SUY NIỆM CHỦ NHẬT XVIII
5-8-2001
Lời sách Giảng Viên đã có một thời được đón nhận,
suy niệm và lưu truyền trong xã hội Kitô Giáo, nó trở thành sách gối đầu giường
của bao thế hệ trẻ, ngày nay người ta coi như nó là cái cản trở cho mọi tiến bộ
văn minh, như tư tưởng phản động làm trì trệ mọi nhiệt tình xây dựng một xã hội
thịnh vượng và trù phú. Những giòng tư duy đang có ảnh hưởng trên nhân loại ít
nhiều đều chối bỏ, và kết án tính cách bi quan yếm thế của nó. Tuy nhiên, lời
sách chỉ là một phản ánh trung thực tâm tư con người đứng trước những mầu nhiệm
lớn lao của cuộc sống mà không có những yếu tố cho một câu trả lời. Lời sách mở
ra sự trông chờ một mạc khải lớn lao hơn. Xét theo góc độ này, thì lời sách
giảng viên mang tính nhân bản và hiện sinh biết bao ? Cách đặc biệt trong giai
đoạn kinh tế khủng hoảng như hôm nay. Bao nhiêu tích lũy có tính toán và được
kỹ thuật hỗ trợ đang đi gần đến con số không ?
Mạc khải ấy theo thánh Phaolô đã được dứt khoát
trao tặng con người trong mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Lời sách giảng viên đưa
chúng ta đến gần Đức Giêsu hơn, đó chính là khẳng định trong sách Gương Chúa
Giêsu, một sách đạo đức của mọi thời đại. Ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống đã có
câu trả lời toàn vẹn trong Đức Giêsu, Đấng đã phục sinh từ cõi chết để khơi
nguồn sự sống mới (Kinh nguyện Thánh Thể 4). Trong mầu nhiệm ấy, "những gì
thuộc về hạ giới", "con người cũ", đều đã bị đóng đinh, để
"chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người".
"Con người mới" đã được đặt lên không
phải để "làm người xử kiện hay người chia gia tài", hoặc "thu
tích của cải cho mình", nhưng là người "trở nên giàu có trước mặt
Thiên Chúa". Bởi vì, như chính Đức Giêsu khẳng định "Dẫu có được dư
giả, thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu."
Lý do thật đơn giản "Nội đêm nay người sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì
ngươi sắm saün đó sẽ về tay ai?". Vấn đề là làm sao để trở nên "giàu
có trước mặt Thiên Chúa"?
Ngay sau dụ ngôn này, Đức Giêsu đã chỉ cho thấy
"Chớ bồn chồn lo lắng! Các điều đó dân ngoại nơi thế gian kiếm tìm. Nhưng
Cha các ngươi biết rõ, các ngươi cần đến các điều ấy. Song hãy tìm kiếm Nước
của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.". Như vậy câu
trả lời thật rõ ràng : "Nước Thiên Chúa" đó là của cải không
thể hư hao mà chúng ta phải ra sức kiếm tìm.
Nước Thiên Chúa đã hiện diện với con người Đức
Giêsu Kitô. Theo đó, cuộc sống là một "Tấm Bánh"
được bẻ ra và trao ban cho một thế giới mới được khai sinh, là "Tình
Yêu biết thí mạng sống mình vì người mình yêu".
Từ 2000 năm qua, chính "văn minh tình
thương" ấy đã cứu vãn nhân loại trước những nguy cơ diệt vong và là tiếng
nói sinh tồn của mọi nỗ lực nhân sinh. Ngày nay người ta say mê với những tiến
bộ khoa học, với cái xu thế toàn cầu hóa, thế nhưng cũng chính những công trình
ấy đang hình thành một thế lực hầu như không còn khả năng kiểm soát, nó biến
con người trở thành những tù nhân của chính mình. Những suy thoái kinh tế chỉ
là hậu quả tất yếu của cuộc cạnh tranh tàn nhẫn và vô nhân. Người ta bảo các
đại công ty thua lỗ nên tạo ra ảnh hưởng giây chuyền : khiến cho các chỉ số cổ
phiếu sụt giảm... Nhưng vấn đề không phải thế, những chỉ số cổ phiếu kia chỉ
là những giá trị giả định được xã hội công nhận. Và khi xã hội có những
biến động thì tất nhiên những giá trị giả định cũng đổi thay. Khi xã hội để bị
lôi vào một chiều hướng phát triển không lấy con người trong sự toàn vẹn của nó
làm nguyên tắc chỉ đạo, một sự phát triển phi nhân, tất nhiên xã hội không thể
tồn tại. Cho dù xã hội làm ra thật nhiều của cải vật chất, nhưng ở khắp nơi con
người vẫn bị thiếu thốn, và xem chừng không có chút tiến bộ nào và ngược lại
còn gia tăng. Người ta đã nói tới 40% dân số thế giới sống trong sự nghèo
đói. Ngày nay hơn bao giờ hết, người ta cần tới Tin Mừng "văn minh
tình thương" để tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh địa phương cũng như
chiến tranh toàn cầu.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên