CHÚA NHẬT 16 QUANH NĂM C ,2004

(Lu-ca 10: 38-42)

 

        Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước đã trình bày đề tài tình yêu trong chiều kích tuyệt đối của nó:  yêu mến Thiên Chúa với hết cả con người của ta và yêu thương tha nhân như chính bản thân ta.  Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành đã trả lời vấn nạn ai là người thân cận:  đó là người thực thi lòng thương xót đối với người khác.  Dường như thánh Lu-ca, qua câu truyện gia đình Bê-ta-nia tiếp đãi Chúa Giê-su, muốn tiếp tục đề tài về tình yêu và cho chúng ta thấy chính Chúa Giê-su là “người thân cận” của ta.  Chị Mác-ta và Ma-ri-a là hai người yêu mến Chúa và biểu lộ tình yêu của họ mỗi người mỗi cách.  Yêu mến bằng việc phục vụ hiếu khách hoặc yêu mến qua việc sống sự hiện diện, hoặc nói khác đi yêu mến qua những sinh hoạt bề ngoài hay qua việc lắng nghe chiêm niệm.  Cách nào cũng tốt, nhưng Chúa Giê-su xác nhận cách thứ hai là tốt nhất.  Nếu Chúa Giê-su đích thực là “người thân cận” của ta vì Người tỏ lòng thương xót ta, thì ta phải chọn cách tốt nhất để đáp lại tình yêu ấy.

 

a)  Chúa Giê-su là người thân cận của ta

 

        Kể dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, Chúa Giê-su đi tới kết luận:  người thân cận là người thực thi lòng thương xót đối với người gặp nạn.  Dụ ngôn là câu truyện mở ra nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo người nghe hiểu thế nào theo khả năng của họ.  Nhưng theo Chúa Giê-su, ý nghĩa về người thân cận phải mang tinh thần chủ động, nghĩa là ta phải trở nên người thân cận của anh chị em bằng cách thực thi lòng thương xót đối với họ.  Hiểu như thế, thì ai sẽ là người thân cận đích thực và gương mẫu của ta nếu không phải là chính Chúa Giê-su?  Đúng vậy, bởi vì Chúa Giê-su tỏ lòng thương xót ta.

        Trước hết, Chúa Giê-su là lòng thương xót của Thiên Chúa đã nhập thể, đã trở nên người phàm.  Thánh Phê-rô trong bài giảng tại nhà ông Co-nê-li-ô đã nói về Chúa Giê-su thực thi lòng thương xót như sau:  “Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người.  Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).  Động lực khiến Người dấn thân cho sứ vụ cứu thế là vì yêu mến.

        Tình yêu của Chúa Giê-su vượt qua mọi ngăn cách để đến với ta là những người gặp nạn.  Ta đã bị tội lỗi đánh cho “nhừ tử, nửa sống nửa chết.”  Ta mang những thương tích do tội lỗi gây ra.  Nhưng Chúa Giê-su đã đến.  Người không tránh qua bên kia mà đi, nhưng Người chăm sóc ta và chữa lành ta là kẻ bị ma quỷ kiềm chế.  Người đã trả một giá vô cùng đắt để giải phóng ta bằng cái chết của Người trên thập giá.

 

b)  Đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê-su

 

        Chúa Giê-su đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở nên giống phàm nhân và làm người thân cận của ta.  Người muốn ta cũng phải làm người thân cận của Người, không phải để thực thi lòng thương xót cho chính Người mà là cho anh chị em của Người đang sống bên cạnh ta.  Tới đây ta nhận thấy sự liên kết câu truyện chị em cô Mác-ta với câu truyện người thông luật ở điểm là yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân là hai điều không thể tách rời.

        Tuy nhiên cách đáp lại tình yêu Chúa nơi chị em cô Mác-ta lại cho ta một bài học độc đáo.  So sánh giữa cách “lăng xăng nhiều chuyện” để phục vụ cơm nước của chị Mác-ta với cách “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” của chị Ma-ri-a, Chúa Giê-su đưa ra một khẳng định khiến ta phải suy nghĩ tự hỏi, đó là “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.”  Các nhà chú giải Kinh Thánh hiểu chuyện cần thiết đây là phải đặt lời của Chúa lên trên mọi lo toan trần thế.  Chị Ma-ri-a đã lựa chọn sự cần thiết này, nên chị dẹp mọi chuyện khác sang một bên để có thì giờ hoàn toàn hiện diện bên Chúa.

        Nói đến sống sự hiện diện là nói tới chiêm niệm.  Ta thường hiểu lầm sống chiêm niệm là lối sống chỉ dành cho những vị tu hành ẩn mình trong tu viện, chứ người đời làm sao mà chiêm niệm giữa bao công việc bận rộn của cuộc sống hằng ngày.  Tu đức học ngày nay nhấn mạnh tới chiêm niệm của người giáo dân, không chỉ là việc chiêm niệm, hành vi chiêm niệm, nhưng là thái độ chiêm niệm.  Ta có thể bận rộn công việc, nhưng cũng có thể dành đôi ba phút để hoàn toàn hiện diện trước mặt Chúa.  Vừa làm việc ta vừa đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, ý thức mình đang làm việc trước mặt Chúa.  Có tác giả tu đức gọi lối sống này là “Noisy contemplation” nghĩa là mình vẫn có thể để cho Chúa hiện diện với mình và mình hiện diện với Chúa giữa những ồn ào của cuộc sống.  Nhiều khi ta quá để ý tới việc giục lòng tin Chúa hiện diện trước mặt ta mà quên là ta cần phải cố gắng hoàn toàn hiện diện trước mặt Chúa, đừng để cho xác đang ở trong nhà thờ nhưng lòng trí thì bận rộn với những chuyện khác!  Ta có thể hình dung cảnh chị Ma-ri-a đang ngồi dưới chân Chúa.  Khách mời lui tới.  Các tông đồ ông nào cũng ăn to nói lớn.  Chị Mác-ta đang khua nồi niêu xoong chảo...  Vậy mà trước mặt chị Ma-ri-a chỉ có Chúa Giê-su thôi, và trước mặt Chúa cũng chỉ có chị Ma-ri-a thôi.  Hai người đã hoàn toàn hiện diện với nhau.  Người nói kẻ nghe, hoàn toàn chăm chú và vui hưởng sự hiện diện của nhau.  Đúng là Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất rồi!  Đúng là một sự bình an, một thứ bình an chỉ có Chúa Giê-su mới ban cho ta (Ga 15:27)!  Sự chiêm niệm được hiểu một cách đơn giản như vậy và nếu thế thì ai cũng có thể thực hành được trong cuộc sống bận rộn của mình.  Ta thường nghe câu truyện cha thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney và một ông lão là giáo dân của ngài.  Chiều nào cha cũng thấy ông lão ở trong nhà thờ, im lặng.  Cha hỏi ông cầu nguyện với Chúa thế nào.  Ông thưa:  “Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con” (Je l’avise et Il m’avise).  Đấy là chiêm niệm.

 

c)  “Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá!”

 

        Hẳn đây là một lời nhắc nhở với đầy lòng yêu mến.  Ta cứ nghe cách Chúa gọi tên chị Mác-ta là biết.  Chúa  Giê-su, “người thân cận” dễ thương của chị Mác-ta đang thực thi lòng thương xót đối với chị.  Người muốn giải phóng chị khỏi những ràng buộc không cần thiết và sắp đặt lại những ưu tiên của cuộc sống.  Trong bài giảng trên núi (Mt 6:25-34), Người đã dạy ta đừng quá lo lắng.  Quá lo lắng và lăng xăng có thể biến ta thành “cái rốn vũ trụ”, làm cho ta có cảm tưởng mình là người không thể thay thế.  Rồi từ đó nảy sinh nhiều thứ cảm tưởng khác không tốt, nhất là gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình, quên đi “một chuyện cần thiết mà thôi”, tức là đời sống nội tâm cầu nguyện và lối sống chiêm niệm.

        Ở đâu ta cũng nghe người ta than:  Bận quá!  Nhưng ít có người trả lời:  tôi đang bận cầu nguyện.  Điều quan trọng là ta có làm cho cuộc sống hằng ngày của mình được quân bình không, nghĩa là có hoạt động như là kết quả của cầu nguyện và cầu nguyện như là nhu cầu cho hoạt động không.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Trong cuốn Prières của cha Michel Quoist, có một lời nguyện thật hay và giúp ta suy nghĩ.

                        Tranh thủ thời gian

        “Lạy Chúa, bước ra đường, con gặp không biết bao nhiêu người...

        Họ về, họ đến, họ đi, họ chạy...

        Xe hai bánh chạy...

        Xe bốn bánh chạy...

        Xe ca-mi-ông chạy...

        Cả thành phố chạy...

        Các con đường chạy...

        Cả thành phố chạy...

        Tất cả mọi người chạy...

        Họ chạy để khỏi mất thì giờ

        Họ chạy theo thời gian

        để lấy lại thời gian đã mất

        để lời nhiều thời giờ hơn...

        Hết mọi người đến bảo là không có thời giờ...

        Nhưng lạy Chúa, con có thời giờ...

        Con có thời giờ riêng của con.

        Tất cả thời giờ mà Chúa đã ban cho con,

        Những năm tháng của đời sống con,

        những ngày của năm tháng con

        những giờ của ngày sống con

        Tất cả đều thuộc về con.

        Con có phận sự phải dùng nó cho đầy đủ trong bình tĩnh và yên lặng...

        Dùng nó cho trọn vẹn, cho tới phút cuối cùng.

        Để dâng lên cho Chúa hầu Chúa làm lợi cho kẻ khác.

        Chiều nay, lạy Chúa, con không xin Chúa ban cho thêm thời giờ

        để làm sự này hay sự khác...

        Con chỉ xin Chúa cho con được ơn này là ơn biết dùng nên thời giờ

        Chúa ban cho con, để tận tình làm những việc mà Chúa muốn cho con làm...”     

                        (Trích trong cuốn “Suy nghĩ và cầu nguyện”, trang 106)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

15-7-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà