Chúa Nhật 17 Quanh Năm

29-7-01

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Cô-lô-xê 2: 12-14

        Đoạn Kinh Thánh trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nằm ở giữa một đoạn thư (2:4-23) mà thánh Phao-lô khuyến cáo tín hữu Cô-lô-xê đừng để mình bị lôi cuốn do bất cứ giáo lý sai lạc nào. Chính bối cảnh ấy sẽ là lý do để ngài muốn nhấn mạnh đến vai trò của bí tích Rửa tội và việc Chúa Giê-su kết thúc chế đọâ Lề Luật.

        Thánh Phao-lô bắt đầu với lời cảnh cáo tín hữu Cô-lô-xê đừng để mình bị lôi cuốn do một thứ giáo lý xây dựng trên nền tảng "những yếu tố của vũ trụ" (2:8), nhưng phải lớn lên bằng giáo lý xây dựng trên nền tảng là Đức Giê-su Ki-tô (1:4-8). Vậy những yếu tố của vũ trụ nghĩa là gì? Có thể thánh Phao-lô muốn nói tới những quyền lực thần thiêng được nhắc đến trong câu 15, bởi vì nếu theo giáo lý ấy, thì người ta sẽ đặt Đức Ki-tô xuống dưới những yếu tố vũ trụ. Đây là cách nhập đề Phao-lô sử dụng để chuyển sang vấn đề cốt yếu, đó là ngài phải giúp cho tín hữu Cô-lô-xê (và cả chúng ta nữa) hiểu vai trò của Đức Ki-tô: qua bí tích Rửa tội, "phép cắt bì của Đức Ki-tô," chúng ta có một đời sống mới.

        Vậy sau khi đã cảnh cáo tín hữu Cô-lô-xê như thế, thánh Phao-lô nhắc nhở họ về con người và việc làm của Đức Ki-tô (2:9-15). Ngài dạy rằng bản tính Thiên Chúa có trọn vẹn nơi Đức Ki-tô và Đức Ki-tô có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng. Tín hữu Cô-lô-xê được cắt bì bằng "phép cắt bì của Đức Ki-tô" (2:11) khi họ được mai táng và chỗi dậy với Người trong bí tích Rửa tội. Chính trong bí tích Rửa tội, họ được chia sẻ với chiến thắng của Người trên thập giá, tức chiến thắng mà Người đã "truất phế các quyền lực thần thiêng" (2:15). Nhưng các "quyền lực thần thiêng này" lại thường cám dỗ tín hữu Cô-lô-xê quy phục chúng! Và đây là nhược điểm của tín hữu Cô-lô-xê và cũng là điều thánh Phao-lô cảnh cáo họ và khuyên họ hãy nắm vững giáo lý Chúa Ki-tô.

        Tiếp theo, ngài cảnh cáo họ hãy đề phòng lối sống khắc khổ (2:16-23). Đó là lối sống nào? Chúng ta không biết rõ. Nhưng nhiều người nghĩ rằng lối sống ấy là do một số người cổ võ tín hữu Cô-lô-xê hãy sống tùy thuộc vào những quyền lực thần thiêng của vũ trụ. Dù sao đi nữa, lời khuyên của thánh Phao-lô quá rõ ràng: đừng theo lối sống ấy, vì nếu "anh em đã chết cùng Đức Ki-tô và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ rồi, thì tại sao anh em lại rập theo những quy luật, như thể anh em còn sống lệ thuộc vào thế gian?" (2:20).

        Tất cả văn mạch của đoạn thư 2:4-23 có lẽ giúp chúng ta nhận ra đề tài dễ dàng hơn. Nhưng Phụng vụ Lời Chúa muốn gì khi chỉ giới hạn bài đọc trong các câu 12-14? Thiết nghĩ Phụng vụ Lời Chúa muốn chúng ta chú ý tới chủ đề bí tích Rửa tội như một tiến trình được mai táng và được sống lại với Đức Ki-tô. Tuy nhiên, mạch văn của bài đọc cho chúng ta thấy thánh Phao-lô đã nhìn bí tích Rửa tội dưới ánh sáng của công việc Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta. Bí tích Rửa tội là việc tham dự vào cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá, cái chết đã đem lại chiến thắng có chiều kích toàn diện vũ trụ, đối với bất cứ quyền lực nào, dưới đất cũng như trên trời. Vậy những ai chịu phép rửa trong Chúa Ki-tô thì cũng được tham dự vào cuộc chiến thắng vũ trụ của Người, tức là được dự phần vào cuộc hòa giải giữa muôn loài muôn vật với Thiên Chúa.

        Thường chúng ta vẫn chỉ coi bí tích Rửa tội như một Nghi thức không hơn không kém, tựa như cây đũa thần biến chúng ta thành con cái Chúa và "bảo đảm" chúng ta sẽ "được lên thiên đàng"! Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải sống bí tích Rửa tội, phải tham dự tích cực vào tiến trình hòa giải mà bí tích Rửa tội chỉ là khởi đầu, để qua việc "mai táng" và "chỗi dậy" hằng ngày, chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô trong chiến thắng của Người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Trình bày giáo lý về bí tích Rửa tội, thánh Phao-lô giúp tôi nhận ra vai trò của Chúa Ki-tô như thế nào?

        "Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nần tảng là Đức Ki-tô"(2:7) có phải là lý tưởng và đường tu đức của tôi không? Nếu có, tôi đã và đang lớn lên trong đường tu đức ấy như thế nào? Những phương thức nào giúp tôi "bén rễ sâu" nơi Chúa Ki-tô?

        Mỗi ngày tôi đã "đóng đinh vào thập giá" hoặc "mai táng" những gì với Đức Ki-tô và được "chỗi dậy" trong những mới mẻ nào?

        Được rửa tội, chúng ta may mắn được làm con cái Chúa và môn đệ Đức Ki-tô. Trong viễn tượng truyền giáo, chúng ta sẽ làm gì cho những anh chị em chưa được rửa tội? Tôi và nhóm có thể làm gì đóng góp vào việc truyền giáo?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể đọc một kinh nguyện thích hợp, hoặc cùng hát "Chính vì yêu" (CNLT 36) hay "Chúa không lầm" (CNLT 30).

Lm. Trần Đình Nhi

       

         

         

       

       

         

       

       

       

       

       

       

         

       

       

       

       

         

       

       

 

                       

       

       

         

       

       

         

       

         

         

         

       

       


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà