Chúa Nhật Thứ 17 Thường Niên

(29-7-2001)

Đọc Lời Chúa

·       St 18, 20-32: (32) A-bra-ham nói với Chúa: Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? Chúa đáp: Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.

·       Cl 2, 12-14: (13) Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

 

·       TIN MỪNG: Lc 11, 1-13

Kinh Lạy Cha (// Mat 6: 9-13)

(1) Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông. (2) Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, (3) xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; (4) xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".

Người bạn quấy rầy

(5) Người còn nói với các ông: Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; (7) mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được". (8) Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

Cứ xin thì sẽ được (// Mat 7: 7-11)

(9) Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? (12) Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? (13) Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?.

Suy niệm

Câu hỏi gợi ý:

1.      Khi cầu nguyện, nên gọi Thiên Chúa bằng Cha hay bằng Chúa? Cách nào hợp lý và đúng với tinh thần của Tân Ước hơn? Tại sao?

2.      Thiên Chúa muốn ta nói gì với Ngài khi ta cầu nguyện? Muốn ta ca tụng ngợi khen Ngài, xin xỏ Ngài đủ điều, hay muốn ta tâm sự với Ngài như hai cha con hoặc như hai người bạn tâm giao nói chuyện với nhau?

3.      Thiên Chúa có luôn luôn chiều ý ta, nghĩa là luôn luôn ban cho ta những điều ta cầu xin không? Nếu để ta xin gì được nấy thì điều ấy có ích lợi cho sự trưởng thành của đời sống tâm linh ta không?

Suy tư gợi ý:

1.      Khi cầu nguyện, hãy gọi Thiên Chúa là Cha

Đức Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, trong đó Ngài muốn các ông gọi Thiên Chúa bằng Cha (Abba). Đây quả là một đổi mới táo bạo, một cuộc cách mạng của Đức Giê-su trong cách nhận thức về Thiên Chúa, đánh dấu sự chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước. Cựu Ước quan niệm Thiên Chúa là chủ tể của vũ trụ, nghĩ đến điều đó thì thật là khủng khiếp, nhất là trong thời đại phong kiến như thời Cựu Ước. Ông vua chỉ một nước nhỏ thôi cũng đã oai phong lẫm liệt như thế nào: giàu sang, quyền thế, nắm quyền sinh sát người dân trong tay. Thế mà Thiên Chúa lại là vua của cả thế giới, hơn nữa, cả vũ trụ. Vì thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa cao cả đến nỗi chỉ cần nhìn thấy Thiên Chúa thì cũng đã phải chết (xem Xh 33,20), thậm chí tới gần nhà tạm của Thiên Chúa cũng đủ để phải chết rồi! (xem Ds 17,28).

Thế nhưng Đức Giê-su đã dạy ta gọi Thiên Chúa là Cha, vì Ngài là người sinh ra ta theo nghĩa đích thực nhất. Còn cha mẹ ở trần gian chỉ là người cộng tác với Ngài trong việc sáng tạo nên bản thân ta. Tình yêu của cha mẹ ta chỉ là hình ảnh tình yêu phụ tử của Ngài đối với ta. Ngài cũng chính là người yêu thương ta nhất, vì tất cả những gì ta có, ta được, dù là tinh thần hay vật chất, đều là là do Ngài thương ban cho ta, nhưng thường gián tiếp qua tay một số người nào đó. Những người này dù có cho hay giúp ta điều gì, thì xét cho cùng không phải chính họ cho hay giúp ta, mà là Thiên Chúa, Cha ta, đã cho, đã giúp qua bàn tay của họ. Mọi tình yêu mà ta cảm nhận được trên đời đều bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Ngài. Người giác ngộ sâu về tâm linh đều cảm nghiệm một cách sâu sắc chính Thiên Chúa mới là Cha của mình theo nghĩa đích thực và căn bản nhất. Chính vì cảm nghiệm rất rõ điều đó, nên Đức Giê-su đã dạy các tông đồ và chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha.

Đương nhiên Thiên Chúa vẫn là Chúa tể của vũ trụ và của ta, nhưng thuộc tính Chúa Tể không căn bản và không diễn tả quan hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta đúng bằng thuộc tính Cha. Một vị Chúa tể có thể không sinh ra, và cũng không yêu thương con dân của mình, nhưng một người cha thì không những sinh ra và còn yêu thương con cái mình hơn tất cả mọi người khác. Nhất là khi bản chất của người cha ấy lại là tình thương, là nguồn yêu thương phát xuất ra tất cả những tình cảm yêu thương của mọi người. Vì thế, gọi Ngài là Cha nghe có tình nghĩa và thân mật hơn gọi là Chúa. Thật vậy, có ông vua nào lại muốn con cái mình gọi mình là hoàng thượng, hay bệ hạ mà không phải là cha? Trừ trường hợp ông vua đó nghèo nàn tình cảm, và chỉ ham thích quyền bính. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đầy tình yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta coi Ngài là Cha hơn là Chúa.

Nếu Đức Giê-su đã dạy ta gọi Thiên Chúa là Cha khi cầu nguyện, thì ta nên làm theo ý Ngài. Đây là một điểm mới của thời Tân Ước. Chúng ta đã bước vào thời Tân Ước đã 2000 năm, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn cứ sống theo kiểu Cựu Ước trong quan niệm, tinh thần và trong cách hành xử. Giáo Hội đã đổi lại cách xưng hô với Thiên Chúa là Cha trong phần lễ qui, là phần quan trọng nhất của thánh lễ. Thiết tưởng cũng nên thống nhất cách xưng hô với Ngài là Cha trong toàn bộ phụng vụ của Giáo Hội. Và người Ki-tô hữu cũng nên coi Ngài là Cha hơn là Chúa qua cách xưng hô với Ngài, nhất là khi cầu nguyện.

2.      Hãy cầu nguyện như nói chuyện với một người cha

Trong tinh thần coi Thiên Chúa là người cha rất yêu thương, gần gũi, thân thiết với mình, và ở ngay trong tâm hồn mình, chúng ta cảm thấy dễ cầu nguyện hay nói chuyện với Ngài hơn. Chúng ta nói chuyện, tâm sự, kể lể, bàn hỏi, thậm chí nói chuyện phiếm với cha mẹ mình hay bạn tâm giao của mình thế nào, thì cũng hãy nói với Thiên Chúa như vậy. Ngài muốn nghe chúng ta nói những chuyện thực tế của đời sống như thế, chứ không thích nghe những chuyện xa rời cuộc sống, hoặc chẳng ăn nhập gì với đời sống thực của chúng ta như thứ ngôn ngữ của những kinh nguyện làm saün (Những kinh nguyện này chỉ để giúp ta cầu nguyện khi ta không biết cầu nguyện thế nào, hoặc dùng để cầu nguyện chung trong cộng đoàn). Ngài chắc hẳn không muốn nghe chúng ta nói với Ngài bằng thứ ngôn ngữ hay tư tưởng xa lạ, khác với ngôn ngữ và tư tưởng thường ngày của chúng ta.

Khi cầu nguyện với Ngài, không nhất thiết là cứ phải luôn miệng ca tụng, tôn vinh Ngài, nhất là không nên nói những lời nịnh nọt không xuất phát từ tâm hồn mình. Khi nói chuyện với cha mẹ ta, ta có làm như thế đâu! Và cũng không phải cứ mở miệng ra là phải xin Ngài ơn nọ ơn kia. Thật ra Ngài đã biết hết và biết rất rõ ta cần và mong muốn những gì (x. Mt 6,8). Hãy nói những gì tâm hồn mình muốn nói, những gì mà tình cảm, lòng yêu thương hoặc lòng biết ơn thúc đẩy mình nói. Hãy trình bày cho Ngài những niềm vui, nỗi khổ mình đang có, những thuận lợi hay khó khăn mình đang gặp, những dự định, ước muốn, nhu cầu, sáng kiến, những tư tưởng mới, v.v. Hãy tâm sự, bàn hỏi, và xin ý kiến Ngài.

Cầu nguyện không nhất thiết cứ phải luôn miệng nói với Ngài. Nếu không biết phải nói gì với Ngài, thì cứ im lặng đặt mình trước mặt Ngài với lòng đơn sơ tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài nơi bản thân mình, hãy nghĩ rằng Ngài đang nhìn mình với ánh mắt trìu mến đầy tình thương của một người Cha, một người Bạn, saün sàng nghe ta mà cũng saün sàng nói với ta. Hoặc hãy im lặng lắng nghe Ngài nói. Nếu ta yêu cầu Ngài nói và lắng nghe, chắc chắn ta sẽ nghe thấy tiếng Ngài vang vọng trong tâm trí, trong đáy lòng ta. Càng im lặng một cách thâm sâu, thì tiếng Ngài càng rõ nét. Chắc chắn nghe Ngài nói thì có lợi cho ta hơn nói với Ngài. Ngài sẽ chỉ dạy cho ta sự khôn ngoan của Ngài, cách Ngài hành xử thế nào nếu gặp hoàn cảnh như ta, v.v. Cần phải tập nghe tiếng Ngài!

3.      Cầu nguyện không nhất thiết là xin ơn

Khi có nhu cầu gì cần được Ngài giúp đỡ, thêm sức, ta cứ việc trình bày với Ngài. Nhưng đừng nghĩ Ngài là một vị thần chuyên môn thỏa mãn những nhu cầu của ta khi ta yêu cầu, giống như vị thần trong câu chuyện cổ tích Cây Đèn Thần của A-la-đin, vốn là người đầy tớ luôn làm theo lệnh chủ mình. Không phải bất cứ điều gì ta xin, Ngài cũng cho. Nếu Ngài chiều ta như thế, chắc chắn ta sẽ hư đi, giống như một đứa con được cha mẹ chiều chuộng quá mức. Những cha mẹ khôn ngoan, ngoài việc giúp đỡ và cho con cái những gì thật sự cần thiết cho chúng, còn biết tạo cho chúng tinh thần tự chủ, tự tin, tự lập, có óc sáng tạo, biết nỗ lực, không quá lệ thuộc, bám cứng vào cha mẹ. Thiên Chúa chắc chắn cũng muốn ta trưởng thành lên, nên nhiều khi Ngài để ta tự giải quyết một mình những khó khăn của ta. Vả lại, để giúp ta tiến triển về tâm linh, Ngài phải tập cho ta làm theo ý Ngài, chứ không phải là Ngài làm theo ý ta.

Càng yêu thương ta, Ngài càng rèn luyện, thử thách ta bằng đau khổ: (6) Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. (7) Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? (8) Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức (Dt 12,6-8). Các vị thánh đều cảm nhận được sự rèn luyện và thử thách này một cách rất rõ ràng. Vì thế, ta đừng nản lòng nếu cầu xin mà không được Thiên Chúa nhận lời. Có thể vì yêu thương và muốn ta trưởng thành trong đức tin mà Ngài thử thách ta đấy!

Cầu nguyện

Lạy Cha, con vui mừng và hạnh phúc biết bao khi nhận ra Cha là người cha đích thực nhất của con. Cha vừa vừa là Thiên Chúa mà cũng vừa là Cha của con. Con tin chắc chắn Cha là người yêu thương con nhất trên đời, vì thế, con xin phó thác tất cả cuộc đời con cho tình yêu của Cha. Xin cho con biết đáp lại tình yêu vô biên của Cha bằng lòng hiếu thảo đích thực của một người con, và bằng tình yêu chân thành đối với tất cả mọi người là anh chị em với con, vì họ đều là con cái Cha, cùng gọi Cha là Cha như con. Amen.

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà