CHÚA
NHẬT 15 QUANH NĂM
(Lu-ca
10: 25-37)
Làm
môn đệ Chúa tức là làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Việc này đòi hỏi người môn đệ phải thay đổi
toàn diện con người mình cho đúng với mẫu người Chúa Giê-su đòi hỏi. Làm sao có thể làm chứng được khi chúng ta
nói một đường làm một nẻo? Do đó, Chúa
Giê-su đã nói lên mối quan hệ giữa môn đệ với Người phải như thế nào. Để sống mối quan hệ ấy, môn đệ phải trả một
giá đắt bằng chính bản thân mình, tức là yêu mến Người “hết lòng, hết linh hồn,
hết sức lực và hết trí khôn.” Cái nhìn
về yêu thương cần phải thay đổi, phải trở về nguồn và phải khác với những gì
não trạng Do-thái trong Cựu Ước đã chủ trương, theo đó người ta phải yêu mến
Chúa cách tuyệt đối, nhưng lại yêu tha nhân một cách tương đối. Nghĩa là đối với tha nhân, ta yêu thương
những ai yêu thương ta và ghét những ai ghét ta. Câu truyện đối thoại giữa người thông luật với Chúa Giê-su đã nói
lên cốt lõi của thay đổi ấy: ta phải
yêu mến Thiên Chúa cách tuyệt đối với tất cả con người ta, thì ta cũng phải yêu
mến tha nhân cách tuyệt đôí như yêu mến chính bản thân ta.
a) Tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến
Yêu
mến là phương tiện để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp.” Người thông luật đã ý thức điều ấy và ý thức
này quả là hiếm gặp thấy nơi những người Do-thái khác, nhất là trong giới
Pha-ri-sêu và thông luật. Não trạng
Do-thái thời ấy đã bị những người cầm cân nảy mực làm cho biến đổi đi rồi. Thay vì yêu mến để được sống đời đời thì
người ta lại nhấn mạnh đến những hình thức bề ngoài, tuân thủ những lễ nghi
rườm rà phô trương mà đánh mất chính động lực hành động, đó là lòng yêu
mến. Trong suốt thời gian rao giảng Tin
Mừng, Chúa Giê-su đã đả phá tinh thần vị luật này và cố gắng đưa người ta trở
về với tinh thần chân chính của việc giữ luật, tức là giữ luật vì lòng yêu
mến. Vì muốn yêu mến Chúa, ta mới đem
tất cả những gì mình có mình là để làm phương tiện giữ luật của Người. Vì muốn yêu mến tha nhân, ta mới sẵn sàng
chấp nhận người là ta và ta là người.
Để diễn tả tính cách tuyệt đối của lòng yêu
mến, Chúa Giê-su muốn trưng dẫn Lề Luật.
Người nhờ nhà thông luật nói lên luật của lòng yêu mến. Ông ta đọc, trước hết lòng yêu mến Thiên
Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn
ngươi.” Rồi ông đọc tiếp về lòng yêu
mến tha nhân: “Và (yêu mến) người thân
cận như chính mình.” Chúa Giê-su nhìn
thấu tâm can ông. Người biết ông thực
sự hiểu được tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến. Bởi vì lòng, linh hồn, sức lực và trí khôn là tất cả những gì ta
có, nên bao lâu ta chưa yêu mến Chúa với tất cả con người của mình, thì ta vẫn
chưa có tình yêu tuyệt đối đối với Thiên Chúa.
Cũng thế, bao lâu ta chưa yêu mến tha nhân như chính ta, thì ta chưa đạt
tới mức tuyệt đối của tình yêu.
Chúa
Giê-su có cách diễn tả tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến tha nhân. Người dạy:
“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống
mình cho bạn hữu” (Ga 15:13). Chúa
không chỉ nói suông, nhưng chính Người đã sống điều Người dạy. Người dành cho ta tình yêu tuyệt đối của
Người khi chết trên thập giá để cứu chuộc ta.
b) Ai là người thân cận của tôi?
Tuy
nhà thông luật kia hiểu được tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến, nhưng có thể
ông không dám thoát ra ngoài cái não trạng đã có tự lâu đời, hoặc ông muốn Chúa
Giê-su soi sáng thêm cho ông để ông có thể khởi đầu hành trình làm môn đệ
Người. Muốn làm môn đệ Chúa, ông cần
phải vượt qua quan niệm cổ truyền về đối tượng phải yêu mến, phải mang lấy cái
nhìn mới của Chúa Giê-su để ý thức rằng tình yêu không thể bị giới hạn do dân
tộc, mầu da, ngôn ngữ... Hoặc nói theo
cách nói của Lề Luật: ta yêu mến tha
nhân như ta yêu mến chính ta. Tha nhân
là ta, chứ không phải như Jean Paul Sartre bảo “tha nhân là hỏa ngục.”
Câu
truyện Chúa Giê-su kể về người Sa-ma-ri tốt lành không có ý mỉa mai các tư tế,
thầy Lê-vi hay bất cứ ai khác, nhưng cốt để nói lên những định kiến và câu nệ
đã giới hạn tình yêu đích thực, không để cho tình yêu phóng tới mức độ tuyệt
đối của nó. Tư tế và thầy Lê-vi đã để
cho luật thanh tẩy bóp chết lòng yêu thương đối với người Do-thái gặp nạn. Trái lại, người Sa-ma-ri thì phá bỏ óc kỳ
thị, phân cách người Sa-ma-ri với người Do-thái, để cho tình yêu dành cho người
gặp nạn được nảy nở không ngừng, biểu lộ qua từng cử chỉ ưu ái ông ta dành cho
nạn nhân. Mỗi việc làm là một cách biểu
lộ lòng yêu mến, không ngại nguy hiểm, thời gian, tiền bạc. Giá của tình yêu phải là “dù có tốn kém bao
nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”! Tính cách tuyệt đối của tình yêu nằm ở những điểm ấy.
Câu
truyện đã đủ để làm sáng tỏ vấn đề “ai là người thân cận của tôi?” Cũng lại nhà thông luật đã trả lời giùm cho
Chúa Giê-su: “Chính là kẻ đã thực thi
lòng thương xót đối với nạn nhân.” Vậy
người thân cận của tôi không chỉ là người yêu thương tôi, giống tôi, cùng mầu
da tiếng nói với tôi... Nhưng là người
“thực thi lòng thương xót”, vượt qua mọi hàng rào ngăn cách của xã hội, của
định kiến, để tiến tới tuyệt đỉnh của tình yêu.
c) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”
Qua
lệnh truyền của Chúa, ta có cảm tưởng nhà thông luật kia đã hiểu được sự đổi
mới Chúa mang lại cho ông. Bởi vì ngay
khi gặp Chúa, ông đã mong muốn “được sự sống đời đời.” Sau khi trả lời Chúa về tính cách tuyệt đối
của lòng mến Chúa yêu người, ông đã được Chúa khích lệ: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Rồi cuối cùng là lệnh truyền ông phải ra đi
thực thi điều răn mới.
Hãy
đi, đi ngược lại quan niệm cổ truyền về lòng yêu mến tha nhân. Không còn là “mắt đền mắt, răng thế răng”,
là “yêu kẻ yêu ta và ghét kẻ ghét ta” nữa!
Nhưng là yêu thương cả kẻ thù với ta.
Không còn là đi một dặm với người bức bách mình, mà là đi luôn hai dặm. Ta có thể đọc lại Mát-thêu 5:20-26,38-48 để
xác tín được tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến tha nhân. Hãy đi nói lên một hành trình. Trên hành trình ấy, ta sẽ luôn gặp những trở
ngại muốn cản bước ta tiến đến mức độ tuyệt đối của lòng yêu mến. Nhưng không phải cứ ra đi là đủ rồi, mà phải
làm nữa. Thực thi đức ái phải biểu lộ
qua việc làm cụ thể. Ta không thể chỉ
nói “lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời, mà phải thi hành những điều
Chúa dạy. Cũng thế, ta không thể chỉ
nói “I love you” với tha nhân là được sự sống đời đời, mà phải biểu lộ bằng
việc làm.
Lời
Chúa thực là một thách đố lớn đối với ta, đòi hỏi ta phải chấp nhận mất mát
thiệt thòi. Đúng như Chúa nói: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,
thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:27).
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Thông
thường tôi vẫn nghe nói về lòng mến Chúa yêu người. Nhưng tôi đã hiểu điều ấy một cách mơ hồ hay đã hiểu đúng như ý
của Chúa Giê-su? Nhất là tôi có xác tín
sống yêu thương là phương thế duy nhất để được sự sống đời đời không?
Tôi
thuộc loại người câu nệ lề luật?
Đâu
là cản trở chính khiến tôi không để cho lòng yêu thương của mình phóng tới điểm
tột cùng của nó? Tôi có thực sự yêu mến
Chúa với tất cả con người tôi không?
Tôi đã không yêu tha nhân “như chính mình” ở phương diện nào và tại sao?
Tôi
không phải là “người thân cận” đối với người nào? Tại sao? Làm thế nào để
tôi trở thành người thân cận của họ?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con,
có
những ngày
đón
nhận những người khác
là
điều vượt quá sức con,
vì
con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con,
có
những ngày
con
không thể nào kính trong kẻ khác được,
vì
ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con,
có
những ngày
mà
yêu mến người khác
làm
cho tim con đau nhói,
vì
nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và
những giới hạn của bản thân con.
Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con,
trong
những ngày khó khăn đó,
xin
hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất
cả chúng con đều là con cái Chúa
và
đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều
gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là
làm cho chính Ta.”
Trích
trong PRIER
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 112)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi