quả là có lý vì họ nghĩ: điều quan trọng là làm
theo Lề Luật, chứ không phải là làm theo sự đòi hỏi của tình yêu. Vả lại, Lề
Luật nói: Phải yêu người thân cận như
chính mình (Lv 19,18), chứ phải yêu bất cứ người nào đâu! Nếu có tình
yêu thì tình yêu ấy chỉ dành cho người lân cận, nghĩa là sống gần mình mà thôi.
- Hai là
của người Samari, tượng trưng cho những người không sống theo Lề Luật: trong
họ, những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật
thành văn. Do đó, thấy người bị nạn thì người Samari tốt lành này động lòng
thương, lương tâm và tình thương đồng loại đã thúc đẩy anh ta cứu giúp người bị
nạn đến nơi đến chốn, bất chấp nạn nhân là người Do Thái, thuộc dòng tộc có
hiềm khích với dòng tộc anh. Cách hành xử đầy yêu thương của anh mới làm đẹp
lòng Thiên Chúa.
Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn này để trả lời cho câu
hỏi của anh chàng thông luật: Nhưng ai
là người thân cận của tôi?. Theo câu hỏi mà Đức Giê-su đưa ra sau dụ
ngôn: Vậy theo ông nghĩ, trong ba
người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận
với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?, thì vấn đề không phải là ai là người thân cận để mình yêu thương,
mà là phải
tỏ ra mình là người thân cận với mọi người, bằng cung cách xử sự đầy yêu thương với họ. Kinh nghiệm tôi
cho thấy: khi có ai tỏ tình yêu thương tôi bằng những hy sinh cụ thể, dù người
ấy là người tôi chưa hề quen biết hay ở xa tôi vạn dặm, thì hành động yêu
thương ấy làm cho người ấy và tôi trở nên gần gũi nhau, thân mật với nhau. Tình
yêu thương và sự hy sinh ấy càng lớn thì sự gần gũi ấy càng tăng lên, thậm chí
đi đến chỗ coi nhau như ruột thịt. Trái lại, dù gần gũi, dù là họ hàng, máu mủ,
ruột thịt mà không yêu thương nhau, thì lại trở nên như kẻ xa lạ. Như vậy, theo
tinh thần của Đức Giê-su, chúng ta phải biến tha nhân thành ruột thịt, thành
gần gũi với mình bằng cách cư xử đầy yêu thương với họ, hơn là chọn lấy những
người nào là ruột thịt hay gần gũi với mình để yêu thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho con một tình yêu đích thực, vị
tha, làm động lực thúc đẩy cho mọi hành động của con. Cho con biết thật sự quên
mình được thể hiện bằng những hy sinh cụ thể cho tha nhân, vì đó chính là dấu
chứng của tình yêu đích thực mà con cần có để nên công chính.
Joan Nguyễn Chính Kết