SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVII
7-29-2001
Lời Chúa
hôm nay khơi dậy trong chúng ta MỘT NIỀM HY VỌNG mãnh liệt nơi Thiên Chúa, ĐẤNG
GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm
nay : một thời đại đang đứng trước muôn vàn thử thách và khó khăn, thời của
những khủng hoảng và xáo trộn toàn cầu.
Thiên Chúa ngay từ lúc kêu gọi con
người, khi kêu gọi Abraham, đã chứng thực Ngài là Thiên Chúa "chậm bất
bình và đầy lòng khoan dung", khi Ngài, nhân danh TÌNH NGHĨA THIẾT với những
người lành : dù là 50, 40, 30, 20 thậm chí chỉ là 10 người thôi, cũng saün lòng
bỏ qua cho cả một thành phố tội lỗi đã quá nặng nề.
Cho dù Sôđôma và Gômôra cuối cùng cũng
bị thiêu hủy vì không có được số người tối thiểu ấy, nhưng câu chuyện đã khẳng
định một chân lý, một mầu nhiệm của sứ mạng làm người : "MẦU NHIỆM CÁC
THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG, một chiều kích của phẩm giá con người đã bị lãng quên
hay bị chối bỏ trong cuộc sống. Vì chiều kích ấy, gia đình của Lot đã được giải
thoát.
Thánh Phaolô dường như cũng muốn khơi
lại niềm tin vào chân lý ấy khi Ngài nói tới phép cắt bì, một dấu chỉ được
thuộc về DÂN ĐẶC TUYỂN "Trước kia, anh em là những kẻ chết, vì anh em đã
phạm tội, và vì thân xác anh em không được cắt bì...". Chiều kích hiệp
thông giờ đây được củng cố nhờ phép Rửa Tội là bí tích cho người Kitô hữu
"được cùng sống với Đức Kitô".
Nền tảng của sự Hiệp Thông được chính
Chúa Giêsu trình bày trong đoạn Tin Mừng, mà chính bối cảnh của nó cũng đã gợi
lên :
Vào thời của Chúa Giêsu, có nhiều nhóm
người hình thành một lối sống khác biệt trong nỗ lực chuẩn bị thời buổi Thiên
Sai, trong đó nổi bật là nhóm Gioan Tiền Hô. Dấu chỉ của nhóm chính là những
lời kinh cầu nguyện của họ. Điều ấy thúc đẩy một người trong nhóm môn đệ của
Chúa Giêsu xin Người dạy họ cầu nguyện : một dấu chỉ hữu hình riêng biệt cho sự
hình thành và tồn tại của nhóm, là hướng đi và định chế của hiệp thông.
Và Chúa Giêsu đã đáp ứng ý nguyện của
môn đệ khi dạy họ KINH LẠY CHA. Mà nội dung kinh nguyện trọng tâm này thực sự
là dấu chỉ, là định hướng và là định chế của DÂN ĐẶC TUYỂN mà Người có sứ vụ
quy tụ cho Thiên Chúa.
Trước hết khi kêu cầu Thiên Chúa là CHA,
người môn đệ đã xác tín phẩm giá là "con" của họ, một phẩm giá họ
nhận được từ "NGƯỜI CON MỘT". Phẩm giá ấy theo Thánh Phaolô không
phải chỉ là việc trao ban một danh xưng, một chứng minh thư, một căn cước,
nhưng là một quá trình đi theo Đức Kitô như nhóm môn đệ Người để "cùng
được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được phục sinh với
Người", quá trình "đóng đinh" "cái sổ nợ bất lợi" là
mọi tội lỗi của chúng ta "vào thập giá".
Khi khẩn cầu cho "DANH CHA CẢ
SÁNG", người môn đệ đã saün sàng ký thác đời mình phục vụ những công trình
kỳ diệu của Thiên Chúa, những công trình tuôn đổ LÒNG THƯƠNG XÓT vô biên của
Người, mà theo Gioan tột đỉnh của LÒNG THƯƠNG XÓT ấy chính là "Thiên Chúa
yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một". Người môn đệ từ đấy dành tất cả sức
lực phục vụ Đức Kitô.
Khi kêu xin cho "NƯỚC CHA TRỊ
ĐẾN", người môn đệ xác tín họ không thuộc về nước trần gian, họ không thể
dùng những phương tiện thế gian, bởi vì vương quyền của Thiên Chúa "không
phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu
độ. Thánh I-rê-nê có một phát biểu thời danh "Vinh quang của Thiên Chúa là
con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa".
Điều đó cũng khẳng định mục đích đời sống người môn đệ không nhằm theo đuổi sự
giàu sang trần thế, họ chỉ cần "LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY", điều họ theo
đuổi chính là "XÓA CÁI NỢ TỘI LỖI" như thánh Phaolô đã nói. Mầu nhiệm
tội lỗi trong lịch sữ con người cũng chính là nguồn gốc của mọi khủng hoảng và
xáo trộn. Đức Giêsu Kitô là giải pháp duy nhất, bởi chỉ từ "Thân Xác bị
đâm thâu" trên Thánh Giá, mà giòng nước Thánh Thần mới được khơi ra và
tuôn đổ xuống lòng những kẻ tin để thanh tẩy họ và ban cho họ khả năng để tha
thứ. Điều mà chính Người nói tới trong lời kết của đoạn Tin Mừng "Cha của
anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người
hay sao".
Những suy nghĩ trên đây khiến tôi nhớ lại
một lời khác của Thánh Phalô "Thánh Thần được đổ xuống lòng chúng ta, để
từ trong thân xác ta, Người kêu lên "Abba". Kinh nguyện là một khẳng
định lại phẩm giá là con trong Người Con Một khi LÃNH NHẬN THÁNH THẦN NGHĨA TỬ,
là theo đuổi chương trình kế hoạch của Người Con ấy : thiết lập VƯƠNG QUỐC CỦA
LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ.
L.m.
Giuse Nguyễn Hữu Duyên