CHÚA NHẬT 17 QUANH NĂM, C

(Lu-ca 11: 1-13)

 

        Cầu nguyện là một đề tài lớn trong giáo lý của Chúa Giê-su.  Nó liên kết con người với Thiên Chúa, tựa như chị Ma-ri-a đã để hết tâm hồn lắng nghe tiếng Chúa.  Chúa Giê-su không chỉ giảng giải về việc cầu nguyện, mà Người còn soạn sẵn cho ta một kinh nguyện để ta sống mối quan hệ với Thiên Chúa và quan tâm đến nhu cầu con người của ta.  Kinh “Lạy Cha” trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca có một chút khác nhau về nội dung và hoàn cảnh Chúa dạy môn đệ kinh ấy.  Mát-thêu để kinh “Lạy Cha” như một phần của cả bài giảng trên núi, còn Lu-ca thì đặt kinh “Lạy Cha” trong dịp một môn đệ xin Chúa Giê-su dạy họ phải cầu nguyện như thế nào.  Có lẽ Lu-ca muốn cho Ki-tô hữu gốc dân ngoại nhận ra đặc nét của việc cầu nguyện trong Ki-tô giáo khác biệt với kinh nghiệm cầu nguyện họ đã có trước kia và muốn mời gọi họ hãy nhìn lên Chúa Giê-su như gương mẫu cầu nguyện.

 

a)  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”

 

        Dạy cầu nguyện là việc làm không phải dễ đâu.  Người mẹ có đứa con nhỏ và bà muốn dạy nó cầu nguyện.  Ngày này qua ngày khác, mỗi ngày một chút, bà chỉ bảo nó từng tí một.  Nào là chắp tay làm sao, ngước mắt lên trời thế nào.  Nào là học thuộc lời kinh, từng tiếng một, từng câu một.  Tuy nhiên đó mới là những hình thức bên ngoài.  Làm sao cầu nguyện phải biểu lộ được những gì trong tâm hồn.  Điểm này thật là khó.  Bà phải dạy nó bằng chính kinh nghiệm của mình, chia sẻ những gì chính mình đã cảm nhận để đứa bé làm quen và ngày nào đó chính em sẽ tự mình nói lên những gì em muốn cầu nguyện.  Bài học cầu nguyện đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm.

        Giống như một em bé muốn học cầu nguyện, người môn đệ đến với Chúa Giê-su, một người dày kinh nghiệm về cầu nguyện, để xin Người dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào.  Không phải hễ trưởng thành là ta không cần học cầu nguyện.  Nhưng trái lại, về phương diện này thường thường ta cũng không hơn gì em bé kia, vẫn còn hết sức ấu trĩ trong việc cầu nguyện.  Kinh nào ta cũng thuộc, ta đọc rang rảng, nhiều khi át cả nhiều người trong nhà thờ (!), nhưng chưa chắc ta đã biết cầu nguyện thực sự.  Muốn học cầu nguyện, ta phải đến với Chúa Giê-su.  Người môn đệ trong đoạn Tin Mừng đã thấy ông Gio-an dạy môn đệ ông cầu nguyện.  Nhưng có lẽ người môn đệ ấy chưa thỏa mãn với cách cầu nguyện của ông Gio-an và đã nhận thấy đặc điểm nào đó trong cách cầu nguyện của Chúa Giê-su, nên anh ta mới đến xin Chúa dạy.  Ghi lại chi tiết về hoàn cảnh người môn đệ đến xin Chúa dạy anh cầu nguyện, thánh Lu-ca muốn ta ý thức chân lý này là chỉ có Chúa Giê-su mới là Thầy Dạy đích thực sẽ dạy ta phải cầu nguyện như thế nào.  Người dạy ta cầu nguyện bằng lời lẽ như bà mẹ “mớm” lời nguyện cho đứa bé, nhưng nhất là Người còn dạy ta cầu nguyện bằng chính kinh nghiệm bản thân về mối quan hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha và lòng cảm thương của Người với những nhu cầu của anh chị em đồng loại.

 

b)  Cầu nguyện là sống mối quan hệ với Thiên Chúa

 

        Phần đầu kinh “Lạy Cha” của Tin Mừng Lu-ca ngắn gọn hơn.  Tuy nhiên, khác với vẻ trịnh trọng của kinh “Lạy Cha” trong Tin Mừng Mát-thêu, Lu-ca muốn giúp ta cảm nhận một cách trực tiếp, cá nhân và thân mật qua cách xưng hô:  Lạy Cha.  Đúng là cảm nghiệm bản thân của Chúa Giê-su và Người truyền lại cho ta.  Chính Người đã xưng hô với Chúa Cha như vậy trong mỗi lần cầu nguyện.  Người trực tiếp thưa với Chúa Cha:  lạy Cha, Cha ơi! (22:42; 23:46, 10:21).  Người thưa một cách tự nhiên, với tất cả tâm tình của người con thảo.  Lời thưa diễn tả sự gần gũi, nói lên sự hiện diện sống động của hai Cha Con.

        Khi ta sống mối quan hệ với ai, ta chỉ nghĩ về người ấy và cố gắng biết người ấy muốn gì.  Mọi sự cho người ấy.  Mà ước muốn của Chúa Cha là gì nếu không phải là tình yêu vô điều kiện của Người sẽ được rao giảng, được nhân loại tiếp nhận?  Triều Đại của Cha là triều đại của tình yêu và lòng thương xót được tỏ ra cho mọi người, cũng là điều mà các thiên thần đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa trong ngày Chúa Giê-su Cứu Thế giáng sinh:  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).  Biết Cha muốn điều gì chưa đủ, mà còn phải giúp cho điều Cha muốn được thực hiện.  Chính vì thế, Chúa Giê-su đã đem tất cả con người mình để giúp cho “Triều Đại Cha mau đến”, cho dù Người phải hy sinh mạng sống mình.

 

c)  Cầu nguyện là chia sẻ nhu cầu của mình và của anh chị em

 

        Dạy ta phần thứ hai của kinh “Lạy Cha”, Chúa Giê-su cảm thông với những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của ta.  Chính Người đã kinh nghiệm thế nào là đói khi Người ở trong sa mạc, thế nào là bị từ chối xua đuổi, bị phản bội và bỏ rơi.  Người đã thương cho thân phận yếu đuối của những người tội lỗi, bị Xa-tan trói buộc nơi những kẻ bị quỷ ám, đau đớn khi mất đi người thân yêu, tình trạng bị cám dỗ, bị “sàng sẩy” như trường hợp ông Phê-rô, tinh thần cố chấp không tha thứ của người con cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu...  Tất cả những nhu cầu đó của nhân loại, Chúa Giê-su đã đưa vào trong phần thứ hai của kinh “Lạy Cha.”  Khi xướng lên, ta thấy đó không chỉ là những điều ta xin cho mình, nhưng cũng xin cho anh chị em nữa.

 

d)  Thái độ khi cầu nguyện

 

        Tin Mừng Mát-thêu (6:7) nhấn mạnh đến thái độ đơn sơ, đi thẳng vào vấn đề, tựa như con thưa với Cha, chứ không phải như người dân đến xin xỏ quan lớn nên bẩm thưa và nói xa nói gần, gãi đầu gãi tai...  Người dân ngoại thường đến với các thần linh của họ, nhưng vì không bền tâm và tin tưởng lắm vào các thần linh, bởi thế họ mới “lải nhải” mà trong lòng vẫn chẳng hy vọng mình sẽ được nhận lời.  Còn thánh Lu-ca, viết sách Tin Mừng cho Ki-tô hữu gốc dân ngoại, ngài muốn sửa sai thái độ cầu nguyện của dân ngoại.  Điều quan trọng khi cầu nguyện xin ơn là phải bền tâm và hoàn toàn tín thác vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa là Cha.  Cầu nguyện phải đặt trên nền tảng là tình yêu, tình yêu giữa Cha con, chứ không phải trên sợ hãi, lo lắng.  Nói khác đi, nền tảng của cầu nguyện chính là Thánh Thần, Tình Yêu Thiên Chúa.

 

e)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi đã thực sự cầu nguyện hay chỉ đọc kinh?

        Trước mỗi giờ cầu nguyện, có bao giờ tôi lắng đọng tâm hồn, hình dung ra Chúa Giê-su cầu nguyện, xin Người giúp tôi bắt chước Người mà cầu nguyện không?  Khung cảnh Tin Mừng nào giúp tôi tưởng tượng ra cảnh Chúa Giê-su cầu nguyện?

        Trong kinh Lạy Cha, thánh Lu-ca viết:  xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.  Tại sao ngài viết “vì” thay vì “như” như trong Mát-thêu?

        Thánh Phao-lô viết:  “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên:  “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:15).  Vậy mỗi khi cầu nguyện, tôi có ý thức vai trò của Chúa Thánh Thần giúp tôi cầu nguyện với tính cách là con cầu nguyện với Cha trên trời không?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Thầy Giê-su,

        Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

        Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

        Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

        vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

        những điều riêng tư thầm kín nhất

        trong tương quan giữa Thầy với Cha.

        Hơn nữa, sau phục sinh,

        Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

        Mặc nhiên Thầy tự nhận là Anh Trưởng

        đứng đầu một đoàn em đông đúc.

        Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha

        để trở nên những người em

        cùng huyết nhục với Thầy.

        Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã nâng chúng con lên

        làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

        Còn Thầy lại hạ mình xuống

        phục vụ chúng con như người tôi tớ,

        rửa chân chúng con như một nô lệ

        và chết thay cho chúng con trên thập giá.

        Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

        và sống yêu thương mọi người như anh em.  A-men.”

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 33)

 

Lm Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà