CHỦ NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
29.07.2001
NGHE:
* St 18, 20-32:
"Nếu Ta tìm được trong thành Xơ đom năm mươi
người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó"- "Không,
Ta sẽ không phá hủy cả thành, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người"-
"Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm" - "Nếu Ta tìm được ba
mươi người, Ta sẽ không làm"- "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không
làm" - "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Xơ đom"
* Cl 2,12-14:
Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu
phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên
Chúa, Đấng làm cho người chỗi dậy từ cõi chết. Trước kia anh em là những kẻ
chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên
Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ
mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.
* TIN MỪNG: Lc 11,1-13: Kinh Lạy Cha-
Người
bạn quấy rầy - Cứ xin thì sẽ được.
Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người
cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa
Thầy, xin dậy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dậy môn đệ của
ông." Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin
tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với
chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."
Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có
một người bạn, và nửa đêm đến nhà người ấy và nói: Bạn ơi, cho tôi vay ba cái
bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta
ăn cả"; mà người kia từ trong nhà đáp lại: Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa
đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giừơng với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh
cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người
này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì
thể diện.
"Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ
được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ nhận
được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người
cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà
lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái
mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho
những kẻ xin Người?"
NGẪM:
* Câu hỏi gợi ý:
1. Kinh Lạy Cha có tầm quan trọng như thế nào đối với các môn đệ Đức
Giêsu xưa và với chúng ta ngày nay?
2. Tại sao chúng ta có thể tin tưởng Thiên Chúa khi chúng ta cầu xin
Người?
* Suy tư gợi ý:
1. Tầm quan trọng của Kinh Lạy Cha đối với các
môn đệ Đức Giêsu xưa và với chúng ta ngày nay:
Ngày xưa
(cũng như ngày nay), mỗi nhóm tôn giáo có một kinh riêng. Kinh ấy vừa là nội
dung cầu nguyện, vừa là hiến chương hay qui luật sống của nhóm người ấy. Nên
nhìn vào kinh riêng của một nhóm, một cộng đoàn chúng ta hiểu được tôn chỉ, mục
đích, tinh thần của nhóm người, của cộng đoàn ấy. Chính vì thế mà các môn đệ
Gioan có kinh riêng. Cũng chính vì thế mà các môn đệ Đức Giêsu muốn xin Người
ban cho họ một kinh riêng, để khi đọc kinh đó lên thì người ta biết họ là môn
đệ Đức Giêsu. Chiều lòng các môn đệ Đức Giêsu đã dậy họ Kinh Lạy Cha.
1. Lạy Cha: Abba, (Lạy Cha chúng con ở trên trời):
Được gọi
Thiên Chúa là Cha: Abba! Tức được làm con cái của Thiên Chúa: đó là tư cách
riêng, rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn
bản nhất, lớn lao cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu.
Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha
nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là
anh em chị em của nhau.
1.2 Xin làm cho Danh Cha vinh hiển, Triều đại
Cha mau đến, (Ý Cha được thực hiện):
Đã là
con thì phải hiếu thảo, vì chỉ hiếu thảo mới xứng danh là con. Con hiếu thảo
thì trước tiên phải biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của
mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm sao (tức phải cầu xin và
hoạt động) cho Danh Cha được cả sáng! (tức được nhìn nhận và ca tụng!) Nước Cha
trị đến! (tức được đón nhận và hiển trị!) Ýù Cha được thực hiện! (tức được vâng
nghe và thực thi!).
Chắc
chắn Cha chúng ta sẽ rất vui, sẽ mát lòng mát dạ khi có những người con biết
sống hiếu thảo như thế.
1.3 Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương
thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi
người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ (cứu
chúng con khỏi mọi sự dữ):
Sau khi
đã cầu xin và đã ra sức thực hiện những công việc thuộc về Cha thì chúng ta có
"quyền" tỏ bầy với Cha những nhu cầu chính đáng của chúng ta: lương
thực hằng ngày (cho phần xác), ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn
thoát khỏi sự dữ (cho phần hồn). Không có cơm bánh lương thực, chúng ta không
thể sống về mặt thể lý. Không có ơn thánh sủng, chúng ta cũng không thể sống về
mặt tâm linh, vì chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi. Không được Chúa
hỗ trợ phù giúp, chúng ta không tự mình thoát khỏi cạm bẫy của ma quỉ, thế
gian, xác thịt. Không có ơn Chúa chúng ta không thể thoát khỏi thế giới đen tối
của ác thần xa-tan, ma quỉ.
Được Cha
yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, thì chúng ta cũng phải biết noi
gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em đồng loại của mình. Thế mới trọn
tình con thảo hiếu của Cha.
2. Chúng ta có thể tin tưởng Thiên Chúa khi
chúng ta cầu xin Người:
Sau khi
đã dậy các môn đệ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu còn quan tâm nhấn mạnh
đến lòng tin tưởng cậy trông là điều hết sức cần thiết trong đời sống cầu
nguyện. Người đã dùng dụ ngôn hai người bạn và đã dùng lý luận rất khít khao,
lô gíc để thuyết phục chúng ta.
Lý do
chính khiến chúng ta vững lòng tin vào lời cầu nguyện của mình là vì Thiên Chúa
là Cha của chúng ta, một người Cha đầy yêu thương và quyền năng (bài đọc 1). Là
con cái của một người Cha như thế thì chúng ta chẳng có gì phải lo khi chúng ta
cầu xin Người!
Nếu
chúng ta không hoặc chưa được toại nguyện thì có lẽ chúng ta nên xem lại mình:
Phải chăng xưa rầy chúng ta chỉ biết quan tâm tới bản thân, mà chẳng hề quan
tâm đến những gì thuộc về Cha chúng ta? Phải chăng xưa rầy chúng ta toàn xin
những ơn đâu đâu, không ăn nhập gì với nhu cầu chính đáng thuộc phần hồn hay
phần xác của chúng ta?
Chúng ta
cũng đừng quên rằng: có nhiều khi chúng ta xin Chúa ơn này thì Người lại không
ban cho chúng ta ơn ấy, nhưng lại ban cho chúng ta ơn khác, còn lớn lao cao
trọng hơn ơn chúng ta ước ao cầu xin bội phần. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tất
cả, nên Người biết chúng ta cần gì, thiếu gì, biết ơn nào ích lợi cho chúng ta
hơn. Chúng ta chỉ cần vững lòng tin vào Người, kiên nhẫn chờ đợi và thanh luyện
động cơ trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.
NGUYỆN
Abba!
Lạy Cha yêu dấu của con!
Con sung
sướng được làm con của Cha! Con hãnh diện được có Cha là Cha của con!
Con cảm
tạ ơn Cha! Con chúc tụng ngợi khen Cha! Con yêu mến Cha!
Xin Cha
dậy con đức hiếu thảo, để con biết sống đẹp lòng Cha, biết lo toan những công
việc của Nhà Cha, biết làm rạng danh Cha giữa muôn người.
Xin Cha
ban cho con những ơn cần thiết phần hồn phần xác, để con đủ sức chống trả mọi
âm mưu cám dỗ của kẻ thù; để con không phải hổ thẹn trước những kẻ không tin có
Thiên Chúa và trước những kẻ nghi ngờ lòng thương yêu và quyền năng của Thiên
Chúa.
Chúng
con xin Cha tất cả các ơn ấy, vì công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Con Yêu Dấu của
Cha và là Cứu Chúa duy nhất của chúng con. Amen.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội