Chúa Nhật 15 Quanh
Năm
(15-7-01)
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Cô-lô-xê 1: 15-20
Trong
những câu trước (1-14), thánh Phao-lô khen ngợi tín hữu Cô-lô-xê có đức tin
mạnh mẽ từ khi họ được ơn trở lại. Ngài vẫn luôn cầu nguyện cho họ, xin Chúa
ban cho họ được mỗi ngày nhận biết thánh ý Chúa hơn. Giờ đây ngài tiếp tục
trình bày tương quan giữa Chúa Ki-tô với Chúa Cha, với công trình tạo dựng và
với kế hoạch cứu chuộc, tức là phần giáo thuyết quan trọng nhất của thư
Cô-lô-xê. Chính vì thế, đoạn thư này cũng được sử dụng cho lễ Chúa Ki-tô Vua,
bắt đầu từ câu 12.
Nhiều
học giả Kinh Thánh coi Cl 1:15-20 là một bài thánh ca phụng vụ được thánh
Phao-lô đưa vào trong thư, nhằm nhắc nhở tín hữu Cô-lô-xê về thế giá siêu việt
của Đức Ki-tô. Đoạn Kinh Thánh chia làm hai phần. Phần thứ nhất (1:15-18a) nói
về vai trò của Đức Ki-tô trong công việc tạo dựng và phần thứ hai (1:18b-20) bàn
đến công việc của Đức Ki-tô trong chương trình cứu chuộc.
Vai
trò của Đức Ki-tô trong việc tạo dựng được diễn tả qua những giới từ trong Người, nhờ Người và cho
Người. Muôn loài muôn vật, trên trời dưới đất, hữu hình vô hình, cả đến các
thiên sứ mà tín hữu Cô-lô-xê bị cám dỗ thờ phượng, tất cả đều được tạo dựng
trong, nhờ và cho một nguyên lý duy nhất là Đức Ki-tô. Tất cả đều có quan hệ
với căn tính của Đức Ki-tô vì Người là "hình ảnh của Thiên Chúa vô
hình" và "trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo." Khi diễn tả
Đức Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, thánh Phao-lô muốn nói nơi Đức Ki-tô
"tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (2:9). Còn
khi nói Đức Ki-tô là trưởng tử muôn loài thụ tạo, ngài khẳng định vị thế ưu việt
của Đức Ki-tô trên mọi thụ tạo, nghĩa là sự hiện hữu của mọi thụ tạo đều hoàn
toàn tùy thuộc Người. Thánh Phao-lô kết luận về vai trò của Đức Ki-tô trong
việc tạo dựng bằng hình ảnh Người là "đầu của thân thể, nghĩa là đầu của
Hội Thánh." Ý niệm Hội Thánh là "nhiệm thể Chúa Ki-tô" trong thư
Ê-phê-xô và Cô-lô-xê hơi khác với ý niệm trong thư Rô-ma 12:3-8 và thư 1
Cô-rin-tô 12:12-31. Hình ảnh nhiệm thể trong Rm và 1Cr nhấn mạnh đến vai trò
chức năng, còn trong Ep và Cl chỉ là dùng hình ảnh để mô tả. Do đó, Ep và Cl muốn
nói về Hội Thánh toàn cầu trong khi Rm và 1Cr nói đến hội thánh địa phương; như
thế Ep và Cl đưa chúng ta tới cái nhìn Ki-tô học mang chiều kích vũ trụ quan.
Bắt
đầu từ câu 18b, thánh Phao-lô chuyển sang vai trò của Đức Ki-tô trong công cuộc
cứu chuộc. Cũng giống như phần thứ nhất khi gọi Đức Ki-tô là "trưởng tử
sinh ra trước mọi loài thụ tạo," thì trong phần thứ hai, ngài gọi Đức
Ki-tô là "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại." Gọi
Đức Ki-tô như thế, ngài muốn nói lên sự ưu việt của Đức Ki-tô trong chương
trình cứu chuộc, nghĩa là việc mọi người được cứu chuộc đều hoàn toàn tùy thuộc
vào Đức Ki-tô. Tiếp đến, khi giải thích sự viên mãn chỉ được thể hiện trong Đức
Ki-tô (có lẽ là việc bản tính nhân loại của Đức Ki-tô đã thể hiện được hình ảnh
Thiên Chúa vô hình cách đầy đủ nhất), thánh Phao-lô muốn nói rằng kế hoạch cứu
rỗi của Thiên Chúa là Người muốn muôn vật phải được hòa giải với Người nhơø Đức Ki-tô và nhờ Máu Đức Ki-tô đổ ra trên thập giá.
Như
thế chúng ta có thể nhận ra cách trình bày song song giữa vai trò của Đức Ki-tô
trong việc tạo dựng với vai trò của Đức Ki-tô trong việc cứu chuộc. Muôn loài
trên trời dưới đất được tạo dựng trong,
nhờ và cho Đức Ki-tô, thì cũng thế, muôn loài trên trời dưới đất được
hòa giải (nghĩa là được cứu chuộc) nhờ
Đức Ki-tô và nhờ Máu
Người đổ ra trên thập giá.
Có một
nguy hiểm là chúng ta thường tách rời hai việc tạo dựng và cứu chuộc như hai
thời điểm riêng biệt. Nếu đọc những dòng trên của thánh Phao-lô, chúng ta sẽ
nhận ra tạo dựng và cứu chuộc là hai chiều kích của cùng một tiến trình. Tôi
được Thiên Chúa tạo dựng là để cho tôi được trở nên giống Người (St 1:26-27) và
tôi được cứu chuộc nghĩa là hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện nơi tôi. Đối với
tiến trình tạo dựng-cứu chuộc ấy, Đức Ki-tô là nguyên lý, tức là tiến trình ấy
chỉ có thể được thực hiện trong Người, nhờ Người và cho Người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Trong Thánh Lễ, tôi nhận ra thế nào về tầm
quan trọng của những lời kết thúc phần kinh nguyện Thánh Thể: "Chính nhờ
Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô..."?
Vai trò của Đức Ki-tô gắn liền với thân phận mỗi người chúng
ta và đưa tới kết luận: chúng ta phải kết hiệp với Người (Cl 3:1-3). Vậy tôi có
nhận thức vai trò ấy không? Và tôi kết hiệp với Đức Ki-tô như thế nào? Làm sao
phát triển quan hệ với Chúa Ki-tô?
Nếu có dịp đọc hết thư Cô-lô-xê, tôi học hỏi được những gì về
mầu nhiệm Chúa Ki-tô và mầu nhiệm Hội Thánh?
Để hiểu thêm về giáo lý của thư Cô-lô-xê, tôi nên đọc thêm
thư Ê-phê-xô là thư khai triển rộng hơn cùng một giáo lý này. Nhóm sẽ làm gì để
giúp nhau học hỏi về giáo lý của hai thư quan trọng này?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
những lời nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc
đời mình...", hoặc một bài hát thích hợp.
Lm. Trần Đình Nhi