Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên

(1-8-2004)

 

Đừng tham muốn cách ích kỷ

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·  Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.

·  Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

 

·  TIN MỪNG: Lc 12,13-21

Đừng thu tích của cải cho mình

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: «Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi». (14) Người đáp: «Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?» (15) Và Người nói với họ: «Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu».

 (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: «Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” (18) Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”  (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó».

 

CHIA SẺ

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Có mấy cách tham muốn? Tham muốn những điều tốt lành đặc biệt cho tha nhân và cho tâm linh mình là điều tốt hay xấu? Khi nào tham muốn trở thành xấu?

2. Yêu thương bản thân mình là tốt hay xấu? Khi nào là tốt, khi nào là xấu?

3.  Quan tâm đến hạnh phúc hiện tại của mình mà không quan tâm đến hạnh phúc tương lai của mình là khôn hay dại? Muốn được hạnh phúc lâu dài trong tương lai thì phải làm gì?

 

Suy tư gợi ý:

1. Ai cũng có lòng tham

Đã là con người, ai cũng có tính tham, nghĩa là lòng ham muốn có thêm những điều mà mình cho là tốt đẹp, thuận lợi, có khả năng đem lại hạnh phúc cho mình. Thiên Chúa sinh ra con người như vậy, vì có lòng tham muốn, con người mới tiến bộ, xã hội mới thăng tiến. Tham muốn rồi được thỏa mãn là một nguồn vô tận đem lại hứng thú, sinh khí và hạnh phúc cho con người. Do đó, tham muốn chính là một điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng của con người ngay khi tạo dựng nên họ. Tuy nhiên, tham muốn cũng là một cái bẫy để Thiên Chúa thử thách về tình yêu mà con người dành cho Ngài và cho tha nhân. Vì tình yêu đòi hỏi tâm thức ra khỏi chính mình để hướng đến đối tượng mình yêu thương.

2. Hai cách tham muốn

Do đó, có hai cách tham muốn: tham muốn do tình yêu và tham muốn do ích kỷ.

a) Tham muốn do tình yêu dẫn con người đến hạnh phúc cho mình và cho người, đó là tham muốn cách khôn ngoan sáng suốt. Vì «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16), mà con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23), nên con người chỉ được hạnh phúc khi sống phù hợp với bản tính yêu thương của mình. Do đó, những tham muốn mang tính vị tha, mong cho Thiên Chúa được vinh danh và tha nhân được hạnh phúc, tuy không trực tiếp nhắm đem lại ích lợi cho bản thân, nhưng lại giúp con người đạt đến hạnh phúc đích thực.

b) Còn tham muốn do tính ích kỷ dẫn con người đến đau khổ cả cho mình lẫn cho người, đó là tham muốn cách ngu xuẩn dại dột. Ích kỷ (egoism=duy ngã) là chỉ nghĩ và lo cho mình, cho hạnh phúc và đau khổ của mình, mà không nghĩ hay lo gì cho tha nhân, cho hạnh phúc và đau khổ của tha nhân. Điều này đi ngược lại bản tính yêu thương mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng con người. Suy nghĩ và hành động ngược với bản tính yêu thương ấy, con người sẽ gặp đau khổ.

3.  Yêu mình cách sáng suốt và yêu mình cách dại dột

Đã là con người, ai cũng yêu chính bản thân mình, chính Thiên Chúa cũng yêu bản thân mình, và đã tạo dựng nên con người giống như vậy. Thật vậy, «không ai ghét thân mình bao giờ» (Ep 5,29). Người ích kỷ tự tách rời bản thân mình ra khỏi Thiên Chúa và toàn thể vũ trụ, tách rời lợi ích của mình ra khỏi lợi ích chung của Thiên Chúa và toàn vũ trụ. Trong khi Thiên Chúa và toàn vũ trụ là một toàn thể tương tự như như một thân thể duy nhất, trong đó Thiên Chúa là đầu và vũ trụ là thân mình và tay chân (x. 1Cr 12,12-27). Do đó, Thiên Chúa mới chính là «cái tôi» đúng nghĩa nhất của mỗi người, còn tha nhân và vạn vật trong vũ trụ là «cái tôi nối dài» của mỗi người. Nên bất kỳ hành động nào của ta nào nhằm đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và hạnh phúc cho tha nhân hay vũ trụ đều đem lại kết quả tốt đẹp và hạnh phúc cho bản thân ta. Còn bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho Thiên Chúa hay tha nhân, đều đem lại bất lợi và đau khổ cho bản thân ta.

Thánh Âu-Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính bản thân tôi» (Deus intimior intimo meo). Điều đó có nghĩa Thiên Chúa mới là «cái tôi» sâu thẳm nhất của ta, mới chính là bản thân ta cách đúng nghĩa nhất. Nên điều gì đem lại vinh quang cho Thiên Chúa đều đem lại hạnh phúc cho ta.

Còn tha nhân là «cái tôi nối dài» của ta, tương tự như tay chân và mọi bộ phận trong cơ thể của ta. Chúng không phải là ta, nhưng là «cái tôi nối dài» gần nhất của ta. Một người nọ uống rượu quá nhiều, y sĩ bảo: uống rượu nhiều sẽ làm hại gan. Nhưng anh ta nghĩ: gan ta đâu phải là ta, ta cần gì phải lo cho nó; ta cứ uống rượu cho thỏa thích bản thân ta, vì ta phải yêu bản thân ta. Cuối cùng, khi gan bị bệnh, thì chính bản thân anh cảm thấy đau đớn. Lúc đó anh mới hiểu lá của anh chính là «cái tôi nối dài» của anh, nên làm hại lá gan chính là làm hại bản thân mình. Một người khác không thèm quan tâm và lo lắng gì đến vợ con mà còn hành hạ vợ con nữa. Anh ta nghĩ: vợ con mình đâu phải là mình, cần gì phải lo cho họ. Đến khi anh bị bệnh hoặc thất thế, cần có người chăm sóc nuôi dưỡng, khi ấy vợ con anh bỏ mặc, vì trước đó anh có quan tâm đến họ đâu?! Lúc ấy anh mới nhận ra vợ con mình tuy không trực tiếp là mình nhưng là «cái tôi nối dài» của mình, là bản thân mình một cách gián tiếp. Không lo cho vợ con chính là không lo cho bản thân. Làm vợ con đau khổ thì kết quả cuối cùng là làm cho chính mình đau khổ. Tương tự, nếu ta không chịu chăm sóc cho chiếc xe của ta, thì có lúc chính chiếc xe ấy sẽ hành hạ ta. Chiếc xe của ta cũng là «cái tôi nối dài» của ta. Tất cả mọi người, mọi vật trên thế giới, kể cả thiên nhiên,  đều là «cái tôi nối dài» của ta. Khi con người vì ích lợi riêng trước mắt của mình mà phá rừng, làm ô nhiễm môi trường… thì cuối cùng con người đã phá hoại chính mình.

Do đó, yêu mình cách sáng suốt nhất là yêu cả Thiên Chúa và tha nhân, mọi hành động đều phải nhắm ích lợi cho toàn thể, nghĩa là phải làm sao để «ích người, lợi ta». Kinh Thánh dạy: «Hãy yêu tha nhân như yêu chính mình», lý do rất đơn giản: vì tha nhân rốt cuộc cũng là chính mình nối dài ra. Nếu chỉ ích người mà trước mắt không lợi cho ta, thì sớm muộn gì cái ích lợi ta làm được cho người cũng trở về làm ích lợi cho ta bội phần. Không bao giờ ta làm gì ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân mà ta lại bị thiệt thòi, cho dù trước mắt là ta bị thiệt.

4.  Đừng chỉ quan tâm đến hạnh phúc của mình trong hiện tại mà quên đi hạnh phúc của mình trong tương lai

Nhà phú hộ trong bài Tin Mừng chỉ nghĩ tới lợi ích và hạnh phúc của mình và lo cho nó ngày càng tăng thêm, ngoài ra không còn nghĩ gì tới lợi ích và hạnh phúc của ai. Ông cũng chỉ nghĩ tới lợi ích và hạnh phúc của mình trong hiện tại mà không nghĩ gì tới lợi ích và hạnh phúc cũng của mình trong tương lai, nhất là tương lai sau cái chết. Rất nhiều khi lợi ích và hạnh phúc của mình trong hiện tại đi ngược lại lợi ích và hạnh phúc của mình trong tương lai. Nghĩa là lợi ích và hạnh phúc hiện tại có thể là nguyên nhân gây nên những mất mát hoặc đau khổ trong tương lai. Nhất là khi lợi ích và hạnh phúc trong hiện tại đi ngược lại lợi ích hay hạnh phúc của Thiên Chúa và tha nhân. Vì bất kỳ điều gì ta gây thiệt hại hay đau khổ cho Thiên Chúa và tha nhân thì thiệt hại hay đau khổ ấy đều chắc chắn trở lại với chính bản thân ta một ngày nào đó trong tương lai. Đó là luật quả báo: nhân lành sinh quả lành, nhân ác sinh quả ác, «cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu» (Mt 7,17). Người khôn ngoan thật sự là người không chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình trong hiện tại, mà còn lo cho hạnh phúc của mình trong tương lai, bằng cách ngay trong hiện tại biết lo cho vinh quang của Thiên Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Đó chính là sự tham muốn khôn ngoan và chính đáng nhất.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, khi dựng nên con, Cha đã đặt để ở trong con lòng tham muốn để nhờ đó con có động lực mà tiến bộ về mọi mặt, nhất là về tâm linh. Nhưng lòng tham muốn là một con dao hai lưỡi: nếu tham muốn cách ích kỷ, thì lòng tham muốn ấy cuối cùng chỉ gây nên đau khổ cho bản thân con; nếu tham muốn cách vị tha, nó sẽ đem lại cho con niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Vấn đề mấu chốt vẫn là con có tình yêu hay không. Nếu có tình yêu, mọi tham muốn của con đều là vị tha và đều đem lại hạnh phúc. Nếu không có tình yêu, mọi tham muốn của con đều là ích kỷ và đều đem lại đau khổ cho con. Xin cho con biết tham muốn cách sáng suốt nhất là tham muốn vinh danh Cha và hạnh phúc của tha nhân.

 

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà