Chúa Nhật 16 Quanh Năm

(22-7-2001)

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Cô-lô-xê 1: 24-28

        Mầu nhiệm Đức Ki-tô là chủ đề rao giảng của thánh Phao-lô. Mầu nhiệm này đã được quảng diễn qua những suy tư phong phú trong các thư của thánh Phao-lô. Đặc biệt, thư Cô-lô-xê nhìn mầu nhiệm ấy dưới khía cạnh tạo dựng và cứu chuộc để đi tới kết luận: Đức Ki-tô là nguyên lý để muôn loài muôn vật được tạo dựng và được cứu chuộc. Thánh Phao-lô đã rao giảng mầu nhiệm ấy giữa những người Do-thái trước tiên. Nhưng vì muốn ôm chặt lấy Do-thái giáo và những tập tục truyền thống, họ đã khước từ giáo lý mới này và còn gây cho ngài những phiền phức, chống đối, những điều mà ngài gọi là "chịu đau khổ vì anh em" (Cl 1:24) hoặc "gian truân tạm thời trong hiện tại" (xem 2 Cr 4:7-18).

        Đoạn thư Cô-lô-xê có thể hiểu là một huấn dụ về sứ mệnh rao giảng mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Nhưng có lẽ tốt hơn, chúng ta nên suy niệm đoạn này như một chia sẻ cá nhân của chính thánh Phao-lô về việc ngài thi hành sứ mệnh ấy, bởi vì qua lối diễn tả, ngài tỏ lộ những tâm tình chân thực của nhà truyền giáo một cách rất tự nhiên. Chính lối chia sẻ thân mật và nhiệt tình ấy là một lời mời gọi có sức thu hút mãnh liệt, một đường lối hết sức độc đáo chỉ gặp thấy nơi thánh Phao-lô mà thôi. Vậy những tâm tình và ưu tư của thánh Phao-lô về việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Ki-tô là những tâm tình và ưu tư nào?

        - "Vui mừng được chịu đau khổ vì anh em": nguyên do thánh Phao-lô bị tù ở Rô-ma là vì người ta nghi ngài đưa người ngoại vào Đền Thờ (xem Cv 21:28). Như vậy, những đau khổ ngài phải chịu là vì và cho anh em dân ngoại, trong đó có tín hữu Cô-lô-xê (Cl 2:1; Ep 3:1.13). Đây có lẽ là thái độ khẩn thiết nhất của nhà truyền giáo. Chịu đau khổ vì người khác thường không phải là điều mình mong muốn, chứ đừng nói tới vui mừng! Ngay cả đến các bà mẹ phải chịu đau khổ vì con cái cũng khó cảm nhận vui mừng này. Thế mà thánh Phao-lô đã có được tâm tình ấy. Vậy điều gì là động lực để ngài cảm nhận vui mừng nghịch lý ấy? Đó là vì "tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi" (2 Cr 5:14). Có vui mừng như vậy, Phao-lô mới dám đi xa hơn nữa, tức là tình nguyện "mang lấy vào thân cho đủ mức" những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu. Đối với ngài, gian nan thử thách của Đức Ki-tô vẫn tiếp diễn và chưa hoàn tất. Nó cần được bổ túc bằng những gian nan thử thách của những người mang sứ mệnh rao giảng mầu nhiệm Đức Ki-tô.

        - Ý thức bổn phận rao giảng lời Chúa (= Tin Mừng) và mầu nhiệm của Người: thánh Phao-lô luôn tâm niệm rằng việc rao giảng được ủy thác cho ngài đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Mà việc gì Thiên Chúa đã ủy thác cho mình thì mình phải làm "cho trọn vẹn." Muốn làm cho trọn vẹn, nhà truyền giáo phải biết rõ mình rao giảng điều gì, tức là biết rõ Thiên Chúa muốn họ rao giảng về mầu nhiệm của Người. Vậy nội dung sứ điệp phải rao giảng là:

        "Đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang."

        Phương thức Phao-lô rao giảng mầu nhiệm Chúa Ki-tô là:

                * Khuyên bảo mỗi người

                * Dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan

                * Nhắm mục đích giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.

        - Chấp nhận vất vả và chiến đấu khi thi hành sứ vụ rao giảng: qua các thư khác, thánh Phao-lô đã kể ra những vất vả và chiến đấu, nên ngài không muốn nhắc lại ở đây một lần nữa. Những vất vả và chiến đấu ấy rất nhiều và đa dạng, với chính mình, với người đồng hương Do-thái, với dân ngoại, với nhà lãnh đạo tôn giáo, với chính quyền, tại Do-thái, tại ngoại quốc, trên bờ, ngoài biển...

        - Không ỷ sức riêng mình, nhưng xác tín là "nhờ sức lực của Đức Ki-tô hoạt động mạnh mẽ nơi mình": đây là bí quyết để nhà truyền giáo nắm vững mục đích, không phải để làm vinh danh mình, nhưng để vinh danh Thiên Chúa. Người rao giảng chỉ là khí cụ, là phương tiện Chúa sử dụng, là người đưa người ta đến với Chúa chứ không phải đến với mình.

        Một cách gián tiếp, đoạn thư cho chúng ta thấy khuôn mặt nhà truyền giáo Phao-lô thật rõ ràng, trong sáng, khiêm tốn, nhiệt thành và dứt khoát. Những yếu tố ấy đã làm cho Phao-lô trở nên một trong hai cột trụ của Giáo Hội Chúa Ki-tô, bên cạnh vai trò lãnh đạo của Phê-rô.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Chia sẻ cảm tưởng của tôi khi đọc đoạn thư này của thánh Phao-lô.

        Thánh Phao-lô luôn nhìn sứ mệnh của mình trong liên quan với Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân. Tôi đã và đang nhìn sứ mệnh của mình như thế nào? Và sứ mệnh ấy là gì?

        Thái độ của tôi khi gặp gian nan thử thách trong sứ vụ rao giảng lời Chúa là thái độ nào? Những điều thánh Phao-lô cảm nghiệm có soi sáng gì cho tôi không? Có giúp tôi xét lại thái độ của mình khi làm việc tông đồ không?

        Tôi hiểu nội dung sứ điệp rao giảng mầu nhiệm Chúa Ki-tô thế nào? Trong quá khứ tôi đã học biết và sống mầu nhiệm Chúa Ki-tô như thế nào?

        Mục đích của "mầu nhiệm Chúa Ki-tô" là mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Tôi đã làm gì để được nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát lại bài "Gặp gõ Đức Ki-tô...", hoặc đọc một kinh thích hợp.

L.m Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà